Nhìn lại chiến lược “đánh chiếm” thị trường Việt Nam thành công của Metro

Chiến lược cốt lõi của Metro là mua hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất. Với quy mô lớn, Metro có khả năng trả giá với các nhà cung cấp.

Cuối năm 2014, một thương vụ mua bán sáp nhập đình đám trong khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được triển khai, đó là thương vụ bán mảng kinh doanh Cash & Carry cho Tập đoàn Berli Jucker Group của Thái Lan.

Không chỉ gây xôn xao với giá trị thương vụ lên đến 879 triệu USD, thỏa thuận này còn làm dấy lên nhiều tranh luận xung quanh hoạt động của chuỗi siêu thị sau hơn 1 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, trong đó có nghi án chuyển giá, trốn thuế…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những gì Metro đã làm được ở Việt Nam có thể được xem là tấm gương thành công của sự thâm nhập thị trường.

Nhìn lại chiến lược “đánh chiếm” thị trường Việt Nam thành công của Metro

Với nhiều dòng sản phẩm và thương hiệu đa dạng, Metro mang đến giải pháp mua sắm nhanh gọn (one-stop) cho những khách muốn mua nhiều vật dụng một lúc. Ảnh: thanhnien

Metro đặt chân vào Việt Nam năm 2002, được xem là thời điểm chín muồi. Khi đó, Việt Nam là một quốc gia với dân số trẻ, thu nhập khả dụng đang gia tăng và có thị trường bán lẻ phát triển với tốc độ lên đến 16% mỗi năm.

Chỉ sau 10 năm hoạt động, doanh số của Metro tăng từ 30 triệu USD lên đến 650 triệu USD trong năm 2013 trước khi về tay Berli Jucker Group, tăng hơn 20 lần.

Mạng lưới 19 siêu thị Metro tại Việt Nam cũng là mạng lưới lớn thứ nhì tại thị trường châu Á của ông lớn bán lẻ châu Âu, chỉ sau Trung Quốc.

Ban đầu, Metro tuyển dụng 5.000 người, hiện giờ đang có 800.000 nhân viên.

Nhìn lại chiến lược “đánh chiếm” thị trường Việt Nam thành công của Metro

Nhìn lại, ông Peter Pham, một nhà nghiên cứu chiến lược thị trường tại Phoenix Capital, cho rằng thành công của Metro tại Việt Nam phần lớn đến từ việc sớm nắm bắt được thay đổi về mặt cấu trúc của nền kinh tế, trong khi các nhà bán lẻ nội địa loay hoay chưa kịp ứng phó.

Trước khi Metro có mặt, thị trường bán buôn Việt Nam thuộc về các cửa hàng bán buôn truyền thống nhỏ lẻ, không có năng lực trả giá với các nhà cung cấp.

Metro trám vào lỗ hổng này bằng siêu thị đầu tiên tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư 78 triệu USD. Thời đó, Metro được xem là nhà bán buôn cho các nhà bán buôn đầu tiên, thiết lập một mô hình bán buôn mới.

Chiến lược cốt lõi của Metro là mua hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất. Với quy mô lớn, Metro có khả năng trả giá với các nhà cung cấp. Điều này cho phép họ quản lý được chất lượng đầu vào và giá cả, từ đó cung cấp hàng hóa chất lượng với giá cả hấp dẫn. Một thống kê cho thấy 73% hàng hóa ở Metro rẻ hơn mức giá thấp nhất trên thị trường.

Nhìn lại chiến lược “đánh chiếm” thị trường Việt Nam thành công của Metro

Một chiến lược khác là đơn giản hóa hoạt động mua sắm của khách hàng. Với nhiều dòng sản phẩm và thương hiệu đa dạng, Metro mang đến giải pháp mua sắm nhanh gọn (one-stop) cho những khách muốn mua nhiều vật dụng một lúc.

Ngoài ra, Metro cũng thiết lập hệ thống phân phối hiện đại. Họ tận dụng cơ sở hạ tầng đang được cải thiện tại Việt Nam bằng cách xây dựng một đội xe vận tải có kho lạnh nhiều ngăn. Chúng giúp giữ thực phẩm tươi ngon trong quá trình vận chuyển.

Với mô hình kinh doanh thành công và các chiến lược thông minh, Metro giữ vị trí nhà bán lẻ lớn thứ nhì Việt Nam vào năm 2013, chiếm lĩnh 22% thị phần.

Thảo Mai
Nguồn BizLive