Vinataxi trở lại “đường đua”

Khai phá thị trường đầu tiên, trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây Vinataxi đang dần gây sức ép lên các ông lớn trong ngành taxi.

Là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải taxi đầu tiên tại Việt Nam, nhưng sau hơn 15 năm vận hành, mặc dù có đầy đủ kinh nghiệm hoạt động, vốn chủ sở hữu lớn, Vinataxi đã dạt ra ngoại thành “nhường” trung tâm thành phố vốn có lượng khách hàng lớn cho đối thủ. Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi, Vinataxi đang nỗ lực tìm lại ánh hào quang quá khứ năm nào.

Nhường sân chơi cho đối thủ

Với lớp sơn phủ vàng và số máy gọi xe gồm sáu con số 1, Vinataxi đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với người dân TP.HCM. Thương hiệu này cũng chính là người đầu tiên khai phá thị trường taxi tại Việt Nam vào năm 1992. Đây cũng là thời điểm nền kinh tế Việt Nam bắt đầu giai đoạn “chạy đà” khi công cuộc đổi mới được khởi xướng từ năm 1986.

Ban đầu, Vinataxi chỉ dè dặt tung ra 30 chiếc xe làm dịch vụ vận chuyển khách để thăm dò nhu cầu thị trường, bởi khi đó trong quan niệm của nhiều người taxi là phương tiện dành cho tầng lớp khá giả. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhu cầu sử dụng phương tiện đi lại công cộng của người dân thành phố tăng cao, Vinataxi đã đầu tư thêm hàng trăm đầu xe và mức độ bao phủ thị trường của Vinataxi ngày càng mở rộng.

Vinataxi trở lại “đường đua”

Về lý thuyết khi là người tạo ra sân chơi, thương hiệu được định vị trong tâm trí người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh phù hợp với một phong cách sống mới, vị trí của Vinataxi là không thể thách thức, đặc biệt khi hãng có sự tham gia của một cổ đông Singapore (Tập đoàn ComfortDelgro – doanh nghiệp hàng đầu trong ngành taxi tại thị trường Singapore).

Tập đoàn này đã bỏ ra 1,5 triệu USD, một số tiền lớn vào thời đó để hợp tác với Tracodi – một doanh nghiệp nhà nước – xây dựng nên thương hiệu Vinataxi. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường taxi với mức độ tăng trưởng liên tục đã thu hút nhiều người chơi mới.

Một năm sau ngày Vinataxi hiện diện trên thị trường, Mai Linh bắt đầu gia nhập với vài chục xe và đến năm 1995 là Vinasun cũng khởi sự với 27 xe. Sự có mặt của hai đối thủ mới trên thị trường lúc bấy giờ chẳng làm Vinataxi quá bận tâm, bởi lúc đó hãng vẫn đang tận hưởng “trái ngọt” với mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm 2 con số và “miếng bánh” vẫn còn có thể chia cho những người chơi khác.

Thời điểm đó, Vinataxi vẫn là người dẫn đầu thị trường và là ông lớn trong ngành dịch vụ này, khó có đối thủ nào đủ sức cạnh tranh. Bên cạnh đó còn có một lý do là rào cản gia nhập thị trường, bởi đầu tư vào ngành taxi đòi hỏi tiêu tốn nhiều nguồn lực, mất thời gian và công sức xây dựng thương hiệu mà lợi nhuận lại chậm đến.

Vinasun và Mai Linh tỏ ra hiểu rõ luật chơi của ngành kinh doanh dịch vụ taxi rất nhanh. Một trong những chiến lược nhằm hạn chế sức mạnh của kẻ dẫn dầu là dựa vào các yếu tố có lợi thế cạnh tranh tương đương và sự tương đồng trong chuỗi giá trị các hoạt động kinh doanh. Những biện pháp này quả thực chống trả hữu hiệu trước sự thao túng thị trường từ Vinataxi.

Sự tăng trưởng của ngành taxi nói riêng liên quan mật thiết hữu cơ với sự phát triển của nền kinh tế. Rõ ràng giai đoạn kinh tế phát triển kể từ năm 1995 đã là đòn bẩy, tạo ra thế mạnh cho những doanh nghiệp nhập cuộc sau.

Vinataxi trở lại “đường đua”

Vinasun và Mai Linh cũng đầu tư vào chất lượng dịch vụ và mô hình hóa giá trị hoạt động tương tự Vinataxi. Và đặc biệt, hai doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn hơn Vinataxi này lại gia tăng rất nhanh số đầu xe để chiếm lĩnh thị trường.

Trong ngành taxi, việc đầu tư số lượng xe chỉ khó khăn ở giai đoạn đầu, sau khi tăng trưởng và có lợi nhuận các hãng taxi chỉ cần bỏ vốn tự có khoảng 20%, phần còn lại do ngân hàng tài trợ. Sự đáp trả của người dẫn đầu trong trường hợp này thường bắt đầu từ cuộc chiến giá cước nhằm tạo ra khó khăn cho kẻ thách thức, nhưng giá taxi do nhà nước quản lý nên Vinasun và Mai Linh vẫn có mức giá đủ để cân bằng chi phí và có lợi nhuận.

Một khi đã gia tăng số lượng xe đủ lớn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, độ nhận diện thương hiệu bắt đầu tốt lên, Mai Linh và Vinasun đánh chiếm các điểm đón, đặc biệt tại trung tâm thành phố bằng việc gia tăng chi phí tiếp thị giúp người tiêu dùng dễ dàng đón xe hơn.

Sự dần mờ nhạt của Vinataxi khiến mọi người dễ cảm nhận về sự thất bại của Vinataxi trước những đối thủ nhập cuộc sau, nhưng đầy năng động là Vinasun và Mai Linh. Ông Nguyễn Hồ Nam, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Vinataxi đã không tán thành ý kiến này: “Vinataxi không thất bại, chẳng qua công ty không phát triển số lượng đầu xe”.

Dưới góc nhìn của ông Nam, việc không gia tăng số lượng xe khiến độ bao phủ thị trường của Vinataxi bị “che khuất” bởi các thương hiệu khác, khiến mọi người suy nghĩ theo hướng trên. Theo ông, nói đến thất bại có nghĩa rằng, phải đối diện với các khoản lỗ, bán bớt xe, nhưng với trường hợp của Vinataxi thì ngược lại. “Vinataxi có tỷ suất sinh lợi trên vốn rất tốt. Vốn chủ sở hữu của Vinataxi hơn 60 tỷ đồng, hàng năm tạo ra 15-20 tỷ đồng lợi nhuận. Vinataxi cũng không vay nợ ngân hàng”, ông Nam cho biết.

Vinataxi trở lại “đường đua”

Suốt thời gian dài cả chục năm, Vinataxi vẫn duy trì lượng xe vào khoảng 400 chiếc. Bởi thế, ông Nam cho rằng, Vinataxi không bị mất thị phần, nhưng cũng thừa nhận thị trường chính của hãng hiện giờ là ở vùng ven thành phố. Hay nói cách khác, Vinataxi đã nhường sân chơi trung tâm thành phố, vốn có lượng khách hàng lớn, chịu chi, tạo ra lợi nhuận lớn, cho đối thủ.

Có lẽ cần phải đặt câu hỏi, tại sao cổ đông ComfortDelgro có nguồn lực lớn lại không đầu tư mạnh mẽ số lượng đầu xe để gia tăng sức ép cạnh tranh lên đối thủ? Câu hỏi được ông Nam giải thích: “Lý do nằm ở cổ đông lớn nhà nước. ComfortDelgro đã nhìn thấy trước sự bùng nổ của thị trường taxi trong tương lai ngay từ đầu và họ rất muốn sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư, gia tăng thêm số lượng đầu xe, nhưng cổ đông nhà nước lại giữ quan điểm dùng hết lợi nhuận để chia cổ tức. Sự bất đồng quan điểm này cũng đồng nghĩa Vinataxi không thể tăng trưởng thêm!”.

Bằng việc tăng số lượng xe, với kinh nghiệm vận hành của đối tác nước ngoài, Vinataxi được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện

Tìm lại ánh hào quang

Suốt hai thập niên Vinataxi vẫn trung thành với số lượng xe khiêm tốn và tận hưởng một tỷ suất lợi nhuận ổn định. Điều này đã khiến ông Chủ tịch ComfortDelgro, người vốn chịu trách nhiệm quản lý phần vốn của ComfortDelgro và tham gia ban điều hành Vinataxi, phải giao lại quyền cho người thư ký của mình (do không còn gì để làm tại thị trường Việt Nam?) nhằm tập trung cho công việc quản lý toàn cầu.

Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi, Vinataxi đang lấy lại sự năng động khi Tracodi bán toàn bộ cổ phần cho một công ty tư nhân là Công ty cổ phần Bamboo Capital. Sự kết hợp giữa một nhà đầu tư quốc tế đầy kinh nghiệm và các cổ đông tư nhân đầy tham vọng sẽ tạo xung lực cho sự phát triển của Vinataxi.

Biểu hiện rõ nhất, ngay đầu năm 2016, Vinataxi đã gia tăng lượng xe lên 600 chiếc. Con số này vẫn rất nhỏ bé nếu o sánh với Vinasun hay Mai Linh, cũng như tổng số lượng xe taxi đang lưu hành trên thị trường TP.HCM là hơn 12.000 chiếc.

Thế nhưng, ông Nguyễn Hồ Nam vẫn rất tự tin trong nỗ lực tìm lại ánh hào quang quá khứ năm nào cho Vinataxi. Đó là do Vinataxi sở hữu một nền tảng kinh doanh rất tốt. Hãng đang vận hành mô hình kinh doanh theo những chuẩn mực mà ComfortDelgro đã xây dựng và áp dụng thành công tại thị trường Singapore và toàn cầu.

Vinataxi trở lại “đường đua”

Cần phải nói thêm rằng, ở Việt Nam, tên tuổi của ComfortDelgro bị khuất lấp bởi sự nhạt nhòa của thương hiệu Vinataxi, nhưng đây là tên tuổi không thể xem thường trên thị trường vận tải taxi toàn cầu. Tại Singapore, ComfortDelgro là một ông lớn trong ngành taxi, vận hành hơn 20.000 xe. Cứ 10 chiếc taxi chạy trên đường phố của quốc đảo này thì có đến 6 chiếc của ComfortDelgro. Doanh nghiệp này đã vươn cánh tay rất dài ra thị trường quốc tế, hoạt động khá hiệu quả tại thị trường Trung Quốc, Anh, Ireland, Úc, Malaysia.

Để thành công như vậy, ComfortDelgro đưa ra một tỷ lệ ăn chia với tài xế, không chia theo mức doanh thu 40/60 hay 30/70 như các hãng khác mà chỉ yêu cầu tài xế đóng một khoản tiền cố định hằng ngày.

Vinataxi đã và sẽ làm thế nào?

  • Tuyển tài xế kỹ
  • Nội thất xe sạch
  • Đảm bảo chất lượng dịch vụ
  • Chỉ yêu cầu tài xế đóng một khoản tiền cố định hàng ngày
  • Gia tăng số lượng đầu xe
  • Tối ưu hóa chi phí nhằm tối đa hóa lợi nhuận

“Sau khi tài xế thực hiện xong trách nhiệm với công ty, họ hoàn toàn có thể sử dụng xe để làm các công việc khác như: chở gia đình đi chơi, hợp tác với các hãng công nghệ, thỏa thuận giá phù hợp với khách cho các chặng đường dài… Cách làm này tạo ra lượng khách hàng trung thành, gia tăng năng suất làm việc và sự gắn bó lâu dài của tài xế với doanh nghiệp. Tỷ lệ tài xế nghỉ việc hàng năm của Vinataxi chỉ vào khoảng 5%”, ông Nam cho biết.

Một trong những điểm mạnh đáng kể khác của ComfortDelgro là khả năng quản lý chi phí. Với kinh nghiệm được đúc kết từ quá trình hoạt động hơn 40 năm tại Singapore và thời gian đầu tư ra nước ngoài, ComfortDelgro có khả năng tối ưu hóa chi phí nhằm gia tăng lợi nhuận cao nhất. Với việc gia tăng mỗi 1.000 đầu xe, biến phí hầu như không thay đổi. Điều này dẫn đến kết quả là mỗi thay đổi nhỏ trong doanh thu sẽ tạo ra sự thay đổi lớn của tỷ lệ doanh thu trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Chiến lược cốt lõi sắp tới của Vinataxi là tiếp tục gia tăng số lượng đầu xe. Trong năm nay hãng sẽ tiến hành mua lại một hãng taxi để nâng số lượng xe lên hơn 1.000 chiếc, để đến năm 2017 đạt được số lượng đầu xe là 2.000 chiếc. Một khi vượt mốc 1.000 xe, Vinataxi sẽ tập trung đánh mạnh trở lại vào trung tâm thành phố.

Đăng Lãm
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp