Smartphone Nokia trở lại, liệu có lợi hại hơn xưa?
2 năm sau khi được nhượng quyền cho Microsoft, giờ đây thương hiệu Nokia đã có chủ mới, với hy vọng sẽ làm sống lại cái tên vang bóng một thời này.
Theo thông tin được Nokia công bố vào hôm 18/5, thương hiệu điện thoại Nokia sẽ được nhượng quyền lại cho công ty HMD Global, hiện đang có dự định đầu tư hơn 500 triệu USD để tung các sản phẩm mới mang thương hiệu Nokia ra thị trường. Nokia sẽ không có cổ phần trong HMD, mà thay vào đó chỉ thu tiền từ việc nhượng quyền thương hiệu và một số công nghệ.
Điều này được trang tin tức Bloomberg đánh giá là một cú đặt cược vào việc người tiêu dùng vẫn còn nhớ đến và tin tưởng thương hiệu Nokia, sau một giai đoạn gần như biến mất khỏi thị trường kể từ năm 2014. Từng một thời giữ vị trí số 1 trên thị trường smartphone, nay Nokia đã phải nhường chỗ lại cho Apple và các dòng điện thoại Android.
Cô Annette Zimmermann, nhà phân tích thị trường smartphone tại công ty Gartner, nhận định: “Có một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường đầy cạnh tranh như lúc này là chưa đủ. Việc muốn thay đổi cuộc chơi và đem lại sản phẩm mới có thể làm người tiêu dùng hứng thú thực sự là khá khó khăn”.
Đứng sau HMD là ai?
Vốn của HMD chủ yếu một nhóm các nhà đầu tư vốn sở hữu tư nhân (private equity) mang tên Smart Connect LP, cũng như có phần vốn góp của các thành viên ban lãnh đạo công ty. Giám đốc điều hành HMD hiện nay là Arto Nummela, từng làm quản lý tại Nokia và đang giữ chức trưởng bộ phận thiết bị di động của Microsoft tại châu Á, châu Phi và Trung Đông. Chủ tịch của hãng là Florian Seiche, cũng từng làm việc tại Nokia và Microsoft. Hiện tại, những nhân vật này đều đang từ chối phỏng vấn với báo giới.
Theo kế hoạch, HMD sẽ sản xuất các dòng smartphone chạy hệ điều hành Android, cũng như máy tính bảng (tablet) và điện thoại cơ bản (feature phone). Các thiết bị này sẽ được sản xuất với sự giúp sức của FIH Mobile, một công ty con của Foxconn.
Giám đốc bộ phận nhượng quyền sở hữu trí tuệ của Nokia là Ramzi Haidamus cho biết, HMD sẽ quản lý toàn bộ việc thiết kế, sản xuất và bán hàng, trong khi Nokia sẽ tìm cách bảo đảm là các sản phẩm của HMD tuân theo một số quy chuẩn chung. Ông Haidamus cũng từ chối không cho biết HMD sẽ sản xuất các dòng điện thoại như thế nào và bán ở thị trường nào.
Thử thách phía trước
Hiện tại, 3 công ty Samsung, Apple và Huawei đang cùng nhau chiếm phân nửa thị trường smartphone cao cấp toàn cầu, hiện có tổng doanh số là 334 triệu chiếc trong quý I/2016 vừa qua, theo số liệu từ IDC. Theo cô Zimmermann, HMD chỉ cần bán được 10 triệu smartphone trong năm đầu tiên đã có thể được xem là thành công.
Đây không phải là lần đầu tiên có người thử tìm cách vực dậy một thương hiệu điện tử từng có thời vang bóng. Hồi năm 2004, TCL của Trung Quốc đã mua lại bộ phận điện thoại di động của Alcatel (Pháp), và hiện vẫn đang bán các sản phẩm mang thương hiệu Alcatel OneTouch. Philips của Hà Lan thì bán lại bộ phận sản xuất TV cho TPV Technology (Hong Kong), và các sản phẩm của TPV vẫn mang tên Philips.
Tuấn Minh / Bloomberg
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư