Tác động của thương vụ VietJet-Boeing

VietJet Air hôm Thứ Hai xuất hiện tràn ngập trên báo chí với tin ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD đặt 100 chiếc 737 MAX 200 với hãng sản xuất máy bay Hoa Kỳ, Boeing, ngay trong ngày đầu tiên chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.

Với việc tiếp tục mua 100 phi cơ, VietJet nay trở thành một trong những hãng hàng không giá rẻ phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.

Trước đó, hãng đã ký mua từ Airbus của Châu Âu 100 chiếc hồi 6/2013 trong hợp đồng trị giá trên 9 tỷ USD và mua bổ sung 30 chiếc hồi 11/2015 trị giá gần 3,5 tỷ USD.

'Bước phát triển của quan hệ thương mại Mỹ-Việt'

Hợp đồng vừa ký với sự chứng kiến của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang được coi là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử thương mại Mỹ-Việt.

Đây cũng là thương vụ có tính lịch sử đối với Boeing với việc giành được hợp đồng lớn với hãng vốn trước nay chỉ dùng phi cơ của đối thủ cạnh tranh, Airbus.

Tác động của thương vụ VietJet-Boeing

Lễ ký kết giữa VietJet Air và Boeing có sự chứng kiến của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh AFP.

Hợp đồng với VietJet Air đưa danh sách đơn đặt hàng thương mại của Boeing vượt lên hẳn với tổng số 275 chiếc, bỏ xa số lượng 92 chiếc mà Airbus đang có trong tay tính đến thời điểm này, theo thống kê của trang tin bidnessetc.

"Việc VietJet Air mua 100 chiếc Boeing của Mỹ là hệ quả của một tiến trình phát triển quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam," Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từ TP. Hồ Chí Minh bình luận với BBC.

"Tôi nghĩ là quan hệ này sẽ tiếp tục, đặc biệt là trong bối cảnh hiệp định hợp tác thương mại TPP có thể có hiệu lực trong vài năm tới", Tiến sĩ Hiếu nói.

Thỏa thuận với Boeing chắc chắn đã được thương thảo từ lâu, theo kinh tế gia Bùi Kiến Thành, nhưng việc ký kết đúng thời điểm Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam "cho thấy sự phát triển quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam".

Không những thế, việc một công ty tư nhân của Việt Nam ký kết hợp đồng lớn với sự chứng kiến của nguyên thủ hai nước cũng là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang dịch chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường, ông Bùi Kiến Thành nhận xét.

Vị trí của VietJet Air trong ngành hàng không khu vực và kinh tế VN?

Với các hợp đồng đã ký, lượng máy bay của VietJet sẽ tăng mạnh trong những năm tới, trong lúc hãng hiện chỉ mới chủ yếu khai thác các đường bay quốc nội và các chặng bay quốc tế ngắn.

Việc liên tiếp ký các hợp đồng tiền tỷ trong vài năm qua cho thấy VietJet có những bước tiến to lớn, các chuyên gia nhận xét.

Việc một công ty tư nhân của Việt Nam ký kết hợp đồng lớn với sự chứng kiến của nguyên thủ hai nước cũng là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang dịch chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường.

"Đây là một bước đi rất đáng kể," Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, tuy nhiên, cũng cần chờ xem kế hoạch kinh doanh của VietJet sắp tới ra sao.

Tiến sỹ Hiếu cho rằng đây là hãng máy bay hoạt động khá hiệu quả và còn nhiều tiềm năng khai thác ở thị trường nội địa. "Nhu cầu đi lại của mọi người là rất lớn trong lúc thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn nhiều trong thời gian qua. Thị trường hàng không sẽ càng ngày càng lớn, dẫn đến ngày càng cần có nhiều các hãng hàng không giá rẻ để đáp ứng nhu cầu dân chúng."

Trong lúc đó, kinh tế gia Bùi Kiến Thành đánh giá VietJet rất có triển vọng chiếm lĩnh thị trường khu vực nhờ lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam.

"Việc phát triển hàng không khu vực từ Việt Nam là rất thuận lợi, bởi chỉ cần hai giờ bay từ Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh là đã có thể đến được Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, tức là những nơi chiếm gần nửa dân số thế giới."

Do đó, VietJet Air có nhiều cơ hội để phát triển, và nếu đáp ứng được thị trường hàng không của Đông Nam Á và vùng châu Á - Thái Bình Dương thì "điều đó sẽ kéo nền kinh tế Việt Nam tiến lên, ít nhất là trong lĩnh vực hàng không, vận tải", ông Bùi Kiến Thành nhận định.

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả đội bay hơn 200 chiếc, sẽ có rất nhiều vấn đề cần được phát triển đồng bộ, theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chẳng hạn như "lượng hành khách phải đủ, các đường bay nội địa và nhiều cụm cảng hàng không khác cần được khai triển, cần thêm nhiều sân bay được cải thiện hoặc xây mới".

Đây là những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của một hãng hàng không tư nhân.

Cạnh tranh với Vietnam Airlines?

Hiện VietJet có 36 chiếc Airbus đang hoạt động. Nếu được giao nhận theo đúng các hợp đồng đã ký, dự kiến từ 2019 tới 2023, hãng sẽ có đội bay trên 200 chiếc tính đến cuối năm 2023, nhiều khả năng sẽ là mạnh hơn của Vietnam Airlines, hiện đang có 89 phi cơ.

Không chỉ dừng ở việc khai thác các chặng bay ngắn, VietJet Air cũng đang có kế hoạch phát triển xa hơn. "Việc đầu tư vào đội bay của chúng tôi với B737 Max 200 sẽ hỗ trợ cho chiến lược phát triển các tuyến bay quốc tế của VietJet trong thời gian tới đây, bao gồm cả việc có các chặng bay dài," Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo nói trong một tuyên bố.

Tác động của thương vụ VietJet-Boeing

Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng một khi bước vào cuộc cạnh tranh thực sự, VietJet Air sẽ là một đối thủ rất đáng gờm cho bất kỳ hãng hàng không trong nước nào, kể cả Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, việc một công ty tư nhân có được nguồn vốn, nguồn tài trợ để ký được các hợp đồng lớn sẽ "là vấn đề tất cả mọi người đều quan tâm", ông nói. "Chắc chắn là Vietjet Air mua với số lượng khổng lồ như vậy thì sẽ phải có những định chế tài chính, những ngân hàng đứng đằng sau."

"Vietjet Air có quan hệ với một ngân hàng tại Việt Nam. Có thể là ngân hàng đó đứng ra làm đầu mối, và việc đồng tài trợ bởi nhiều ngân hàng là việc làm bình thường. Tất nhiên, mọi người đều quan tâm xem tổ hợp các ngân hàng đồng tài trợ đó là những ngân hàng nào."

Và với vị trí là công ty tư nhân, không có sự bảo trợ của nguồn vốn nhà nước, thì rủi ro tài chính là điều không thể không nhắc tới.

"Khi một hãng hàng không đặt mua máy bay với số lượng lớn như vậy, với giá trị lớn như vậy, vấn đề quản lý rủi ro luôn phải đặt ra."

"Làm sao để họ có thể hoạt động được một cách hiệu quả với 100 máy bay mới này để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa đảm bảo an toàn vốn cho cổ đông và các nhà tài trợ, đó là vấn đề cần chú ý," ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Hãng tin Reuters đánh giá rằng với thương vụ mới nhất này, VietJet Air cũng sẽ trở thành một trong hai hãng hàng không giá rẻ duy nhất trong khu vực sử dụng cả máy bay Airbus A320 và Boeing 737, điều giới chuyên gia đánh giá là tốn kém hơn nhiều so với việc chỉ dùng một loại.

Chỉ có Lion Air áp dụng chiến lược tương tự, với việc chạy Boeing 737 trước và sau đặt hàng Airbus A320.

Nguyễn Hoàng
Nguồn BizLive