Facebook, Google và sức mạnh thông tin mạng
Bạn tưởng rằng bạn vẫn biết tự phân biệt đúng sai trên những thông tin bạn thu nhận được. Nhưng khi ít nhất 80% các thông tin mà bạn thu thập được là do một gã khổng lồ công nghệ quyết định, bạn có còn thực sự biết tự phân biệt đúng sai nữa hay không?
Nhận tháng lương cùng khoản tiền nho nhỏ cho quý vừa qua, tôi vui mừng nhận ra mình đã có đủ tiền để mua một chiếc laptop game mới. Sau khi cẩn thận tìm hiểu trên mạng, tôi nhận thấy một cửa hàng có tên Laptop*** đang đưa ra mức giá hợp lý nhất cho chiếc lap ASUS mà tôi mong muốn.
Điều tiếp theo cần làm? Theo đúng lời khuyên của cậu bạn "sành" mua bán, tôi bắt đầu tìm tên của cửa hàng này trên Chrome.
3 dòng gợi ý đầu tiên của Google xuất hiện. Ở dòng thứ 3, Google đưa ra một cụm từ khiến tôi chột dạ: "Laptop*** lừa đảo".
Phó mặc khả năng nhận định cho Internet
Nhấn Enter và tôi thấy hàng chục kết quả đáng lo ngại. Một vài đường dẫn cho thấy cửa hàng này đã cố gắng giải quyết vấn đề, nhưng rõ ràng là nếu có tới hàng chục kết quả lừa đảo trong trang tìm kiếm đầu tiên thì tôi cần phải tránh xa cửa hàng này. Thậm chí, ngay cả khi chỉ tìm kiếm với từ khóa là tên cửa hàng (không có cụm "lừa đảo") mà vẫn ra được các kết quả cảnh báo.
Sau khi quyết định từ bỏ Laptop*** và chuyển sang tìm hiểu các cửa hàng khác, tôi bỗng chợt nhận ra một sự thật có vẻ đáng kinh ngạc: tôi đang phó mặc khả năng đánh giá tốt/xấu của mình cho Google.
Tôi biết trong nhiều trường hợp khác, tôi và bạn vẫn sẽ làm như vậy. Khi cân nhắc mua một chiếc tai nghe hay TV mới chẳng hạn, chúng ta sẽ lên Google tìm những từ khóa như "review Samsung LN-T4661F" rồi lướt mắt qua các đánh giá được hiển thị dưới dạng ngôi sao trên trang kết quả Google. Khi muốn quyết định có nên ra rạp xem một bộ phim nào đó, chúng ta sẽ lại tìm tên của bộ phim đó rồi lướt sang phần điểm IMDb và Rotten Tomatoes.
Đây không hẳn là một điều cần tránh, bởi một người biết suy nghĩ sẽ chỉ đưa ra quyết định khi đã nắm được càng nhiều thông tin về vấn đề cần quyết định càng tốt. Vấn đề là ở chỗ, trong thời đại tràn ngập thông tin như hiện nay, chúng ta lại chỉ chọn cho mình 2 kênh thông tin khổng lồ làm nguồn cung cấp thông tin chính: các đường dẫn chia sẻ lên Facebook, trang mạng xã hội mà bạn buộc phải lướt hàng ngày (vì "nghiện) và Google, nơi bạn sẽ truy vấn tất cả những thông tin cần tìm hiểu.
Từ chiếc laptop đến ghế tổng thống
Là con người, bạn thường sẽ lựa chọn những thông tin đầu tiên làm góc nhìn cho mình. Nói cách khác, bạn và tôi vẫn tưởng rằng dựa trên những thông tin chúng ta thu nhận được, chúng ta sẽ biết phân biệt đúng sai. Thế nhưng, khi phần lớn nguồn thông tin mà chúng ta nhận được đã vẽ sẵn ra một bức tranh tiêu cực hay tích cực rất rõ ràng về mỗi chủ đề quan tâm, quyết định đúng/sai thực chất sẽ không thuộc về bạn và tôi.
Hãy nghĩ về những kịch bản sau. Nếu như News Feed của bạn tràn ngập các bài viết đả kích một cô ca sĩ ngoại tình, bạn khó lòng có thể trở thành một fan của cô ca sĩ đó. Nếu như phần lớn các kết quả trên trang đầu Google khẳng định một loại thực phẩm nào đó là có lợi, bạn rất có thể sẽ tin thông tin này một cách tuyệt đối rồi hào hứng chia sẻ lên tài khoản của mình.
Hoặc, hãy nghĩ về trường hợp của bộ phim nổi đình nổi đám trong tháng vừa qua là Batman v Superman. Điểm đặc biệt về bộ phim này là ở chỗ phần lớn các trang đánh giá phim ảnh đều xếp hạng BvS rất thấp - phần tóm tắt cho các bài review này trên bảng tin Facebook của tôi cũng thể hiện góc nhìn tiêu cực đó. Sau đó, một số bạn bè tôi ra rạp xem và khẳng định phim thực sự dở. Một số khác hết lời ca ngợi bộ phim, nhưng quyết định của tôi là… chờ bản đẹp.
Có lẽ, tôi không cần phải nói nhiều để chứng minh sức ảnh hưởng của Facebook đối với góc nhìn của chúng ta. Ví dụ, bất cứ khi nào có một cư dân mạng nào đó lên tiếng khẳng định rằng một loại thực phẩm nào đó có hại cho sức khỏe là y như rằng các cư dân mạng đua nhau chia sẻ và rồi lên tiếng tán dương. Cho tới tận khi các vị bác sĩ có hiểu biết chuyên môn lên tiếng bác bỏ tin đồn, "cộng đồng mạng" vẫn tin tưởng tuyệt đối vào "kiến thức" mà mình "học" được từ Facebook. "Giả khoa học" (những kiến thức nghe có vẻ khoa học nhưng thực chất chỉ là thông tin đồn đại) trở thành vấn nạn lớn nhất của thời kỳ Internet.
Sức mạnh khổng lồ của Facebook và Google không chỉ dừng lại ở đó. Trong một nghiên cứu được thực hiện trong vòng nhiều năm và kết thúc vào năm 2015, 2 tác giả của Viện Tâm lý học Hành vi Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận rằng thứ tự sắp xếp của các kết quả tìm kiếm (giả lập) sẽ quyết định tuyệt đối tới phần thắng của các ứng viên trong một buộc bầu cử. Trong nghiên cứu này, các bộ máy tìm kiếm có thể tạo ra mức chênh lệch từ 25% đến… 72%. Trong đời thực, mức khác biệt chỉ 3-4% đã là đủ để thay đổi cục diện của một cuộc bầu cử.
Tất cả những điều này có nghĩa là gì? Google và Facebook đang đóng vai trò quá lớn trong các quyết định làm nên cuộc sống của chúng ta. Hàng tỷ người sẽ để cho 2 gã khổng lồ này quyết định họ nên ăn gì và không nên ăn gì, quyết định các khoản tiền tiết kiệm lâu dài của họ nên được dành cho laptop của hãng nào và thậm chí là quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước của họ. Không phải ai cũng sẽ tin Facebook và Google một cách tuyệt đối, nhưng một phần của hàng tỷ người vẫn có thể là hàng trăm triệu người.
Dâng bộ não cho Mark Zuckerberg…
Vậy, nếu Google và Facebook quyết định góc nhìn của chúng ta thì cái gì quyết định góc nhìn của Google và Facebook?
Câu trả lời mà nhiều người đưa ra sẽ là "sự quan tâm của cộng đồng". Về mặt tổng thể, cái gì người dùng càng quan tâm thì Google và Facebook càng dễ tăng mức độ hiển thị. Tuy vậy, đó chỉ là bề nổi, bởi thứ tự hiển thị tìm kiếm do thuật toán của Google và Facebook quyết định. Thuật toán này có thể được viết ra để ưu tiên các bài viết, chủ đề có nhiều người quan tâm, có thời gian phát hành ở gần thời điểm hiện tại, có các từ khóa trùng khớp nhất với các thông tin mà bạn chia sẻ qua email, qua lịch sử tìm kiếm hay qua các câu status mỗi ngày.
Nhưng tất cả các yếu tố mà tôi liệt kê phía trên chỉ là phỏng đoán, bởi tôi không phải là nhân viên của Google! Thậm chí, dù là nhân viên của Google nhưng không phải là coder trực tiếp tạo ra các thuật toán sắp xếp thứ tự kết quả, tôi cũng chẳng thể biết được Google đang ưu tiên yếu tố nào khi tạo ra các trang kết quả tìm kiếm sẽ đóng vai trò quyết định thay cho người dùng.
Điều này mở ra một hệ lụy rất nguy hiểm: nếu một ngày nào đó, Google và Facebook quyết định sử dụng bộ máy tìm kiếm hay mạng xã hội hàng tỷ người dùng của họ vào các mục đích trục lợi riêng, phần đông người dùng cũng sẽ lựa chọn góc nhìn của Google và Facebook thành góc nhìn của chính bản thân họ mà không hề hay biết tham vọng đằng sau. Mới gần đây, các nhân viên Facebook đã đưa ra câu hỏi "Làm thế nào để ngăn Donald Trump trở thành tổng thống?" tới Mark Zuckerberg.
Nhà sáng lập của Facebook từ chối can thiệp, nhưng thực tế là nếu Zuckerberg đồng ý, tất cả những gì Facebook cần làm là ưu tiên các bài viết mô tả tiêu cực về Donald Trump lên News Feed của người dùng và giảm số lượt hiển thị của các bài viết tích cực. Bằng cách này, Zuckerberg và Facebook có thể hạ bệ bất cứ một ứng viên tổng thống Mỹ nào chứ không riêng gì Donald Trump.
… hay dâng cho máy móc?
Đáng ngại hơn, khi Mark Zuckerberg từ chối can thiệp trong nỗ lực giữ vị trí "trung lập" cho Facebook, các quyết định của con người sẽ bị chuyển từ góc nhìn của một (hoặc nhiều) người sang vị trí của máy móc.
Nếu như các tuyên bố của Facebook và Google là thật, chúng ta đang giao cho các thuật toán (hay sự kết hợp của các thuật toán ở mức độ cao hơn: AI) quyền quyết định đâu là các thông tin đáng được quan tâm nhất, dễ trở thành quan điểm của con người nhất. Ngay từ bây giờ các thuật toán, các AI vô tri này đã làm hại con người khi truyền bá rộng rãi những thông tin sai lệch, không có giá trị sự thật hay các bí quyết sức khỏe không có giá trị khoa học. AI của Facebook và Google có thể và có cần kiểm chứng loại thức ăn A, loại thuốc B, bài luyện tập C là thực sự có lợi cho sức khỏe? Câu trả lời rõ ràng là không. Miễn là bài viết hút được nhiều người xem, sớm hay muộn nó cũng sẽ xuất hiện rộng rãi trên 2 kênh truyền bá khổng lồ này và ảnh hưởng rất nhiều tới góc nhìn của những người khác.
Nếu con người đã có thể dạy cho AI của Microsoft trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc xấu xí thì cũng chẳng có gì ngăn ngừa góc nhìn sai lệch đang "trending" của 30.000 người trở thành góc nhìn sai lệch của 3 triệu người, 3 tỷ người trên Internet. Đối tượng nào sẽ quyết định góc nhìn thiểu số nào sẽ trở thành góc nhìn đa số? Câu trả lời là thuật toán, AI và máy móc.
Không có lối thoát
Chừng nào bạn còn nghiện Facebook, chừng nào bạn còn phụ thuộc vào những thông tin trên Google, bạn còn đang phó mặc quyền quyết định cuộc sống của mình cho máy móc. Nhưng bạn cũng không còn bất cứ lựa chọn nào khác cả: Facebook đang đóng vai trò quá áp đảo trong cuộc sống của chúng ta khi mạng xã hội này được sử dụng làm kênh giao tiếp chính, thậm chí là chiếm phần lớn thời gian trên di động. Các nhà xuất bản thông tin hay các cửa hàng, nhãn hiệu hiểu rõ điều này hơn ai hết: giờ đây, kênh quảng cáo giúp họ dễ dàng tiếp cận với khách hàng nhất là Facebook. Không bỏ tiền ra chạy quảng cáo trên Facebook, khả năng họ xuất hiện trong trải nghiệm mạng xã hội đang chiếm phần lớn thời gian sử dụng của người dùng sẽ giảm đi đáng kể.
Vị trí của Google còn khủng khiếp hơn: chẳng ai có hiểu biết mà lại sử dụng Bing hay Yahoo Search thay cho Google cả. Và kể cả nếu bạn bỏ Facebook sang Twitter hay bỏ Google sang Bing, các kênh thông tin của bạn vẫn là do thuật toán và AI quyết định.
Ít nhất thì ở thời điểm hiện tại, điều đó không hẳn là có hại, bởi tôi tin Google đã giúp tôi tránh được một cửa hàng laptop có vấn đề. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi thuật toán của Google nhận định sai lầm một cửa hàng lừa đảo thành một cửa hàng chất lượng? Điều gì sẽ xảy ra khi các bài viết từ các bác sĩ uy tín không thể đạt mức độ lan truyền ngang bằng các phương thuốc "lang băm" trên Facebook? Và điều gì sẽ xảy ra khi AI đủ thông minh để quyết định trừ khử con người?
Chúng sẽ dùng chính sự ngu dốt của chúng ta để làm hại chúng ta. Bằng Google và Facebook.
Lê Hoàng
Nguồn Trí thức trẻ