“Mỏi mắt” tìm thương hiệu quốc gia
Hiện mới chỉ có một số rất ít sản phẩm xây dựng được thương hiệu quốc gia như cà phê Trung Nguyên hay một số mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, so với một đất nước có nhiều tiềm năng như Việt Nam, những thương hiệu mang tầm quốc gia như vậy là khá khiêm tốn.
Theo báo cáo tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng diễn ra vào sáng 20/4 tại Hà Nội thì chỉ có 1/147 doanh nghiệp (DN) hiểu đúng về Thương hiệu quốc gia.
PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh – Thành viên Ban cố vấn chương trình Thương hiệu quốc gia cho biết, khảo sát được thực hiện 3 tháng với lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết quả trong số 147 người trả lời chỉ có 9 người biết đến Thương hiệu quốc gia và trong 9 người chỉ có 1 người hiểu đúng và 8 người cho rằng chương trình chỉ là chương trình trao giải thưởng. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên, khi hỏi người tiêu dùng người ngoài có biết về sản phẩm của Việt Nam hay không, họ đều lắc đầu. “Người nước ngoài chủ yếu biết đến 2 thứ của Việt Nam là Phở 24 và Vinacafe còn bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu khác người ta ít biết đến. Đây là điều đáng buồn”. – ông Thịnh trăn trở.
Đối với các sản phẩm đang xuất khẩu và bày bán tại các siêu thị nước ngoài như cá tra, cá ba sa không ai biết đây là hàng do DN Việt Nam nào xuất khẩu, nếu trong số 70 DN có 1 DN làm ăn chụp giật ngay lập tức họ cho rằng tất cả DN VN làm ăn chụp giật. Trong khi đó, theo ông Thịnh, quan niệm Thương hiệu quốc gia được mở rộng, không chỉ gắn với sản phẩm và DN. Thực tế, hơn 80 quốc gia trên thế giới đang tiếp cận, hướng tới xây dựng Thương hiệu quốc gia.
Bùi Thế Đức- Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương đánh giá rằng, thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ những bất cập lớn như bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa. Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới.
Cũng theo ông Đức, nhiều DN VN có hàng xuất khẩu phải chịu thiệt đơn, thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Nhiều người nước ngoài không biến đến hoặc biết không đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, hàng hóa, thương hiệu quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng rộng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh.
Trong khi đó, trong bối cảnh hiện nay, hàng hóa, thương hiệu quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng rộng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh.
Ông Đức cũng cho biết, biên giới hành chính có khi bị “mờ” đi khi hàng hóa, dịch vụ của quốc gia này chiếm lĩnh lãnh thổ quốc gia khác. Do đó, để tránh bị “xâm chiếm” lệ thuộc vào kinh tế, bị thua thiệt, trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa của nước khác, thành bãi rác đồ cũ phải chủ động phát huy nội lực, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, dựa trên tính độc đáo, sự khác biệt.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, VN đã và đang liên tục ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là đã tham gia Hiệp định TPP nên việc xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu, hình ảnh quốc gia rất quan trọng. Nếu không có biện pháp cần thiết, xây dựng, quảng bá thương hiệu thì các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được cơ hội tạo ra. Tuy nhiên, hiện nay trên 90% DN VN là DN nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nên việc xây dựng thương hiệu Việt cho DN cần phải có giải pháp cụ thể. Thứ trưởng nhấn mạnh: Các DN và chuyên gia phải phát huy trí tuệ tập thể, chung sức đồng lòng thúc đẩy lộ trình xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam, hòa nhịp với tiến trình hội nhập.
Mai Thanh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp