Bí quyết thành công của Walt Disney
Walt Disney là một đế chế giải trí trên thế giới, tuổi thơ của bao thế hệ đều đã từng gắn liền với những bộ phim của Walt Disney. Tuy nhiên có rất ít người biết được bí quyết đằng sau sự thành công của hãng là gì.
Dưới đây là 7 minh chứng rõ nét nhất cho việc Disney đã tận dụng tối đa sức mạnh của vũ khí trăm năm này để thành công.
1. Steamboat Willie (1928)
Trong khi phần lớn mọi người nhớ đến bộ phim hoạt hình này bằng sự xuất hiện lần đầu tiên của hai chú chuột cực đáng yêu là Mickey và Minnie, điểm mấu chốt giúp bộ phim thành công lại nằm ở sự cách tân công nghệ của nó.
Đây là bộ phim lồng tiếng đầu tiên trên thế giới, tức là lần đầu tiên, hình ảnh và lời thoại của các nhân vật khớp với nhau thay vì sử dụng nhạc nền trong toàn bộ bộ phim. Steamboat Willie cho dù chỉ dài gần 8 phút nhưng thực sự là một điều kì diệu, từ âm thanh, hình ảnh, cho đến sự kết hợp của sự hài hước và tình cảm, những yếu tố không thể thiếu được đối với bất cứ bộ phim nào trong danh sách liệt kê này.
2. Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn (1937)
Một thập kỉ sau Steamboat Willie, Walt và những người đồng sự sáng tạo của mình đã làm chủ dòng phim ngắn, thách thức giới hạn của những điều có thể và tạo ra những tác phẩm được ngưỡng mộ và yêu mến. Nhưng thế là chưa đủ.
Walt bắt tay vào làm phim hoạt hình dài đầu tiên trong lịch sử, một vùng đất mà rất nhiều người ở Hollywood nhắc đến như là “sự điên rồ của Disney”. Dự án tiêu tốn một khoảng thời gian khổng lồ và nguồn lực của xưởng phim trong khi việc khán giả yêu thích dòng phim hoạt hình dài hay không còn là một dấu hỏi lớn. Và cuối cùng câu trả lời là có.
Giới chuyên môn hoan nghênh bộ phim như là một tác phẩm kinh điển và khán giả thì nhanh chóng tiếp nhận. Đây là bộ phim mang lại doanh thu cao nhất của dòng phim có âm thanh mọi thời đại, kể cả khi tính thêm lạm phát thì ngày nay nó vẫn thuộc top 10. Một lần nữa, công nghệ lại là một cuộc chạy vượt rào khi Walt cùng đội ngũ của mình đã xuất sắc chinh phục được cuộc đua này bằng nhiều yếu tố.
3. Người đẹp ngủ trong rừng (1959)
Bộ phim “mất 6 năm để hoàn thành” với hình ảnh tòa lâu đài giờ đây đã trở thành biểu tượng cho thương hiệu Walt Disney. Người đẹp ngủ trong rừng được phát hành với định dạng Super Technirama 70 mm, tức những nhà làm phim có thể đạt được mức độ chi tiết và cách điệu hóa ở một tầm cao mới khi họ vẽ hình trên những tấm giấy khổng lồ có kích cỡ bằng ga giường.
Tuy nhiên, vì mất quá nhiều thời gian thai nghén cho đến lúc ra mắt nên vào thời điểm phim hoàn thành, định dạng 70 mm không còn được ưa chuộng và vì thế bộ phim đã được chiếu với định dạng 35 mm tiêu chuẩn. Nhưng không vì vậy mà Người đẹp ngủ trong rừng thua lỗ vì nó đã được tái phát hành tận 4 lần và trở thành bộ phim gặt hái thứ 2 của năm 1959.
4. Nhân viên cứu hộ (1990)
Xưởng phim hoạt hình Disney là người tiên phong thử nghiệm Hệ thống sản xuất hoạt hình máy tính (CAPS) được phát triển bởi Pixar. Hệ thống này được sử dụng cho mực, màu kĩ thuật số và ghép hình, cho phép có được những hình ảnh phức tạp hơn và sự pha trộn nghệ thuật giữa dựng hình bằng máy tính cũng như chất liệu làm hoạt hình truyền thống, khiến bộ phim trở nên đẹp và hoàn chỉnh hơn trong mắt khán giả.
5. Big Hero 6 (2014)
Big Hero 6 đem lại cho chúng ta quá nhiều những cuộc phiêu lưu và khoảng khắc vui vẻ đến nỗi nhiều người không nhận thấy có bao nhiêu cuộc cách mạng công nghệ ẩn đằng sau bộ phim.
Để thực hiện các công đoạn hậu kì cho phim Big Hero 6, xưởng phim hoạt hình Disney đã phát triển bộ phần mềm Hyperion để xử lý các hiệu ứng ánh sáng trong phim, cho phép tạo ra những hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp có thể mê hoặc những người xem, điển hình là nó có thể mô phỏng hiệu ứng ánh sáng từ nguồn phát đến các vật thể và phản chiếu ra mọi vật xung quanh. Công cụ này có khả năng xử lý từ 10 đến 20 nguồn sáng như vậy một lúc.
Cuối cùng, Disney đã sử dụng 4 cỗ siêu máy tính với tổng cộng 55.000 nhân xử lý để render cho bộ phim Big Hero 6, cùng với phần mềm Denizen để tạo ra thành phố San Fransokyo với hơn 750.000 người dân giả tưởng, đây cũng là con số xấp xỉ dân số thực sự của San Francisco.
6. The Jungle Book (2016)
Đây là bộ phim đang làm mưa làm gió ở tất cả các rạp chiếu phim trên thế giới, là một siêu phẩm thành công của Disney. Để làm nên những hình ảnh rừng già sống động y như thật với những con vật có cảm xúc và tính cách riêng, nhóm tái hiện khung cảnh rừng già, các họa sỹ đã đi tới rừng nhiệt đới tại Bangalore (Ấn Độ) và chụp 100.000 bức ảnh phong cảnh thực tế để tạo thành thư viện ảnh tư liệu khổng lồ. Đồng thời, họ cũng nghiên cứu kỹ những chuyển động của lá cây, thác nước… bên cạnh việc quan sát từng tia sáng, từng ngóc ngách bùn đất của khu rừng.
Với nhóm phụ trách các nhân vật là động vật, họ phải nghiên cứu hành vi, cử chỉ và cách biểu lộ cảm xúc của từng loài. Nhiều phần mềm mới cũng được viết ra để có thể tái hiện lông hay cơ bắp của loài vật một cách chân thực nhất. Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) đã đạt tầm cao mới khi nhân vật thực duy nhất của bộ phim là cậu bé Mowgli được ghi hình trên phông nền xanh. Tất cả những thứ còn lại đều được thực hiện bằng máy tính, bao gồm các nhân vật, giọng nói, khung cảnh rừng già và những cảnh hành động.
7. Disney Channel và DisneyLife
Với Disney Channel, các tác phẩm của Disney không chỉ được trình chiếu trên màn ảnh rộng mà phủ sóng trên 160 quốc gia với hơn 30 ngôn ngữ. Ngoài ra vào năm 2015, Disney cũng tung ra dịch vụ xem phim trực tuyến DisneyLife cho phép người xem truy cập vào dữ liệu phim của hãng bao gồm tất cả các loạt phim hoạt hình kinh điển với 9,99 bảng Anh một tháng, tương đương khoảng 330,000 đồng trên toàn châu Âu mà trước hết là nước Anh, có sẵn trên máy tính gia đình cũng như các thiết bị di động và máy tính bảng (thông qua một ứng dụng của Apple và nền tảng Android).
Đến đây, chắc các bạn cũng hiểu công nghệ chính là thứ vũ khí bí mật của Walt Disney. Walt Disney Animation Studios được công nhận là hãng phim hoạt hình đầu tiên của Hoa Kỳ, và đã phát triển nhiều công nghệ sau này trở thành chuẩn mực của ngành sản xuất phim hoạt hình truyền thống.
Xưởng hoạt hình Walt Disney đã luôn là người dẫn đầu trong các cải tiến công nghệ và các cách thức tiếp cận sáng tạo đối với hệ phương pháp sẵn có. Có một lí do cho việc khi nhắc đến hoạt hình, người ta nhớ ngay đến Disney và ngược lại, đó là với từng bứt phá công nghệ như đã nêu, Disney đã đẩy toàn bộ ngành công nghiệp này lên những đỉnh cao không tưởng.
Thành NT
Nguồn Trí thức trẻ