Cựu CEO Lee Kun Hee và những lựa chọn chiến lược tạo nên “Kỳ tích Samsung”
Làm thế nào CEO Lee Kun Hee vực dậy được cả một tập đoàn đang trong tình hình khó khăn, mâu thuẫn nội bộ lục đục và vươn lên thành “Kỳ tích Samsung”? Làm thế nào để một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn lại có thể vượt mặt được Nhật Bản ngay trên những thị trường vốn thuộc về người Nhật? Tất cả nằm ở những lựa chọn thông minh, sáng suốt của vị CEO này.
Vậy nhựng lựa chọn ấy là gì?
Lựa chọn bán dẫn
Trong cuốn sách "Quản trị kết quả" của Peter Drucker, tác giả kết luận: thành quả mà Lee Kun Hee cống hiến cho Samsung không phải là giúp tập đoàn giải quyết vấn đề trước mắt mà ông đã tìm ra một cơ hội phát triển mới cho công ty. Nếu tập trung vào tháo gỡ khó khăn của tập đoàn thì kết quả tốt nhất thu được cũng chỉ là đưa Samsung quay về trạng thái bình thường ban đầu, chứ không thể mong đợi điều gì xa hơn nữa. Tuy nhiên, nếu tìm ra một cơ hội phát triển mới thì những thành quả vượt bậc được sản sinh ra hẳn sẽ nằm ở một trình độ siêu đẳng khác so với việc giải quyết vấn đề và khôi phục lại ví trí vốn có cho Samsung.
Thế nhưng quyết định của Lee Kun Hee vào thời điểm đó là vô cùng liều lĩnh, bởi lúc đó, Samsung chỉ được biết đến như một hãng sản xuất hàng điện tử giá rẻ và bán dẫn vốn là thị trường mà Nhật Bản đã đi trước hàng chục năm. Tuy nhiên, từ những năm 1970, Lee Kun Hee đã nhìn thấy mốt số điểm mạnh và yếu tố thuận lợi giúp Samsung có thể thành công trên mảng bán dẫn. Người Hàn Quốc có thói quen dùng đũa vì thế đôi bàn tay của họ rất khéo léo. Đồng thời, thói quen bỏ giày đi chân trần trong nhà đã hình thành cho người Hàn Quốc một nếp sống thanh tịnh và sạch sẽ. Điều này hoàn toàn phù hợp với những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo với môi trường sản xuất tuyệt đối sạch sẽ.
Sau khi thuyết phục cha mình cũng chính là vị chủ tịch Samsung lúc bấy giờ, năm 1974, Samsung đã mua lại cổ phần của công ty bán dẫn Hàn Quốc. Và đến ngày 15/3/1983, chủ tịch Lee Buyng Chul đã chính thức phát biểu với báo giới về sự kiện Samsung gia nhập thị trường bán dẫn. Đương nhiên, lời phát biểu của chủ tịch Samsung nhận được những cái cười hoài nghi của giới tài chính trong nước. Thế nhưng chưa đầy một năm sau tuyên bố chính thức gia nhập thị trường bán dẫn, Samsung Electronics đã trình làng một sản phẩm gây chấn động đối với các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu. Bất chấp cách biệt kỹ thuật hàng chục năm, Samsung Electronics, một hãng điện tử vô danh mới chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực bán dẫn đã vượt mặt các ông lớn về công nghệ hiện nay để trở thành doanh nghiệp thứ 3 trên thế giới phát triển thành công sản phẩm 64K DRAM. Phải nói thêm rằng, tại thời điểm bấy giờ, 64K DRAM được ví là "kỹ thuật trong mơ" và được sản xuất trong quy mô hạn hẹp bằng công nghệ độc quyền.
Thừa thắng xông lên, tháng 12/1983, Samsung đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn với sự hỗ trợ của 2.000 máy móc và 260.000 công nhân. Đến các nước phát triển cũng phải mất ít nhất một năm rưỡi để xây dựng nên một nhà máy khép kín sản xuất bán dẫn hoàn thiện nhưng Samsung đã làm nên kỳ tích đó chỉ trong vòng vẻn vẹn sáu tháng.
Các doanh nghiệp trên thế giới đã bị sốc sau sự kiện này, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Samsung tiếp tục làm cả thế giới bàng hoàng khi đầu năm 1990, Samsung Electronics tuyên bố sẽ đi tiên phong trong việc đầu tư vào phiến bán dẫn 8 inch. Đây lại là một quyết định liều lĩnh nữa, bởi vào thời điểm đó, thị trường bán dẫn DRAM đang trong giai đoạn đóng băng. Những tên tuổi lớn như Toshiba, NEC, Hitachi thậm chí còn chần chừ chưa muốn đầu tư vào phiến bán dẫn 8 inch và tới tận năm 1993, kích thước chuẩn của một phiến bán dẫn vẫn chỉ là 6 inch.
Cuối cùng, tháng 6/1993, Samsung Electronics là doanh nghiệp DRAM đầu tiên chính thức đưa dây chuyền sản xuất 8 inch vào hoạt động. Samsung đã vượt qua các công ty tên tuổi của Nhật để bám sát IBM làm nên thành công rực rỡ thứ 2 của hãng. Lee Kun Hee chính là người đã đặt nền tảng để Samsung có thể có được lợi thế cạnh tranh trên toàn thế giới trong lĩnh vực công nghệ phiến bán dẫn 8 inch và nhờ đó mà hãng giữ vững được vị trí số 1 trong lĩnh vực bán dẫn.
Lựa chọn kỹ thuật số
Lee Kun Hee từng phát biểu: “Chúng ta có thể tụt hậu trong công nghệ analogue nhưng nhất định phải tiên phong trong công nghệ kỹ thuật số”. Hãng điện tử Samsung Electronics có thể giữ vững vị trí độc quyền trên thị trường TV trong suốt những năm qua là nhờ có lựa chọn sáng suốt và quyết tâm sắt đá này của Lee Kun Hee. Vào thời bấy giờ, các công ty Nhật quá hùng mạnh và không chừa ra một chỗ nào để Samsung Electronic có thể chen chân vào cạnh tranh. Thế nhưng khi thời thế thay đổi, sự chuyển giao giữa thời đại analogue và thời đại kỹ thuật số (vào những năm đầu thập niên 2000) bắt đầu, Samsung đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ này để nghiễm nhiên vượt qua các tên tuổi của Nhật Bản.
Trong thời đại analogue, “kinh nghiệm và kỹ thuật” là những yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất. Thế nhưng, bước vào thời đại kỹ thuật số, “cải tiến và tốc độ” thậm chí còn được đánh giá cao hơn, còn “kinh nghiệm và kỹ thuật” lại có ngày trở thành yếu tố bất lợi khi gia nhập vào thị trường công nghệ mới, "digital". Khi các đối thủ cạnh tranh còn đang mải miết với analogue thì Samsung Electronics đã có thể tạo dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc tại thị trường digital TV dựa trên nền tảng chất lượng hình ảnh và thiết kế.
Một trong những thành công khác thể hiện tầm nhìn chiến lược của Lee Kun Hee là xây dựng hệ thống hội tụ số (digital convergence). Khi internet được phổ biến và áp dụng rộng rãi, xã hội công nghiệp nhanh chóng chuyển sang xã hội thông tin, nhưng các công ty gạo cội vẫn chưa thể từ bỏ các sản phẩm công nghệ analogue, cũng như chưa thoát khỏi cơ cấu kinh doanh analogue, thì Lee Kun Hee đã đi trước một bước, không chỉ sản xuất ra các sản phẩm kỹ thuật số mà còn xây dựng hệ thống cấu trúc kinh doanh số hay digital e-company.
Trong thời đại công nghiệp hóa, chỉ cần làm ra được một, hai sản phẩm tốt là có thể yên tâm tồn tại, nhưng bước sang thời đại thông tin tri thức, một hai sản phẩm ấy không những cần phải được kết hợp, dung hòa mà còn cần hội tụ những thứ khác để trở thành một thể thống nhất. Năm 2000, tỷ xuất lợi nhuận ròng trên doanh thu của Samsung gần đạt tới chuẩn của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới là 20%. Năm 2002, có thể nói một trong những lý do chủ yếu giúp Samsung đánh bại Sony của Nhật chính là vì Samsung đã lựa chọn nền móng internet, đi trước các đối thủ khác và tạo nên một hệ thống “Global e-Process”, có thể tổng hợp tất cả, tăng cường và phát triển tiến trình nghiệp vụ số.
Hơn ai hết, Lee Kun Hee hiểu rằng để chuẩn bị hành trang bước vào thời đại kỹ thuật số toàn thể tập đoàn phải vượt qua những giới hạn về dự án kinh doanh và phạm vi công ty để chia sẻ thông tin kỹ thuật, nhanh chóng phát triển và cho ra đời những sản phẩm kết tinh từ quá trình hiện thực hóa dung hợp và phức hợp. Để làm được điều này, cần tạo ra một hệ thống quản lý thay đổi được toàn bộ quy trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm trước đây, bắt đầu từ kế hoạch sản xuất sản phẩm cho đến mẫu mã, thiết kế, dụng mẫu, sản xuất và cuối cùng là dây chuyển sản xuất.
Không chỉ vậy, Samsung còn xây dựng thành công một mạng lưới đáp ứng hoản hảo mọi nhu cầu công việc trong nội bộ công ty mang tên gọi MySINGLE (viết tắt của Samsung INtergrated GLobal information systEM). Nhờ hệ thống này, mọi nhân viên Samsung dù có rời văn phòng vẫn có thể theo dõi công việc trực tiếp, thời gian thực ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính vì vậy, Samsung đã tăng tốc độ xử lý công việc lên hàng chục thậm chí là hàng trăm lần so với các công ty áp dụng công nghệ analogue.
Khi lựa chọn kỹ thuật số, Lee Kun Hee đồng thời đã lựa chọn đi theo con đường “Đổi mới đột phá”, nắm bắt những bước chuyển mình mang tính thời cuộc và tận dụng nó để tạo nên cơ hội mới. Nhờ vậy, Lee Kun Hee đã bắn được một mũi tên trúng 2 đích, vừa giải quyết được vấn đề vừa gặt hái được thành tựu mới bằng cách tìm ra cơ hội mới.
Lựa chọn thiết kế
Trong lời phát biểu chúc mừng năm mới năm 1996, Lee Kun Hee đã lựa chọn năm 1996 là “Năm cách mạng về mẫu thiết kế” và đây cũng chính là năm khai sinh tôn chỉ kinh doanh đề cao mẫu mã của Samsung. Theo ông, “thiết kế không chỉ đơn thuần là tạo nên hình dáng hay màu sắc của sản phẩm, mà còn là hành vi văn hóa bắt nguồn tư việc nghiên cứu tính tiện ích của sản phẩm để nâng cao giá trị và chi phối phong cách sinh hoạt của người dùng”. Sau lời tuyên bố đó, Lee Kun Hee đã có hàng loạt động thái đẩy mạnh tập trung vào thiết kế như đưa vào giải thưởng thiết kế trong danh mục các giải thưởng “Tự hào ấn tượng Samsung”. Ông cũng khẳng định khả năng sáng tạo linh hoạt mẫu mã sẽ là tài sản quý báu của doanh nghiệp và quyết định sự thành bại trong kinh doanh. Lee Kun Hee cũng chính là người đứng đằng sau sản phẩm “SGH-T100”, một chiếc điện thoại có thiết kế hoàn toàn khác biệt và tạo thành chuẩn mới của các sản phẩm điện thoại đẹp mắt, thanh lịch.
Vào thời gian đó, những chiếc điện thoại di động luôn trung thành với kiểu dáng vuông thành sắc cạnh, thế nhưng T100 lại là thứ hoàn toàn khác. Với thiết kế bo tròn mềm mại, cùng màn hình LCD kích cỡ lớn, sản phẩm này đem lại cảm giác thoải mái cả về ngoại quan lẫn sử dụng. Nhờ đột phá trong thiết kế, SHG-T100 đã đạt mốc doanh số 10 triệu chiếc và là sản phẩm đầu tiên của Samsung chạm tới kỷ lục này. Đây cũng là sản phẩm giúp Samsung lần đầu tiên nắm trong tay 9,8% thị phần điện thoại di động toàn cầu và trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới.
Năm 2007, khi iPhone của Apple xuất hiện, làm mưa làm gió và gây xáo trộn toàn bộ hiện trang thị trường điện thoại di động bình thường, tái cải tổ một “hệ sinh thái điện thoại thông minh mới” và lật đổ nhiều hãng điện thoại trên thế giới, Lee Kun Hee đã nhanh chóng chèo lái con thuyền Samsung chuyển mình đương đầu với những thử thách mới. Năm 2010, Samsung cho ra mắt chiếc điện thoại Galaxy S. Đây là sản phẩm điện thoại thông minh duy nhất có thể trở thành đối thủ ngang sức ngang tài với iPhone. Nếu không nhờ sự thích nghi nhanh chóng, biết đâu đấy, giờ mảng di động của Samsung đã bị rơi vào quên lãng giống như nhiều cái tên khác trên thị trường như Nokia hay Motorola.
Thành công trong thiết kế không chỉ được đánh dấu bằng các sản phẩm di động mà còn là các sản phẩm TV. Năm 2005, Lee Kun Hee cho triệu tập tất cả giám đốc của tập đoàn tới Milano, kinh đô thời trang và các mẫu thiết kế, để mở cuộc họp với chủ đề “Hội nghị chiến lược thiết kế”. Ông đánh giá, khả năng cạnh tranh của các mẫu thiết kế do Samsung sáng tạo ra chỉ là loại 1,5 và đưa ra yêu cầu phải thực hiện hiện một cuộc cải cách nữa để đáp ứng những tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Lee Kun Hee phát biểu: “Thời gian trung bình để một sản phẩm lọt vài mắt xanh của người tiêu dùng là 0,6 giây, do đó nếu trong một tích tắc ngắn ngủi ấy, chúng ta không thể lôi kéo được bước chân của khách hàng thì cũng đồng nghĩa với thất bại”. Một năm sau tuyến bố cách mạng thiết kế tại Milano, tháng 3/2006, thiết kế của Samsung được nâng lên một tầm cao mới với dòng sản phẩm “TV Bordeux”.
Sự ra đời của chiếc TV Bordeux với thiết kế hình tượng hóa từ hình ảnh một chiếc ly còn lại một chút rượu vang láng đáy thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng. Trước đây, TV chỉ cần có chức năng truyền tải hình ảnh, âm thanh, không hỏng học gì thì đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Thế nhưng sự ra đời của Bordeux đã khiến chiếc TV lột xác trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là phút giây lịch sử, sau 34 năm gia nhập thị trường TV, Samsung Electronic đã có thể vươn lên đứng đầu thị trường thế giới. Nhắc tới Samsung, người ta liên tưởng đến một công ty làm ra những chiếc TV đẹp chứ không còn là một công ty chuyên sản xuất hàng điện tử giá rẻ nữa.
Để tạo nên kỳ tích Samsung không chỉ có bán dẫn, kỹ thuật số và thiết kế. Trong thời kỳ dẫn dắt con thuyền Samsung, Lee Kun Hee cũng đưa ra một số lựa chọn mang tính chiến lược khác. Những lựa chọn này là gì? Mời các bạn đón đọc tiếp kỳ sau.
T. N
Nguồn ICT News