Không chỉ thay đổi ngành thương mại điện tử, Lazada của Jack Ma còn "đe dọa" cả bán lẻ truyền thống ở Việt Nam

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, với số tiền khổng lồ 1 tỷ USD "mua lại" Lazada, chắc chắn người thông minh và nhiều kinh nghiệm như Jack Ma đã có những tính toán chặt chẽ. Song đây cũng là nguy cơ cho ngành bán lẻ truyền thống lâu đời ở Việt Nam.

Mới đây, Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã thông báo về việc ký kết thỏa thuận đầu tư sở hữu cổ phần kiểm soát vào Lazada (trang thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á). Theo đó, tổng giá trị đầu tư của tỷ phú này là khoảng 1 tỷ USD.

Thương vụ này tuy không quá bất ngờ song nó cũng khiến dư luận xôn xao. Nhiều câu hỏi xoay quanh việc bên mua và bên bán được và mất gì? Ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ đi về đâu khi một đầu tàu đã về tay tỷ phú người Trung Quốc?

Để tháo gỡ phần nào những thắc mắc trên, chuyên gia Ngô Trí Long đã có cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

* Mới đây tỷ phú Jack Ma đã chi khoảng 1 tỷ USD để mua lại cổ phần chi phối của Lazada. Ông đánh giá như thế nào về thương vụ này?

Sau sự việc trên, có thể thấy 2 vấn đề. Một là thương mại điện tử của thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng. Thứ hai là năng lực của Jack Ma rất tốt.

Ngô Trí Long

Chuyên gia Ngô Trí Long.

Ảnh: Hòa Phạm.

Trong lĩnh vực bán buôn, năng lực của Alibaba rất dồi dào song bán lẻ chưa được mở rộng. Cũng vì thế, Jack Ma đã quyết định mua Lazada.

Dù thị trường Việt Nam và Trung Quốc có điểm chung, song cũng có nhiều điểm khác biệt như ngôn ngữ, tập quán,… Tuy nhiên, chắc chắn trước khi Jack Ma mua cổ phần mới phát hành khoảng 500 triệu và sẽ tiếp tục mua của những cổ đông trong thời gian tới, với kinh nghiệm và tài ba của mình, hẳn ông đã lường trước được hết những khó khăn. Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì vẫn phải chờ xem?

Thực tế vừa qua, Lazada có những hiện tượng khá bất ổn: khách hàng kêu ca khi nói một đằng, làm một nẻo; chất lượng không đúng trong khi hình ảnh làm rất đẹp… Tất cả điều này làm giảm uy tín nghiêm trọng.

Có thể nói, Lazada đã có những mặt bất cập, hạn chế. Vì thế, họ mới phải bán.

Theo cách suy nghĩ của một người kinh doanh, nếu làm ăn đang tốt, đang phát triển thì không bao giờ họ bán. Nếu như có bán, thì cũng phải bán cho một cổ đông chiến lược, mà cổ đông này cần có một tiềm năng rất mạnh.

Còn đang thịnh vượng, phát đạt thì tại sao Lazada phải lâm vào tình cảnh này?

* Tương lai của Lazada Việt Nam sẽ ra sao khi nằm trong tay Jack Ma?

Hiện nay, muốn phát triển mạnh trên thương trường, các đơn vị cần phải có uy tín thực sự. Đặc biệt với thương mại điện tử, lợi ích quảng cáo và giá trị chân thực của nó phải hoàn toàn phù hợp với nhau.

Còn với uy tín, cách làm của Alibaba, tôi nghĩ, Jack Ma sẽ chọn phương án chữ tín làm hàng đầu bởi đây là đơn vị đầu tiên tiếp xúc và mở rộng tại thị trường này.

Với xu hướng phổ cập Internet của Việt Nam ngày một lớn mạnh, cùng với đối tượng phục vụ chủ yếu là giới trẻ, Lazada của Jack Ma sẽ cạnh tranh ngay cả với bán lẻ truyền thống lâu năm ở Việt Nam.

Không chỉ thay đổi ngành thương mại điện tử, Lazada của Jack Ma còn đe dọa cả bán lẻ truyền thống ở Việt Nam

Ảnh: Bloomberg

* Liệu Jack Ma có làm thay đổi ngành thương mại điện tử Việt Nam?

Cái này là chắc chắn có.

Với một tay chơi “cỡ lớn” có tiếng trên thế giới, với kinh nghiệm đã có, cộng với tiềm lực mạnh, Alibaba – Jack Ma sẽ tạo điều kiện hữu ích cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển.

* Có ý kiến cho rằng, rơi vào tay một nhà đầu tư lớn Trung Quốc, hàng hóa từ thị trường này sẽ tràn ngập Việt Nam. Ông nhận định như thế nào?

Nguồn hàng của Alibaba không phải hoàn toàn từ Trung Quốc mà cũng lấy từ nhiều tổ chức ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, khi hội nhập ngày càng sâu, thì cạnh tranh về giá, chất lượng, tiếp thị, uy tín sẽ được nâng cao.

Bên cạnh đó, không nên cho rằng, người của Trung Quốc làm chủ thì hàng Trung Quốc sẽ tràn vào, mà con người của Trung Quốc điều hành như thế nào mới là quan trọng.

Ngay này, chúng ta vẫn thường “dị ứng” khi nói đến hàng Trung Quốc là nghĩ ngay đến hàng kém chất lượng, hay bạn hàng làm ăn kém trung thực.

Nhưng đừng vì thế mà quy kết Jack Ma. Bởi cùng với kinh nghiệm trên thương trường, chắc chắn doanh nhân này sẽ giữ được uy tín để có khả năng phát triển lâu dài.

* Việc Alibaba chi 1 tỷ USD mua lại cổ phần chi phối của Lazada có cho thấy âm mưu của Jack Ma không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á?

Điều này thể hiện rất rõ.

Tại Việt Nam, Lazada không chỉ là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất mà còn là nền tảng tiếp thị liên kết cực lớn với hơn 6.000 gian hàng và 400.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau.

Động thái Jack Ma chi khoản đầu tư khủng với 500 triệu USD vào vốn chủ sở hữu mới phát hành của Lazada và mua tiếp khoảng 500 triệu USD cổ phần của một số cổ đông Lazada trong 8 tháng tới chứng tỏ họ đã nhìn thấy được tiềm năng của thị trường này.

Và thực tế, Đông Nam Á là thị trường mới, đầy tiềm năng. Tại 6 quốc gia mà trang thương mại điện tử Lazada đang vận hành có tổng số dân gần 600 triệu người, trong đó 1/3 sử dụng Internet, hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, Lazada không chỉ là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất mà còn là nền tảng tiếp thị liên kết cực lớn với hơn 6.000 gian hàng và 400.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau. Các sản phẩm thực sự phong phú và đa dạng.

* Ông đánh giá như thế nào về ngành thương mại điện tử trong năm 2016?

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2015, thương mại điện tử ước đạt doanh số khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng so với năm 2014 là 7,3% (tăng 0,7% so với năm 2014). Dự báo đến năm 2020, mô hình TMĐT doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20%/năm, đạt 3.400 tỷ USD.

Từ con số trên cho thấy, Thương mại điện tử Việt Nam đã có bước phát triển đột phá cả về quy mô lẫn doanh số.

Vì lẽ đó, khi Alibaba đầu tư để trở thành cổ đông chiến lược của Lazada, chắc chắn họ đã tính đến bài toán tăng trưởng mạnh mẽ của nó tại thị trường này năm 2016.

Hồng Minh
Nguồn Trí thức trẻ