Alibaba thâu tóm Lazada, các startup Đông Nam Á có được bài học gì?
Vì sao Alibaba chi tới 1 tỷ USD cho Lazada? Làm thế nào để Lazada đi được đến thành công ngày hôm nay? Giới startup Đông Nam Á học được gì từ thương vụ này?
Giới công nghệ gần như bị sốc trước thông tin gã khổng lồ Internet Trung Quốc, Alibaba, “vung” 1 tỷ USD nhằm nắm quyền kiểm soát startup thương mại điện tử (TMĐT) Lazada. Đây là thương vụ thâu tóm xuyên biến giới giá trị lớn nhất của Alibaba.
Khi mọi sự chú ý đổ dồn vào Lazada của Rocket Internet, một đối tượng khác cũng đang hân hoan tận hưởng chiến thắng đó là cộng đồng startup Đông Nam Á. Vụ thôn tính giống như bảo chứng rằng khu vực này vô cùng hấp dẫn với các nhà đầu tư và sẽ châm ngòi cho nhiều công ty khác nghiên cứu sâu hơn vào thị trường.
Stefan Jung, đối tác tại quỹ đầu tư Venturra Capital, kỳ vọng việc Alibaba thâu tóm Lazada khỏi động cả chu trình. Nó sẽ thu hút thêm nhiều khoản đầu tư vào Đông Nam Á và nhiều doanh nhân hơn khi họ nhìn thấy đây là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh.
Hanno Stegmann, đồng Tổng Giám đốc Asia Pacific Internet Group, cũng đồng tình với ý kiến của ông Jung. Ông cho rằng thương vụ khuấy động sự chú ý đối với các người mua Trung Quốc. “Đông Nam Á là điểm đến tiếp theo. Tại sao phải nhìn sang Mỹ hay châu Phi khi mà có thể tiếp cận Đông Nam Á đầu tiên”. Với các tên tuổi phương Tây như Amazon, đây chính là tín hiệu báo thức để họ tự hỏi liệu có đang “bỏ lỡ cơ hội tốt” khi không quan tâm đến Đông Nam Á hay không.
Thương vụ cũng công nhận giá trị của bản thân Lazada. Rocket giới thiệu Lazada năm 2012, thời điểm mọi người băn khoăn có quá sớm hay không. Ý tưởng được bắt nguồn từ Mỹ và áp dụng cho thị trường đang phát triển. Dù Đông Nam Á tỏ rõ tiềm năng với dân số đông, tầng lớp trung lưu đang lên, tỉ lệ sử dụng Internet và smartphone tăng nhanh, mỗi quốc gia lại có khó khăn riêng, chưa kể hạ tầng yếu kém và mạng lưới logistics kém hiệu quả.
Tuy nhiên, Lazada đã đi đúng hướng và bám trụ tại 6 quốc gia – Singapore, Indonesia, Malaysia, Phillippines, Thái Lan và Việt Nam. “Nó cho thấy chiến lược đúng đắn là xuất hiện sớm tại Đông Nam Á, là người đi đầu tiên trong TMĐT”, ông Hanno nói.
Alibaba là công ty khổng lồ và có thế lực. Về tay Alibaba cho phép Lazada tiếp cận nguồn lực của tập đoàn, bao gồm cả công ty logistics Singpost.
“Để xây dựng cái gì đó, hãy nhìn vào nền tảng và thử giải quyết các vấn đề hơn là ngồi chờ ai đó đến và giải quyết chúng hộ bạn. Chúng tôi vẫn làm TMĐT tại những nước chưa có cơ sở thanh toán điện tử.”
Các người chơi khác chịu tác động ra sao? Hanno bác bỏ ý tưởng không còn đất cho các đối thủ khác cạnh tranh. “Chắc chắn còn nhiều cơ hội. Có nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc. Nếu bạn chỉ nhìn vào mô hình TMĐT thuần túy, vẫn còn nhiều cơ hội chưa được chạm tới. Có nhiều khoảng trống để bạn kinh doanh”.
Như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy điều gì từ câu chuyện của Lazada? Đầu tiên, bạn phải ra ngoài, nhìn xa hơn thị trường quê nhà và cố gắng giành thị phần tại các khu vực khác. “Lazada đã làm việc tuyệt vời khi cân bằng trên toàn khu vực. Họ khiến mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt Alibaba… Khả năng làm chủ các thị trường là cơ hội thực tế, mang lại nhiều giá trị. Chúng tôi hiểu làm thế nào để điều đó xảy ra và không bó hẹp tầm nhìn vào một quốc gia hay lãnh thổ duy nhất”, ông Hanno đưa ra lời khuyên.
Thứ hai, khi đưa ra quyết định, bức tranh lớn hơn – như quy mô thị trường, tăng trưởng GDP, tỉ lệ sử dụng Internet, sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn thay vì những thứ bạn chưa chắc chắn như logistics hay thanh toán.
“Để xây dựng cái gì đó, hãy nhìn vào nền tảng và thử giải quyết các vấn đề hơn là ngồi chờ ai đó đến và giải quyết chúng hộ bạn. Chúng tôi vẫn làm TMĐT tại những nước chưa có cơ sở thanh toán điện tử”, ông Hanno kết luận.
Du Lam / TechInAsia
Nguồn ICT News