Video Blog 1: Bounce vs Pogostick

Chào mừng bạn đến với Vlog đầu tiên của Conversion.vn. Như mọi thứ khác, cái gì làm lần đầu tiên cũng hồi hộp và hơi lúng túng nhưng rất phấn khích. Sau khi quay xong cũng tự nhận thấy có một số điểm chưa ổn, lần sau sẽ chú ý điều chỉnh.

Nội dung chính của vlog lần này:

  • Bounce rate là gì?
  • Thế nào thì được tính là bounce và không bounce?
  • Pogostick là gì?
  • Chúng cho ta biết thông tin gì về trải nghiệm người dùng?
  • Chúng có ảnh hưởng gì tới việc Google đánh giá website và nội dung?

Hãy cùng xem Vlog này để biết câu trả lời.

Bên dưới là phiên bản text của nội dung trong video:

Chào mừng các bạn đến với Vlog đầu tiên của conversion.vn. Trong Vlog này tôi xin đề cập tới chủ đề Bounce và Pogostick. Đây là hai khái niệm mà nhiều người rất dễ nhầm lẫn với nhau.

Và thật ra Bounce và Bounce Rate thì rất nhiều người biết nhưng mà Pogostick thì có thể các bạn chưa để ý tới nó. Sự giống nhau của hai khái niệm này là chúng đều cùng nói về việc người dùng thoát khỏi website; nhưng sự khác biệt của chúng chính là cách mà người ta thoát khỏi trang web. Và sự khác biệt này ảnh hưởng rất là lớn đến đánh giá của google về trang website của bạn và nó ảnh hưởng trực tiếp đến một số thứ như là xếp hạng website của bạn trên các kết quả tìm kiếm chẳng hạn.

Để hiểu hơn vấn đề này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về chúng.

Như thấy trên bảng này, tôi có vẽ một số hình minh họa cho một số điều tôi sắp nói tới:

Ví dụ có một khách hàng tìm kiếm từ khóa liên quan đến sản phẩm của bạn, và website của bạn nằm trên top những kết quả tìm kiếm và họ bấm vào nó để vào website. Lúc này trên website sẽ có 3 tình huống có thể xảy ra:

Bounce vs Pogostick

Trường hợp đầu tiên: Nếu họ vào website và thực hiện một hành động, có thể bao gồm bấm đường link trên menu, bấm đường link trên trang website để qua một trang khác ở trên website của bạn. Thì đó gọi là một tương tác. Hoặc họ có thể thực hiện một hành động như việc bấm vào nút mua hàng, bấm vào nút để lại thông tin hoặc họ ở lại trên website một khoảng thời gian lâu hơn mức nào đó mà bạn đã thiết lập sẵn. Ví dụ như bạn set-up trên Google Analytics là tất cả những người nào ở trên website lâu hơn 3 phút – thì được tính là “hoàn thành một Goal”. Thì cho dù họ không bấm, họ không tương tác bất cứ gì nhưng họ “hoàn thành goal” của bạn thì vẫn sẽ không tính là một Bounce.

Đó là trường hợp đầu tiên, tức là lúc này không hề có Bounce – phần nào chứng tỏ là người dùng hài lòng với nội dung họ tìm thấy, và có thể các nội dung khác ở trên website cũng phù hợp nên họ bấm vào và xem tiếp.

Trường hợp thứ hai có thể xảy ra là: Khách hàng vô website nhưng họ không tương tác hay làm bất cứ thứ gì cả và họ tắt website hay họ thoát khỏi website. Việc họ thoát website có thể bao gồm một số trường hợp sau đây: tắt Tab trên browser, hoặc đóng luôn browser, hoặc đi qua hẳn một website khác. Tức là trên trang web của bạn có một đường link và đường link đó trỏ tới một trang website khác và họ bấm vào đó và qua website khác. Thì lúc này sẽ được tính là một Bounce.

Nhiều người có suy nghĩ rất thường thấy là: Bounce Rate càng cao càng không tốt; Bounce Rate càng thấp càng tốt. Theo tôi nghĩ rằng Bounce không hẳn là không tốt. Thật ra nó là một yếu tố chưa được xác định. Ví dụ trong trường hợp họ lên website và tìm thấy nội dung mà họ cần, họ thấy cần thiết, họ xem xong nội dung đó và họ thoát ra khỏi website. Vấn đề ở đây người dùng không tương tác tiếp trên website không có nghĩa họ không thích nội dung họ thấy. Và trong một số trường hợp, chúng ta thấy những trang forum, trang Q & A (trang hỏi đáp) thường có tỉ lệ Bounce Rate rất là cao. Tại vì, như tôi đã nói, người dùng vào xem những nội dung họ thấy cần thiết rồi thoát ra, chứ không tương tác thêm nữa nhưng những người đó họ cũng đã tìm thấy những gì họ cần.

Trường hợp Bounce mà không tốt là những trường hợp người ta vô và họ thâý nội dung không đúng, không hay và họ thoát ra. Đương nhiên, lúc này ngoài Bounce Rate còn phải dựa vào một số yếu tố khác, những chỉ số khác để đánh giá khách hàng đó họ có thực sự tìm thấy thứ họ cần hay không? Những chỉ số khác đó là gì? Có thể bao gồm Time On Site. Ví dụ một trang của bạn mà nó có Time on site vừa thấp mà Bounce Rate lại vừa cao thì rõ ràng trang website có thể không tốt lắm. Tại vì thật ra người ta đã không ở lại lâu mà còn thoát ra nhanh nữa thì rõ ràng trang web khá tệ. Nhưng nếu người ra ở lại trên website 1 phút mấy, 2 phút chưa 3 phút thì dù Bounce Rate có cao vẫn cho thấy trang đó mang tính chất cung cấp nội dung hữu ích nên người ta ở lại xem rồi mới thoát ra, suy ra trang web ko đến nỗi tệ.

Trường hợp ba tôi gọi là Pogostick.

Pogostick ở đây là như thế nào? Cũng là người dùng vào website của bạn từ những kết quả tìm kiếm, sau đó họ cũng không tương tác gì hết và họ rời khỏi website. Nhưng lúc này cái việc họ rời khỏi website như thế nào mới là cái quan trọng. Như tôi đã nói ở trên – trường hợp Bounce – người dùng thoát website bằng cách tắt Tab, tắt Browser, họ đi qua trang web khác.

Nhưng trường hợp ở đây, họ thoát khỏi website không phải theo cách ở trên mà bằng cách họ nhấn nút Back. Tức là họ vào website của bạn, họ xem một cái gì đó rất là nhanh và họ nhấn nút Back ở trên Browser và họ trở về trang kết quả tìm kiếm mà lúc nãy họ đã đến. Đối với Google, đây là một signal – một chỉ thị rất rõ ràng rằng: nội dung mà đang ở trên website này không phải thứ người dùng đang tìm kiếm, và tôi sẽ quay trở lại trang kết quả tìm kiếm để mở một trang khác, mở nội dung khác phù hợp hơn với tôi.

Thì nếu chỉ số Pogostick xảy ra nhiều thì nó sẽ cho Google thấy là: Người dùng khi đến với trang website của bạn thông qua kết quả tìm kiếm sẽ thường sẽ không có vui. Và lâu dài google đánh giá rằng website của bạn không phù hợp cho từ khóa mà họ tìm kiếm này; và qua đó Google thậm chí hạ thứ hạng website của bạn cho từ khóa đó. Thì ta có thể thấy đây là một tác động mạnh mẽ, và đương nhiên nó không chỉ tác động đến các yếu tố như là hạng của kết quả tìm kiếm mà còn thậm chí tác đông đến đánh giá của google trên các kết quả quảng cáo. Đây là môt trong các yếu tố tôi nghĩ Google đưa vào để đánh giá về một website nào đó.

Lúc này, các bạn đã hiểu được sự khác biệt của Bounce và Pogostick. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi gì cần tìm hiểu hoặc làm rõ hơn về hai chỉ số này, các bạn hãy đặt câu hỏi phần comment dưới của đoạn video này. Cám ơn các bạn đã xem chương trình.

Nguồn Conversion.vn