Vingroup chi trên 18.000 tỉ đồng cho các thương vụ sáp nhập

Vingroup đã chi 18.760 tỉ đồng để thực hiện 15 thương vụ mua bán sáp nhập. Trong đó, Vingroup chi 230 tỉ đồng mua Vinatexmart, 1.835 tỉ đồng mua Maximark.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của Tập đoàn Vingroup vừa được công bố đã hé lộ giá trị của nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đình đám trong năm do tập đoàn này thực hiện.

Theo đó, Vingroup đã chi 18.760 tỉ đồng để thực hiện 15 thương vụ mua bán sáp nhập, đồng thời có hai khoản thương vụ chuyển nhượng đi ngay sau khi mua.

So với 10.500 tỉ đồng của 2014, các hoạt động M&A được Vingroup chi mạnh tay hơn trong năm 2015 tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ và bất động sản.

Đáng chú ý lần đầu tiên, giá trị là các thương vụ mua lại các chuỗi siêu thị lớn như chuỗi Vinatexmart và Maximark trong chiến lược tăng cường mở rộng hệ thống trên toàn quốc của tập đoàn này.

Vingroup chi trên 18.000 tỉ đồng cho các thương vụ sáp nhập

Ảnh minh họa.

Tháng 5-2015 Vingroup đã chi 230 tỉ đồng mua 100% phần vốn góp trong Công ty Vinatexmart từ một đối tác doanh nghiệp theo phương thức thanh toán bằng tiền.

Sau thương vụ này, Vinatexmart trở thành công ty con của Vingroup và sau đó được sáp nhập vào Công ty Vincommerce, một công ty khác trong cùng tập đoàn.

Công ty Vinatexmart hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ với chuỗi siêu thị, cửa hàng mang thương hiệu Vinatexmart tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Vingroup khẳng định việc mua Công ty Vinatexmart là một phần trong chiến lược đầu tư vào thị trường bán lẻ. Tính đến thời điểm được sáp nhập, lỗ trước thuế của Công ty Vinatexmart là 11 tỷ đồng.

Đến tháng 11-2015, Vingroup tiếp tục gây sốc thị trường khi công bố hoàn tất việc mua 100% cổ phần của Công ty An Phong (sở hữu hệ thống Maximark) từ các cá nhân với tổng giá phí ước tính tạm thời là 1.835 tỉ VND, trong đó 1.002 tỉ đồng đã được thanh toán bằng tiền. Lỗ trước thuế của Công ty An Phong kể từ ngày mua cuối tháng 12-2015 là 400 triệu đồng.

Kết thúc năm tài chính 2015, doanh thu thuần của Vingroup đạt 34.048 tỉ đồng, tăng 6.324 tỉ đồng so với năm 2014.

Tại thời điểm đó, những người trong ngành bán lẻ cũng đồn đoán giá trị thương vụ xấp xỉ 2.000 tỉ đồng. Theo lý giải của Vingroup, đầu tư vào Công ty An Phong là một phần trong chiến lược đầu tư mở rộng vào thị trường bán lẻ, tăng nguồn cung diện tích cho thuê mặt bằng bán lẻ, kết hợp với hoạt động các công ty khác trong tập đoàn, đặc biệt là các công ty kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ.

Dự kiến trong năm 2016, toàn bộ hệ thống Maximark sẽ được chuyển đổi thành trung tâm thương mại Vincom hoặc siêu thị VinMart.

Ngoài ra, còn một số thương vụ đáng chú ý như chi 5.680 tỉ đồng mua 100% cổ phần của Công ty Hoa Hướng Dương mở rộng mảng bất động sản ở Hà Nội, mua Công ty Ngôi sao xanh từ các đối tác doanh nghiệp với tổng giá phí là 2.301 tỉ đồng…

Kết thúc năm tài chính 2015, doanh thu thuần của Vingroup đạt 34.048 tỉ đồng, tăng 6.324 tỉ đồng so với năm 2014.

Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế lại giảm đến 47%, chỉ đạt 2.852 tỉ đồng do năm 2015 là năm mà tập đoàn tập trung phát triển thêm các ngành nghề với mục tiêu đa dạng hóa kinh doanh như siêu thị bán lẻ, nông nghiệp, bên cạnh đó phần lớn dự án bất động sản đang triển khai chưa đến kỳ bàn giao để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.

N. Bình
Nguồn Tuổi Trẻ Online