Thị trường hàng hiệu phổ thông: Vào đường đua

Sau nhiều đồn đoán, thương hiệu thời trang Zara từ Tây Ban Nha của tỷ phú Amancio Ortega (người giàu thứ hai trên thế giới) đã có mặt ở Việt Nam. Sự xuất hiện của Zara sẽ góp phần làm sôi nổi thêm thị trường hàng hiệu phổ thông tại Việt Nam.

Cầu tăng

Không như thường lệ, gần 12 giờ đêm hôm 16/4, Crescent Mall (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) vẫn sáng đèn, không khí náo nhiệt. Tại các cửa hàng thời trang như Gap, Mango, Calvin Klein, Marks & Spencer, các "tín đồ mua sắm" cố tìm kiếm những món đồ ưng ý với mức giá "sốc" ở sự kiện chỉ diễn ra đúng một ngày: "Sale khủng đến nửa đêm - Midnight Sale".

Đây là lần thứ ba trung tâm thương mại này tổ chức sự kiện "kích cầu", giảm giá đến 50% tại hơn 100 cửa hàng kinh doanh ở Crescent Mall. Ngay từ sáng 16/4, Crescent Mall đã tấp nập người ra vào, bởi đây là cơ hội để được sở hữu hàng hiệu với giá đôi khi chưa đến 1 triệu đồng mỗi món.

Thị trường hàng hiệu phổ thông: Vào đường đua

Các cửa hàng thời trang Gap, Mango, Calvin Klein, Marks & Spencer tại Crescent Mall gần 12 giờ đêm ngày 16/4 vẫn sáng đèn

Thực tế, không chỉ các đợt giảm giá theo mùa hoặc những dịp đặc biệt, lễ, Tết, như ngày "Black Friday", Quốc tế Phụ nữ, Giáng sinh... mà ngay cả những khi có hàng mới về, các cửa hàng thời trang cao cấp vẫn thu hút được lượng khách đáng kể, đa phần là giới trẻ, dân văn phòng.

Theo chị T. Mai, một "tín đồ” của thời trang Mango (thương hiệu của hãng Mango MNG Holding, Tây Ban Nha), với thiết kế đa dạng, chất liệu tốt và giá dễ tiếp cận (bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/món, những đợt khuyến mãi giá đôi khi chỉ còn một nửa hoặc thấp hơn), những mặt hàng này phù hợp với tính chất nghề nghiệp của giới văn phòng.

Có thể nhiều người cho rằng, giới trẻ hiện nay sính hàng ngoại, nhưng tiền nào của đó, có thể bỏ ra số tiền gấp đôi để mua một cái áo có thương hiệu, nhưng bù lại giá trị thẩm mỹ cao và sử dụng khá bền.

Bên cạnh Mango, các thương hiệu thời trang quốc tế như Gap, Guess, Topshop, Ralph Lauren, Nine West cũng là lựa chọn của dân công sở hiện nay.

Sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng tại các thị trường mới nổi đã tác động đáng kể đến chiến lược kinh doanh của nhiều nhà phân phối. Theo Zara (thuộc Tập đoàn Inditex), người tiêu dùng Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc chọn lựa thời trang hàng hiệu phổ thông (high street fashion).

Theo Euromonitor Intenational, đến năm 2017, thị trường hàng hiệu Việt Nam nói chung có thể đạt mức 2,7 tỷ USD.

Một nghiên cứu về chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt trong quý IV/2015 của Nielsen Việt Nam cũng cho biết, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ, du lịch, mua sắm quần áo, sản phẩm công nghệ mới.

Thống kê của Euromonitor Intenational, đến năm 2017, thị trường hàng hiệu Việt Nam nói chung có thể đạt mức 2,7 tỷ USD.

Bắt đầu "đường đua"

Việc gia nhập thị trường Việt Nam của Zara được khách hàng đón nhận nhưng với những người kinh doanh trong lĩnh vực thời trang hàng hiệu phổ thông thì lại có thêm "đổi thủ” đáng gờm.

Với Zara, Việt Nam là một trong 5 thị trường mới có kế hoạch mở cửa hàng trong năm nay, cùng với New Zealand, Paraguay, Aruba và Nicaragua.

Trong năm tài khóa 2015 (kết thúc ngày 31/1/2016), Inditex có 7.013 cửa hiệu tại 88 thị trường trên thế giới, trong đó, số cửa hiệu Zara là hơn 2.000.

Riêng Mango, năm rồi, doanh thu đạt 2,6 tỷ USD (hơn 80% đến từ thị trường bên ngoài Tây Ban Nha), chỉ bằng 1/5 so với Zara nhưng xét về sự hiện diện, Mango đã có mặt ở 107 thị trường và Hãng đang có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng để tăng doanh thu lên gấp đôi vào năm 2017.

Cả hai hãng thời trang Tây Ban Nha này mở rộng cửa hiệu bằng hình thức nhượng quyền cho các đối tác ở địa phương và tự mở.

Tại thị trường Việt Nam, thông qua việc nhượng quyền cho Công ty CP Maison vào năm 2004, thương hiệu thời trang Mango (nhắm đến lứa tuổi từ 18 - 40) đã hiện diện.

Thị trường hàng hiệu phổ thông: Vào đường đua

Tính đến thời điểm này, bên cạnh Maison, Mango (sở hữu hơn 60 cửa hiệu, phân phối cho khoảng 15 thương hiệu thời trang quốc tế như Topshop, Pedro, Warehouse) còn được một vài đối tác trong nước nhượng quyền phân phối, chẳng hạn như Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC, thành viên của IPP) và Công ty TNHH Kinh doanh Đầu tư BFF (thuộc Vingroup, chuyên phân phối các thương hiệu cao cấp như BCBGMAXAZRIA, DKNY, French Connection...).

Theo đó, DAFC chủ yếu phân phối thời trang Mango nam và nữ (mở hai cửa hàng riêng biệt), còn Maison định vị thế mạnh ở phân khúc đồ nữ, trong khi BFF với lợi thế mặt bằng đang sở hữu tại các trung tâm thương mại Vincom, năm 2015, lần đầu tiên đã mang mô hình Mega Store (diện tích trên 1.000m3/cửa hàng), với hơn 15.000 mặt hàng Mango, Mango man và Mango Kids của Mango về Việt Nam.

Theo đánh giá của một chuyên gia tư vấn nhượng quyền của một số thương hiệu thời trang cao cấp nước ngoài vào Việt Nam, thị trường này đang bắt đầu vào "cuộc đua" gay cấn, các doanh nghiệp tham gia đều có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, nhưng về dài hạn, BFF dù "đi sau" nhưng lại chiếm ưu thế về vốn và thời gian tiếp cận thị trường, do họ được sự "hậu thuẫn" từ mảng kinh doanh khác của Vingroup là phát triển các trung tâm thương mại nên sẽ dễ dàng trong việc sở hữu mặt bằng đẹp để tăng số lượng cửa hàng. Vingroup cũng đang là đối tác chiến lược của Vinatex nên có thể chủ động được về sản xuất, gia công.

Nguyên Bảo
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn