Starbucks: Chúng tôi muốn xem Trung Nguyên là bạn!

Như đã đưa tin, vào tháng 12 tới, thương hiệu nổi tiếng nhất trong thị trường cà phê thế giới - Starbucks Coffee sẽ có mặt chính thức tại Việt Nam với một cửa hàng tại vị trí đắc địa của quận 1, TP.HCM. Tiếp đó, bước sang năm 2013, Starbucks sẽ tiếp tục mở rộng thêm 6 cửa hiệu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Thông tin này khiến những "tín đồ" cà phê háo hức, đặc biệt là những người đã từng thưởng thức ly cà phê hay chocolate mocha, cảm cái vị giác tuyệt diệu của cà phê Starbucks trên đất Mỹ.

Tuy nhiên, sự có mặt của thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới Starbucks (có trụ sở chính ở Mỹ) này liệu có trở thành nỗi lo về cạnh tranh cho các đối thủ trong cùng ngành?

Trung Nguyên và Highland ảnh hưởng nhiều nhất

Trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Tuấn – Giám đốc đối ngoại Công ty Nestle Viet Nam cho rằngt: Sự có mặt của Starbucks không ảnh hưởng gì đến Nestlé vì Nestle chỉ bán cà phê hòa tan dạng đóng gói sẵn, chủ yếu sử dụng trong gia đình và văn phòng. Trong khi đó Starbucks là cửa hàng chuỗi bán cà phê pha sẵn. Cà phê hòa tan sử dụng trong nhà và cà phê pha sẵn dùng tại cửa hàng chuỗi là hai phân khúc hoàn toàn khác nhau và đối tượng khách hàng cũng khác nhau.

Trung Nguyên và Highlands Coffee


Việc Starbucks vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến chuỗi cửa hàng Trung Nguyên và Highland.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất cà phê, việc Starbucks vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến chuỗi cửa hàng Trung Nguyên và Highland. Chỉ có 2 đơn vị này có cửa hàng chuỗi bán cà phê trực tiếp cạnh tranh với Starbucks, các công ty khác không có, kể cả Vinacafe, hoặc chỉ những thương hiệu nhỏ như Angel in us, Gloria Jean,…

“Trong ngắn hạn thì Trung Nguyên không có gì phải lo vì Starbucks chưa quan tâm đến thị trường Việt Nam, số lượng quán cũng ít (họ lựa chọn quán rất khắt khe, đáp ứng đẳng cấp của họ). Nhưng trong dài hạn thì khó mà nói được” – vị chuyên gia này nhận định.

Về cơ bản, những người trong ngành và am hiểu về cà phê cho rằng: Đây không phải là một “cuộc chiến” như Trung Nguyên tuyên bố. Đây là thị trường. Mà đã là thị trường thì càng có nhiều đối thủ cạnh tranh càng tốt, người tiêu dùng càng có lợi. Vì vậy, tìm cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh, thì chỉ công ty đó có lợi, còn người tiêu dùng thiệt trước tiên.

Tại nhiều nước trên thế giới, trong rất nhiều thị trường, các đối thủ cùng thành công với nhau chứ không phải là giết nhau để tồn tại. Vì vậy, tôi cho rằng: cách đặt vấn đề của Trung Nguyên về một cuộc chiến là sai ngay từ đầu. Tuy vậy, đây là sự sai lầm có tính toán vì khi tuyên chiến với Starbucks, mọi người sẽ đổ dồn sự chú ý vào anh và anh được PR miễn phí. Giống như doanh nhân Việt Phạm Đình Nguyên đã mua đứt thị trấn của Mỹ, tuyên bố sẽ xây dựng nó thành bàn đạp cho hàng Việt Nam vào Mỹ, chỉ trong vòng vài ngày là nổi tiếng khắp thế giới” – một chuyên gia ngành cà phê đánh giá.

Starbucks muốn xem Trung Nguyên là bạn

Trước đó, xuất hiện trên báo chí nước ngoài, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, CEO của cà phê Trung Nguyên nhận định: “Starbucks thật giỏi trong vấn đề in sâu một câu chuyện vào tâm trí người tiêu dùng, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của họ, những gì mà họ đang làm dở tệ”… "Họ đang ca những bài ca tuyệt vời về phát triển bền vững, nhưng rốt cục, thứ mà họ quan tâm chỉ là lợi nhuận từ đầu tư. Họ không trồng cà phê phải không? Chúng tôi thì có”.

Đặng Lê Nguyên Vũ - Starbucks và Trung Nguyên


Trong khi Trung Nguyên tuyên chiến với Starbucks thì “người khổng lồ” cà phê Mỹ này lại cho rằng: Starbucks không coi Trung Nguyên là đối thủ.

Theo đánh giá của nhiều người, cái hay của ông Vũ là dám đấu với “người khổng lồ” cà phê Mỹ, thể hiện quyết tâm, tham vọng đưa Trung Nguyên trở thành một thương hiệu toàn cầu.

Nhưng cái dở của “vua cà phê Việt” trong trường hợp này là chưa biết tôn trọng đối thủ khi nói ra những tuyên bố gây mất uy tín cho doanh nghiệp khác.

Không ít quan điểm cho rằng: Việc “vua cà phê Việt” nhắm vào Starbucks, tuyên chiến với thương hiệu khác là một cách làm không thông minh chút nào.

“Trung Nguyên cùng sản phẩm Trung Nguyên No1 với 4.000 cửa hàng nhượng quyền, hiện nay, do không được quản lý một cách chặt chẽ nên chất lượng không đồng nhất. Mỗi quán có một giá tiền khác nhau, một cách phục vụ khác nhau, nói cho đúng hơn là No1 cạnh tranh với No1. Vì vậy, bác Vũ hãy chú tâm vào quản trị thương hiệu cà phê Trung Nguyên cho thật tốt thay vì lên những trang báo để tự PR cho bản thân và Trung Nguyên!” – một người trong giới yêu cà phê Việt đưa ra nhận xét.

“Đã đến lúc để cho những người làm kinh doanh hiểu hai chữ tôn trọng là thế nào. Nếu Trung Nguyên không hiểu ra được lý lẽ thì họ không đủ sức bước ra thị trường quốc tế khắt khe. Tôi nghĩ rằng Đặng Lê Nguyên Vũ cần tôn trọng khách hàng hơn và không nên đưa ra những phát ngôn như thế”– Đại diện của Starbucks Việt Nam nhấn mạnh.

“Người khổng lồ” cà phê Mỹ này cũng “bật mí”: Họ không coi Trung Nguyên là đối thủ.

“Starbucks coi họ (Trung Nguyên - PV) như những người bạn cùng chí hướng. Hãy tưởng tượng một điều rằng chỉ có một mình Starbucks trên thế giới thì sẽ rất nhàm chán, ngược lại nếu có những người bạn như Trung Nguyên thì sẽ khác... Tôi cũng là người Việt Nam và gia đình tôi cũng là những người trồng cà phê, nên tôi rất ủng hộ việc anh Vũ phát triển cà phê ra ngoài thế giới. Nhưng thay vì coi chúng tôi là “đối thủ”, anh Vũ có thể coi chúng tôi là những người bạn”, ông Nguyễn Thế Khoa, quản lý thương mại của Starbucks Việt Nam nhắn nhủ.

Nguồn Dùng hàng Việt