Thị trường sản phẩm mẹ và bé: Khởi sắc

Những chiếc bông tăm, chai nước nhỏ mũi, tã giấy... tưởng rất nhỏ nhưng mang về doanh thu khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp và đó cũng là lý do khiến các siêu thị không thể bỏ qua thị trường này.

Giữa tháng 4 năm nay, Hệ thống siêu thị Big C đã ra mắt chương trình "Big C Baby Club, Bé khỏe cả nhà cùng vui" mang đến cho các mẹ bỉm sữa cơ hội mua sắm tích hợp "cả nhà trong một" với chi phí tiết kiệm và giá cả cạnh tranh.

Đây không đơn thuần là một chương trình khuyến mãi mà là một sự đầu tư nghiêm túc để khai thác thị trường vốn được xem là đang rất phát triển tại Việt Nam.

Tại tất cả các siêu thị Big C, đơn vị này dành riêng một khu vực trưng bày hầu hết các sản phẩm dành cho trẻ từ các loại sữa, bỉm, tã, bột ăn dặm cho đến bông tăm, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chơi, quần áo, khăn lau, dầu gội... với giá rất cạnh tranh so với thị trường.

Với gần như đầy đủ những mặt hàng dành cho trẻ, các bà mẹ bỉm sữa có thể mua sắm cho gia đình vừa có thể mua sắm cho con mà không tốn nhiều thời gian đi lại.

Thị trường sản phẩm mẹ và bé: Khởi sắc

Ảnh: X.Th

Ở Việt Nam, mua sắm các sản phẩm thiết yếu trong gia đình đều do phụ nữ - những người tay hòm chìa khóa quyết định. Ngoài những sản phẩm phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cá nhân của từng thành viên trong gia đình cũng do các chị đảm trách.

Khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường như Nielsen Việt Nam, FTA..., cho thấy, các mặt hàng dành cho trẻ đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Nếu tính chung các loại hàng hóa, dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí... dành cho trẻ thì quy mô thị trường này lên đến hơn 5 tỷ USD/năm.

Một trong những lý do khiến thị trường dành cho trẻ có quy mô lớn và tăng trưởng mạnh vì Việt Nam là quốc gia mà hộ gia đình có trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất tại Đông Nam Á, trong đó, có đến 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1 - 2 tuổi.

Ngoài ra, chính sự phát triển của tầng lớp trung lưu, đô thị hóa và gia tăng số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động là yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng các sản phẩm tiện lợi như sữa bột, thực phẩm chuẩn bị sẵn cho trẻ, tã giấy...

Trên thực tế, người lớn thường tiếc tiền chi tiêu cho mình, đặc biệt là trong thời buổi phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng lại chẳng đắn đo khi mạnh tay mua sắm cho các bé. Đối với họ, con cái là trên hết, vì vậy, sẽ luôn dành cho chúng những thứ tốt đẹp nhất.

Cũng nhờ tâm lý này mà thị trường các sản phẩm mẹ và bé luôn "nóng" dù nhiều mặt hàng khác "lúc trồi lúc sụt".

Nghiên cứu cách đây chưa lâu của FTA cho thấy, nhóm ra quyết định mua sản phẩm cho trẻ là những phụ nữ trung niên, độ tuổi từ 30 - 55.

Thị trường sản phẩm mẹ và bé: Khởi sắc

Đây là nhóm tuổi khá năng động với 40% đi làm và có công việc kinh doanh riêng. Các bà mẹ thường kết hợp mua sắm cho bản thân và gia đình khi đi mua sắm cho con cái nên chợ, siêu thị, cửa hàng thời trang chuyên bán cho bé, mẹ và bé là "điểm đến" của họ.

Quy mô thị trường lớn nên bên cạnh sự tham gia của các doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm cho bà mẹ bỉm sữa như Shoptretho, KidSplaza, Bibo Mart, Con cưng..., gần đây, các siêu thị bán hàng thiết yếu như Co.opmart, Big C, Satra Mart... cũng chú trọng vào phân khúc khách hàng này.

Tại siêu thị, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy các sản phẩm dành cho trẻ được sản xuất trong nước và cả hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, pháp, Đức...

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc truyền thông Big C Việt Nam cho biết, đầu tư vào lĩnh vực này là Big C thấy được tiềm năng của thị trường và cũng thấu hiểu nỗi vất vả của các bà mẹ bỉm sữa.

"Vừa đi làm vừa nuôi nấng, dạy dỗ con cái và chăm sóc gia đình chiếm hết thời gian của bà mẹ bỉm sữa. Vì thế, chúng tôi muốn giúp các bà mẹ giải quyết vấn đề thời gian cũng như tiết kiệm chi phí nên đầu tư nghiêm túc vào hoạt động này. Ngoài khu vực riêng với hàng hóa phong phú, Big C sẽ liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn đến khách hàng", ông Hồ Quốc Nguyên tiết lộ.

Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn