Nestlé "tung" bằng chứng khẳng định Trung Nguyên vi phạm
Điều 192 từ Luật thương mại năm 1997 quy định cấm “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh hàng hoá”…
Phía Nestlé cho biết: Sự kiện thử mù Trung Nguyên thực hiện vào ngày 23/11/2003 trong khi đó, điều 192 từ Luật thương mại năm 1997 đã quy định cấm “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh hàng hoá”…
Cách đây 9 năm, vào ngày 23/11/2003, tại Dinh Thống Nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, một thương hiệu Việt Nam chưa có tên tuổi (lúc bấy giờ) – G7 đã tổ chức một cuộc thử mù (blind test) khoảng 11.000 người tham gia với 2 sản phẩm là G7 và Nescafé của Nestlé – thương hiệu toàn cầu nổi tiếng nhất trong lĩnh vực cà phê hòa tan.
Kết quả nghiêng về G7 với 89% người uống chọn G7 và chỉ 11% chọn Nescafé của Nestlé.
Chỉ trong vòng 9 năm, G7 đã vượt lên dẫn đầu tại thị trường cà phê hòa tan “3 in 1” tại Việt Nam: số một cả về thị phần, doanh số và sản lượng.
“Đây thực sự là một trường hợp tiêu biểu cho tinh thần “châu chấu thắng voi”, Trung Nguyên tự hào.
Tuy nhiên, không đồng tình với cách làm thương hiệu của Trung Nguyên, Công ty Nestlé đã trích dẫn điều 123 được quy định trong Luật thương mại 2005 để “tố” Trung Nguyên đã vi phạm pháp luật khi đem so sánh sản phẩm của mình với sản phẩm cùng chủng loại của doanh nghiệp khác.
Bởi lẽ, theo quy định của điều 123, Luật thương mại 2005 có nêu rõ về việc cấm “Trưng bày, giới thiệu hàng hóa của thương nhân khác để so sánh với hàng hóa của mình, trừ trường hợp hàng hóa đem so sánh là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật”,…
Phản bác lại điều này, đại diện của cà phê Trung Nguyên, bà Phạm Thị Điệp Giang, PGĐ Truyền thông trả lời rằng: “Sự kiện thử mù Trung Nguyên làm ngày 23/11/2003 trước khi điều 123, Luật thương mại 2005 như trên đã trích dẫn có tồn tại, nên không thể kết luận “Trung Nguyên đã vi phạm pháp luật”.
Cũng lập tức ngay sau đó, Công ty Nestlé tiếp tục dẫn chứng các quy định trong điều luật của Luật thương mại năm 1997 – thời điểm trước khi Trung Nguyên tổ chức cuộc thử mù với hi vọng Trung Nguyên phải nhìn nhận đúng sự thật.
Theo đó, điều 192 từ Luật thương mại năm 1997 quy định các quảng cáo thương mại bị cấm, trong đó có “Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân và các thương nhân khác”; “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác hoặc bắt chước sản phẩm quảng cáo của một thương nhân khác, gây nhầm lẫn cho khách hàng”;…
Đồng thời, Nestlé cũng nhắn nhủ: “Nestlé Vietnam là công ty tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật về cạnh tranh cũng như các quy định pháp luật khác của Việt Nam”, vì vậy, hi vọng các doanh nghiệp khác cũng thực hiện đúng luật.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đào Xuân Hội, giảng viên Bộ môn Luật, trường Đại học Lao động – Xã hội nhận xét: “Nếu ứng dụng luật Việt Nam thì Trung Nguyên vi phạm bởi luật quy định: Không được phỉ báng, hạ thấp sản phẩm của người khác để nâng cao sản phẩm của mình lên”.
Ngoài ra, điều đáng nói ở đây là: Trung Nguyên đã nhắc lại, sử dụng lại kết quả của bài test năm 2003 trong tài liệu của một cuộc hội thảo diễn ra vào năm 2012. Vào thời điểm năm 2012, Luật pháp đã cấm thương nhân “giới thiệu hàng hóa của thương nhân khác để so sánh với hàng hóa của mình” hay nói cách khác, vào năm 2003, cứ cho hành vi sử dụng so sánh của Trung Nguyên là được phép thì tại thời điểm hiện tại (năm 2012), khi Luật Thương mại và luật cạnh tranh đã rõ ràng, lẽ ra Trung Nguyên không nên đưa ra để so sánh nữa.
Giống như một luật sư trong đoàn Đoàn Luật sư TP.HCM đã nói vui: “Nó chẳng khác nào năm 2012, bạn chạy xe Cup 81 ngược chiều trên phố Hàng Đào, bất chấp biển cấm. Khi bị công an thổi phạt thì bạn đưa ra bức ảnh do chính bạn tự chụp từ năm 1981, bảo là hồi đó phố Hàng Đào được chạy 2 chiều, nên bây giờ xe Cup 81 của tôi được phép chạy!”.