Fanpage doanh nghiệp trên mạng xã hội: Toàn thành viên "dỏm"?
Đừng nghĩ tiền không mua được bạn bè. Thế giới ảo có thể giúp bạn mua được cả một quân đoàn fan hâm mộ.
Theo ước tính của công ty an ninh mạng Barracuda Networks, một nghìn “bạn” trung bình chỉ tốn có 18USD (khoảng 375.000 VND). Nhưng chuyện hẹn những “người bạn” này đi nhậu sau giờ tan sở là điều không thể. Có khi họ thậm chí không hề tồn tại. Họ đơn giản chỉ là một tấm ảnh đại diện hay một cái tên bất kỳ trên màn hình máy tính.
Giáo sư ĐH ILUM tại Milan đồng thời cũng là một doanh nhân, ông Marco Carnisani Calzolari, tin rằng phần lớn follower (tạm dịch: “người theo dõi”) trên các trang mạng xã hội lớn đều không phải “người thật”.
Trong một nghiên cứu gần đây, ông đã tính ra số fan trên Twitter do máy tính tạo ra hoặc từ người dùng không thường xuyên của các thương hiệu lớn. Để xác định một follower có phải “người thật” hay khôn, ông Camisani Calzolari sử dụng nhiều tiêu chí, trong đó có số post (tạm dịch: “bài đăng”) từ một tài khoản Twitter hay thậm chí sử dụng dấu chấm câu có đúng hay không. Theo nghiên cứu của ông, cho đến tháng 6 năm 2011 gần một nửa số follower của Dell (tức khoảng 700.000) là bot (tức các robot tự động trên Internet).
Giới chính trị có vẻ cũng chuộng các follower dỏm. Cựu ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Mitt Romney trở thành tiêu điểm của giới truyền thông khi số người theo dõi trang Twitter của ông này tăng vọt tới 17% chỉ trong một ngày.
Phần lớn follower trên các trang mạng xã hội lớn đều không phải “người thật”.
Để ý kỹ sẽ thấy “một bộ phận không nhỏ” các follower của ông Romney chỉ là “hàng dỏm”. Tại Italy, Phong trào Năm sao (Five Star Movement) của vị cựu danh hài này chuyển nghề làm chính trị Beppe Grillo mất hẳn uy thế sau khi kết quả nghiên cứu của ông Camisani Calzolari cho thấy các “thành viên” của nhóm chính trị này phần lớn cũng không có thật.
Không có bằng chứng nào cho thấy các công ty được nghiên cứu của ông Camisani Calzolari “ưu ái” bỏ tiền ra mua follower, vì các bot thường tự “theo” một người hoặc một thương hiệu nào đó mà không cần trả tiền. Nhưng một số công ty cũng có bỏ tiền ra mua danh tiếng thật.
Theo Barracuda Networks, tài khoản “dỏm” là một ngành tuy ngầm nhưng đang phát triển rất sôi động. Trên trang thương mại điện tử eBay, các nghiên cứu viên của công ty đã tìm thấy 20 “gian hàng” kinh doanh loại dịch vụ “mua danh” này.
Với các công ty mới ra đời, gây được sự chú ý trong cộng đồng mạng xã hội rất có lợi cho việc kinh doanh. Một gian hàng nhỏ bé trên mạng khó khăn lắm mới bán nổi một món đồ có thể hóa thành một doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng chỉ nhờ số follower trên Twitter hay số like (“thích”) trên Facebook tăng vọt.
Với các tập đoàn đa quốc gia, số follower trông có vẻ hơi yếm thế ở cái thời bùng nổ truyền thông xã hội này ít ra nhìn cũng chẳng dễ chịu gì, mà thậm chí thương hiệu còn bị coi là “có vấn đề”. Bỏ tiền ra mua một đám đông người hâm mộ hoàn toàn có thể làm lợi cho việc kinh doanh.
Cho đến nay thì chiêu trò này vẫn có hiệu quả. “Người bình thường vẫn chưa biết có chợ đen cho loại “hàng” này. Phần lớn mọi người vẫn tin các follower đều là thật,” ông Camisani Calzolari nói. Nhưng cái lợi của chiêu này không còn được như xưa. Khi ai cũng có vô vàn fan, thì số fan cũng không còn là yếu tố quyết định nữa.
Và người tiêu dùng cũng bắt đầu “thông thái” hơn. “Số follower chỉ là một cách áng chừng trước khi thực sự xem xét mua hàng,” ông Carly Donovan từ Ogilvy Action, một bộ phận trong công ty quảng cáo và quan hệ công chúng Ogilvy & Mather, nói. Tiền mua được bạn, chứ bạn tốt thì không.