Chiến lược "bành trướng" của Line tại thị trường Châu Á

Ở mỗi một quốc gia, ứng dụng tin nhắn tới từ Nhật Bản Line đang thu hút thêm nhiều người dùng mới bằng việc áp dụng những chiến lược khác nhau.

Ví dụ như tại thị trường quê nhà, những biểu tượng cảm xúc (sticker) ngộ nghĩnh thu hút tất cả mọi người từ sinh viên nữ tới tầng lớp doanh nhân. Tại Indonesia, Line đã xây dựng dịch vụ kết nối các học sinh cùng lớp sau khi nhận ra rằng mạng lưới học sinh là chất keo gắn kết xã hội quyền lực nhất ở quốc gia này. Tại những nước hồi giáo, Line ra mắt những tính năng đặc biệt dành cho người dùng để họ có thể theo dõi tháng Ramadan một cách nhanh nhất.

Tất cả những chiến lược này nhắm tới việc thu hút thêm người dùng mới trước khi họ trở nên trung thành với các ứng dụng đối thủ của Line như Messenger của Facebook, WhatsApp hay WeChat.

“Mọi thứ đều vô nghĩa nếu như chúng tôi không thể chiếm được thị phần lớn nhất”, Takeshi Idezawa, 42 tuổi, CEO của Line nói. “Với những dịch vụ hiện tại ở châu Á, tôi có thể nói rằng Line đang đi đầu so với các đối thủ”.

Takeshi Idezawa

CEO Line Takeshi Idezawa

Tham vọng của Idezawa là vượt ra xa khỏi châu Á, nơi Line đang chiếm vị trí số 1 tại Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan. Vị CEO này cho rằng họ hoàn toàn có thể thu hút được người dùng tại Trung Đông, chạm vào thị trường hơn 1 tỉ người trong khu vực mà vẫn chưa có bất kỳ dịch vụ tin nhắn nào thống trị.

Line cũng đang lên kế hoạch IPO trong năm nay và họ hiện có hơn 215 triệu người dùng trực tuyến hàng tháng.

Một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Line tại châu Á là Tencent Holdings, đơn vị sở hữu ứng dụng WeChat với hơn 697 triệu người dùng. Nhìn chung, WeChat hiện tại không chỉ đơn thuần là một ứng dụng tin nhắn mà kèm theo đó là vô số tính năng giúp người dùng có thể đặt xe, tra ngày tháng và thậm chí là chuyển tiền.

Tuy nhiên hiện tại do WeChat chỉ tập trung chủ yếu ở Trung Quốc vì vậy "Line đang có cơ hội trở thành nền tảng ứng dụng hàng đầu châu Á", theo Danielle Levitas – chủ tịch hãng nghiên cứu App Annie – công ty có trụ sở tại San Francisco.

Những sticker ngộ nghĩnh của Line trở nên phổ biến và chúng thậm chí được kinh doanh bên ngoài ứng dụng này. Cụ thể Line hiện điều hành 45 cửa hàng tại 11 quốc gia – nơi các fan hâm mộ của những nhân vật như Moon, Cony, Brown có thể mua quần áo, đồ dùng văn phòng và thậm chí chụp ảnh tự sướng với phiên bản lớn hơn của các nhân vật này. Chúng phổ biến tới mức Line tuyên bố sẽ mở 3 cửa hàng trong năm nay tại Trung Quốc – dù ứng dụng này hoàn toàn bị cấm ở đây.

Chiến lược bành trướng của Line tại thị trường Châu Á

Line không chỉ thành công trong việc thu hút người dùng mới, họ đã tạo ra được doanh thu. 1/3 trong số doanh thu 1,1 tỉ USD trong năm 2015 của công ty tới từ việc bán sticker. Idezawa cũng tìm ra cách kiếm tiền từ quảng cáo thông qua ứng dụng này.

Các công ty có thể trả 40 triệu yen để cho phép khách hàng sử dụng những sticker được tài trợ trong 2 tuần. Theo CEO Idezawa thì mọi người sẽ chú ý tới các quảng cáo hơn nếu chúng xuất hiện trong lúc trò chuyện cùng với bạn bè của mình.

Một trong những thị trường mà cuộc chiến giữa các ứng dụng tin nhắn đang diễn ra khốc liệt nhất là Indonesia. Trong nhiều năm, ứng dụng tin nhắn của BlackBerry đã tạo ra một chuẩn mực trong thực tế.

Tuy nhiên kể từ khi người dùng chuyển từ những chiếc điện thoại bàn phím sang smartphone, các ứng dụng tin nhắn bắt đầu cạnh tranh khốc liệt để giành lấy vị thế của BlackBerry. Cũng theo thống kê, có tới một nửa (trong số 254 triệu người dân Indonesia – đất nước đông dân thứ 4 thế giới) sẽ sử dụng điện thoại thông minh cho tới năm 2019, tăng 33% so với năm 2014.

"Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là thị trường Indonesia", CEO Line khẳng định.

Chiến lược bành trướng của Line tại thị trường Châu Á

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Line

Line cũng đang nhắm tới những quốc gia Đông Nam Á, Trung Đông và thậm chí là Nam Mỹ. Công ty hiện có 3.800 nhân viên và hỗ trợ dịch vụ thông qua 19 ngôn ngữ khác nhau.

Để thu hút được người dùng địa phương, Idezawa cho biết công ty sẽ gửi các đội kỹ sư, nhà thiết kế và nhân viên marketing đến những nước mới – nơi những người này được trao quyền để tạo ra những tính năng và dịch vụ mới phù hợp với từng thị trường. Ví dụ, tại châu Mỹ Latin, Line đã cho ra mắt ứng dụng chụp ảnh tự sướng có tên B612 và hiện có hơn 50 triệu người dùng.

Facebook vẫn đang phát triển WhatsApp – đơn vị có 1 tỉ người dùng sau khi mua lại 22 tỉ USD vào năm 2014. Cùng lúc, Facebook cũng bắt đầu thêm những tính năng mới cho Messenger như cho phép người dùng có thể gọi xe, đọc tin tức và tải các biểu tượng cảm xúc.

Idezawa nói rằng ngoài sticker, Line sẽ tìm kiếm thêm nhiều cách thức khác để kết nối người dùng và các doanh nghiệp. "Chúng tôi tin rằng Line sẽ mang tới một điều gì đó thật đặc biệt trong thời gian tới".

Nguồn Trí thức trẻ