“Con hổ” Samsung đang nhăm nhe rời bỏ “khu rừng” Android

Đối tác phần cứng lớn nhất của Google đang tích cực xây dựng hệ sinh thái của riêng mình.

Với việc ra mắt mẫu điện thoại chủ lực mới, Galaxy S7, Samsung đã thành công trong việc giảm giá thành, thu gọn số dòng sản phẩm, và kiểm soát được nguồn cung linh kiện. Sau khi quá trình chuyển đổi sang thiết kế và vật liệu cao cấp kiểu iPhone của Galaxy S6 gặp trục trặc trong năm ngoái, doanh số bán hàng của Samsung đã tăng mạnh trở lại trong năm nay.

Đó là tín hiệu đáng hoan nghênh cho nhà sản xuất đứng đầu thị trường smartphone Android này. Tuy nhiên, Samsung đã chứng kiến các đối thủ gục ngã đủ nhiều trong những năm qua để biết được thời thế thay đổi nhanh như thế nào. Samsung tiếp tục giữ vị trí nổi bật so với đối thủ cạnh tranh nhờ các tính năng mới như màn hình cong của dòng điện thoại Edge. Sản phẩm này có chất lượng tốt hơn so với các điện thoại màn hình cong khác như LG Flex và BlackBerry Priv.

Nhưng Samsung cũng thừa nhận rằng sự khác biệt phải đến từ bên ngoài thiết bị phần cứng, điều chỉ có thể đạt được khi hãng thoát khỏi sự phụ thuộc vào hệ điều hành của Google.

“Con hổ” Samsung đang nhăm nhe rời bỏ “khu rừng” Android

Khởi đầu tham vọng

Trong những ngày đầu ra mắt dòng điện thoại Galaxy S, Samsung đã thể hiện sự khác biệt trên thị trường Android chật chội bằng giao diện người dùng TouchWiz đầy phô trương. Giao diện này ưu tiên những khác biệt về tính thẩm mỹ thay vì tập trung vào cải thiện tính năng. Khi doanh số của công ty tăng, sự cạnh tranh cũng lớn theo. Samsung phải đối mặt với ngày càng nhiều các thách thức từ Google khi người dùng thích trải nghiệm Android thuần túy hơn, và từ các đối thủ cạnh tranh như Motorola và HTC.

Các hãng này đã giảm hoặc loại bỏ các tùy biến Android. Samsung cũng tìm cách xây dựng kho ứng dụng của riêng mình bằng Galaxy Apps và các dịch vụ âm nhạc và video. Song, những nỗ lực này đã không được người dùng tích cực đón nhận.

Sau khi đạt được những thành tựu hạn chế trên những mặt trận này, Samsung đã tìm cách khác để vượt lên các nhà sản xuất Android còn lại, đặc biệt là ở những vùng đất mới bên ngoài điện thoại. Chẳng hạn, rất lâu trước khi Google ra mắt Google TV hay Android TV, Samsung đã phát triển giao diện người dùng TV của mình.

Mặc dù Samsung là một trong những nhà sản xuất smartwatch chạy bằng Android đầu tiên, hầu hết hoạt động phát triển đồng hồ của Samsung tập trung vào hệ điều hành Tizen. Đây là giải pháp nhằm tránh sự phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google. Samsung cũng phát triển Samsung Connect Auto. Thay vì cạnh tranh trực tiếp với Android Auto của Google, Samsung Connect Auto được xem như một phụ tùng thay thế, kết nối qua cổng ODB của ô tô và tập trung vào các tính năng khác như tạo ra Wi-Fi hotspot. Phần mềm này cũng chạy trên hệ điều hành Tizen và có thể trở thành nền tảng cho các ứng dụng ô tô.

“Con hổ” Samsung đang nhăm nhe rời bỏ “khu rừng” Android

Mặc dù Samsung đã phát triển kính thực tế ảo Gear VR cho smartphone, hãng đã không dùng hệ thống Cardboard của Google. Thay vào đó, Samsung đã dùng hệ thống Oculus, được sở hữu bởi một trong những đối thủ đáng sợ nhất của Google là Facebook. Ngoài ra, Samsung không chỉ đặt cược vào duy nhất hệ điều hành Tizen của mình. Mặc dù điện thoại chạy bằng Windows Phone của Microsoft không được ưa chuộng bằng các thương hiệu Android khác, dòng máy tính bảng Galaxy Tab Pro Windows của Samsung đã có thể sánh với các máy tính bảng của Android.

Thiết bị này tỏ ra là thành công hơn bất cứ sản phẩm chạy bằng Windows nào khác. Đây cũng là thiết bị chạy bằng Windows đầu tiên của Samsung được gắn với thương hiệu Galaxy nổi tiếng. (Dòng máy tính bảng ATIV chạy trên Windows trước đó đã không được người dùng ưa chuộng).

Để trứng vào nhiều giỏ

Bằng việc vận hành sản phẩm trên ba hệ điều hành khác nhau: Tizen cho smartwatch và tivi, Android cho smartphone và Windows cho máy tính bảng và laptop, Samsung đã tự làm khó mình về tính nhất quán của trải nghiệm người dùng, điều mà Apple và Google chẳng bao giờ phải bận tâm. Nhưng bù lại, Samsung cũng có cơ hội phát triển trên nhiều nền tảng khác nhau mà các hãng khác không có. Vào tháng 2/2015, Samsung đã mua lại LoopPay. Đây là start-up cung cấp các giải pháp thanh toán di động, áp dụng được cho cả đầu đọc thẻ từ đời cũ mà không bị giới hạn bởi công nghệ NFC như của Android Pay và Apple Pay.

“Con hổ” Samsung đang nhăm nhe rời bỏ “khu rừng” Android

Để được thị trường chấp nhận, công nghệ của LoopPay cần được nhúng vào smartphone. Và chẳng có “tổ ấm” nào tốt hơn Samsung cho công nghệ này. Dưới cái tên Samsung Pay, công nghệ này đã được triển khai cho các dòng Galaxy S mới. Samsung đã quảng cáo công nghệ này là đa năng hơn Android Pay và Apple Pay, khi công nghệ của Google và Apple không áp dụng được cho đầu đọc thẻ từ. Điều này có nghĩa là khách hàng của Samsung có thể thanh toán ở số lượng cửa hàng lớn hơn rất nhiều so với Android Pay và Apple Pay, vốn chỉ có thể dùng công nghệ NFC.

Đối với Samsung, việc phát triển ra ngoài nền tảng của Android đem lại cơ hội lớn với rủi ro tối thiểu. Nếu các sản phẩm đồng hồ, thực tế ảo, ô tô và tivi chạy bằng Android được người dùng nhiệt tình đón nhận, Samsung có thể từ bỏ các hệ điều hành còn lại. Giống như khi lần đầu tiên Samsung gia nhập thị trường smartphone cảm ứng vào năm 2008, hãng đã từ bỏ Instinct, dòng điện thoại phổ thông không chạy trên Android của mình.

Samsung đã không cố biến Instinct thành sản phẩm chủ lực của mình, mà sử dụng nó để làm bàn đạp cho sự phát triển sau này. Samsung đã sử dụng danh tiếng của thương hiệu điện thoại phổ thông hàng đầu còn sót lại để củng cố vị thế trên thị trường smartphone sau này. Đó là lý do tại sao Samsung đang theo đuổi chiến lược phát triển trên nhiều hệ điều hành như hiện nay.

Nam Nguyễn / fastcompany
Nguồn Trí thức trẻ