Masan và các thương vụ M&A: Những mảnh ghép không hoàn hảo

Masan đang không ngừng mở rộng thông qua M&A. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các công ty đã “bắt tay” với Masan không phải lúc nào cũng sáng sủa.

Cuối cùng, Masan, thông qua công ty con là Anco đã thắng CJ (Hàn Quốc) để trở thành đối tác chiến lược của Vissan. Masan phải chi 126.000 đồng/cổ phiếu, tức hơn 1.427 tỉ đồng để sở hữu 14% vốn điều lệ ở Vissan. So với giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phiếu trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vissan, mức giá 126.000 đồng là không rẻ.

Có thể, Masan chấp nhận trả giá cao gấp 7,4 lần để mua cổ phiếu Vissan là vì Vissan có những lợi điểm mà Masan nhắm tới, như hệ thống phân phối hiện đại, dày đặc với 130.000 điểm bán lẻ, giữ thị phần đứng đầu về thịt tươi sống và chế biến thực phẩm, một ngành có trị giá 18 tỉ USD.

Masan chi bạo

Masan hiện là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, với các khoản vay ngắn hạn, dài hạn, phát hành trái phiếu và thuê tài chính ở thời điểm cuối năm 2015 hơn 35.000 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính đã kiểm toán), đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ hàng tiêu dùng (mì gói, nước mắm), thức uống (cà phê, nước suối, bia) cho đến khoáng sản.

Không riêng với Vissan, Masan từng mạnh tay cho nhiều khoản đầu tư các công ty hàng tiêu dùng. Chẳng hạn, tháng 4 năm ngoái, để sở hữu 99,9% vốn điều lệ của Sam Kim, công ty sở hữu 52% vốn ở Proconco và 70% vốn ở Anco, Masan đã rót gần 2.200 tỉ đồng. Sau khoản đầu tư này, Masan đã đổi tên Sam Kim thành Masan Nutri-Science và chính thức giữ vị thế thứ 2 trong thị trường thức ăn chăn nuôi giá trị 6 tỉ USD. Cũng đầu năm 2015, Masan chi 200 tỉ đồng để mua lại toàn bộ Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn từ tay Tập đoàn Quang Dũng. Đây là doanh nghiệp chuyên về sản xuất xúc xích.

Với các thương vụ đầu tư này, ngay trong năm 2015, mảng đạm động vật đã đóng góp lớn nhất, xấp xỉ 46% trong cơ cấu doanh thu Masan.

Masan và các thương vụ M&A: Những mảnh ghép không hoàn hảo

Cơ cấu doanh thu của Masan trong năm 2015

Sau đó, Masan đã tìm cách nâng sở hữu tại Proconco thông qua chiến lược mua lại cổ phiếu quỹ và để Kenji, một công ty con khác của Masan cùng tham gia. Tính đến tháng 1.2016, Masan đã sở hữu 75,2% vốn điều lệ ở Proconco. Đối với Anco, Masan cũng có những bước chuẩn bị nhằm gia tăng sở hữu thông qua mua quyền chọn. Masan có thể sẽ mua 30% vốn điều lệ còn lại tại Anco ngay trong năm nay.

Đi cùng với những kế hoạch gia tăng sở hữu, Masan dự kiến sẽ nâng công suất sản xuất thức ăn chăn nuôi lên thêm 30% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 25-30% mỗi năm.

Chiến lược trả giá khá mạnh tay, gia tăng sở hữu và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ cũng được Masan áp dụng cho các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, trong ngành đồ uống, Masan từng chi hơn 1.000 tỉ đồng để sở hữu 50,1% vốn điều lệ ở Vinacafe Biên Hòa vào năm 2011. Từ đó đến nay, thông qua công ty con, Masan đã nâng sở hữu lên 60,2% vốn ở Vinacafe. Dưới sự chi phối của Masan, Vinacafe đã có 2 năm 2011-2012 tăng trưởng ấn tượng.

Đối với khoản đầu tư tại Nước khoáng Vĩnh Hảo, sau khi chi ra khoảng 171 tỉ đồng để mua lại 24,9% vốn điều lệ ở Vĩnh Hảo vào tháng 2.2013, Masan thông qua công ty con đã tiếp tục gia tăng sở hữu và hiện giữ 84,2% vốn điều lệ. Cũng như Vinacafe, Vĩnh Hảo đã có một năm đầu “se duyên” cùng Masan rất thành công, với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng. Trong đó, mức tăng lợi nhuận từ 13,3 tỉ đồng năm 2012 lên 223 tỉ đồng năm 2013.

Phong độ lung lay

Tuy nhiên, không lâu sau, người ta sớm biết sự tăng trưởng “thần kỳ” của Vĩnh Hảo lại đến từ việc đánh giá lại tài sản ở Krôngpha, một công ty con mà Vĩnh Hảo nắm giữ. Nhờ việc đánh giá lại tài sản này và trừ đi các khoản thuế, Vĩnh Hảo đã phát sinh khoản lợi nhuận năm 2013 hơn 200 tỉ đồng.

Sang năm 2014, “kỳ tích” đã không tái diễn. Thay vào đó, Vĩnh Hảo vừa không đạt mục tiêu doanh thu vừa bị thua lỗ khoảng 1,6 tỉ đồng. Chưa có số liệu cả năm 2015 để biết kinh doanh của Vĩnh Hảo liệu đã cải thiện hay chưa. Còn riêng với Vinacafe, năm 2013, công ty này đã chứng kiến đà tăng doanh thu chững lại. Lãi sau thuế cũng đã giảm 27% vào năm 2015 còn 295,3 tỉ đồng.

Masan và các thương vụ M&A: Những mảnh ghép không hoàn hảo

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vinacafe Biên Hòa và Vĩnh Hảo trước và sau khi được Masan mua lại

Nhìn chung, trong mảng thực phẩm - đồ uống, Masan Consumer (MSC), công ty con của Masan, sở hữu hàng loạt thương hiệu như mì Omachi, nước mắm Chinsu, Vinacafe, nước khoáng Vĩnh Hảo, Quang Hanh đã có bước trầm lắng sau thời gian thăng hoa. Cụ thể, MSC đã kết thúc năm 2015 với doanh thu đi ngang, trong khi lợi nhuận giảm 15%, còn 2.900 tỉ đồng.

Masan đã nêu những khó khăn khách quan trong tiêu thụ sản phẩm, cũng như việc định nghĩa lại các ngành hàng, từ nước chấm thành hàng gia vị, mì ăn liền thành thực phẩm tiện lợi để lý giải cho sự chững lại ở MSC. Về phần lợi nhuận ở MSC, theo Masan, nguyên nhân sụt giảm đến từ nguồn thu tài chính. Từ năm 2011-2014, doanh thu tài chính của MSC luôn duy trì ở trên mức 1.000 tỉ đồng/năm. Nhưng năm 2015, do phải trả cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ, tiền mặt của MSC đã giảm 53,4%, chỉ còn 3.400 tỉ đồng.

Nhưng ít ra, Masan còn nhìn thấy “ánh sáng” từ mảng bia, với việc khánh thành nhà máy bia Hậu Giang vào cuối năm 2015, cho công suất gấp 2-3 lần, mang lại doanh thu hơn 706 tỉ đồng. Cùng sự tham gia rót vốn từ Singha, hãng bia nổi tiếng ở Thái Lan, mảnh kinh doanh này đã giúp các nhà đầu tư của Masan ít nhiều lạc quan trở lại.

Masan chỉ mới tham gia lĩnh vực bia từ tháng 9.2013, bắt đầu bằng việc thâu tóm gián tiếp Công ty Bia và Nước giải khát Phú Yên (Pybeco), một doanh nghiệp tương đối nhỏ trong ngành với giá khoảng 12 triệu USD (252 tỉ đồng). Từ Pybeco, Masan đã đổi tên Công ty thành Masan Brewery Phú Yên và tạo nhãn hiệu bia riêng mang tên Sư Tử Trắng.

Masan rót kinh phí lớn để làm quảng bá rầm rộ, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, hiệu quả marketing không đạt như mong đợi. Đến nay, thị trường tiêu thụ của Sư Tử Trắng chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Masan cũng chỉ mới dừng ở sản xuất bia lon chứ chưa làm bia chai và việc tìm kiếm bia Sư Tử Trắng ở các quầy tạp hóa là không dễ dàng.

Ngay cách thức bắt tay giữa Masan với Singha cũng gây thắc mắc, khi tập đoàn bia lớn nhất Thái Lan chỉ dự kiến rót 50 triệu USD. Phần còn lại trong tổng 1,1 tỉ USD mà Singha đầu tư sẽ được rót vào Masan Consumer Holding (MCH), thuộc Masan. Masan lý giải rằng chiến lược của Singha và Masan là kết hợp để xây dựng hệ thống toàn Đông Nam Á.

Rõ ràng, trong một thị trường bia đã có sự xác lập vị thế của những tên tuổi lớn, nổi đình nổi đám mấy chục năm qua như Tiger, Heineken hay bia Sài Gòn, mục tiêu tạo thương hiệu quốc gia, đạt tăng trưởng mảng bia gần gấp đôi vào năm 2016 của Masan là rất áp lực. Đối với những lĩnh vực khác, Masan cũng đề ra kế hoạch tăng trưởng 2 con số.

Tương lai M&A của Masan

Để đạt các con số tăng trưởng cao, Masan đã, đang và sẽ còn tiếp tục thực hiện các thương vụ đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

Năm 2015, ngoài những đầu tư mới cũng như gia tăng sở hữu như đã phân tích, Masan còn mua lại 65% vốn điều lệ ở Nước khoáng Quảng Ninh. Mục tiêu là kết hợp với Vĩnh Hảo để trở thành công ty nước khoáng nội lớn nhất Việt Nam. Nhưng khó cho Masan là họ phải đối đầu với những ông lớn đến từ nước ngoài như La Vie (Nestlé), Aquafina (PepsiCo), Dasani (Coca-Cola Việt Nam).

Masan và các thương vụ M&A: Những mảnh ghép không hoàn hảo

Hay như trong lĩnh vực mì gói, Acecook đang là tên tuổi dẫn đầu và giữ khoảng cách khá lớn so với Masan. Tương tự, nhiệm vụ giành thị phần trong mảng thức ăn chăn nuôi từ Tập đoàn C.P. không hề đơn giản khi ông lớn này có trong tay tất cả những công cụ làm nên sức mạnh: vốn, kinh nghiệm, quy mô sản xuất, thương hiệu, cho đến kênh bán lẻ, thiết lập các mối quan hệ bạn hàng.

Masan có thể bành trướng quy mô hoạt động thông qua các hoạt động M&A. Masan cũng rất tài tình trong việc thúc đẩy tăng trưởng nóng ở những công ty con. Nhưng thực tế cũng minh chứng, việc duy trì các con số kinh doanh tăng trưởng theo hướng ổn định, bền vững, cốt lõi và lâu dài vẫn là thách thức cho Masan.

Mất nguồn thu tài chính, Vĩnh Hảo tuột dốc. Và nếu không có lợi nhuận quý IV/2015 “níu lại”, cổ đông Vinacafe có lẽ sẽ cảm thấy khó khăn hơn. Bởi tính đến hết 9 tháng đầu năm 2015, Vinacafe mới chỉ hoàn thành hơn 15% kế hoạch lợi nhuận. Đây có lẽ là điều cổ đông ở Vinacafe, Vĩnh Hảo không tính đến khi 2 công ty này về với Masan.

Bức tranh kinh doanh cho Vinacafe, Vĩnh Hảo và các công ty con của Masan trong năm 2016 vẫn khó đoán định, dù lãnh đạo ở Masan đưa ra các kế hoạch, dự tính đầy hoành tráng. Trước mắt, số lượng công ty con của Masan đã không ngừng tăng. Nếu như năm 2014, Masan chỉ có 21 công ty con thì sang năm 2015, con số này là 43, theo báo cáo tài chính kiểm toán.

Ngoài gia tăng quy mô qua M&A, Masan còn lập thêm một số công ty mới như Masan HG, Mapleleaf, Masan Brewery HG. Đặc biệt, năm 2015, Masan cấu trúc lại công ty con theo hướng công ty con sở hữu trực tiếp (3 công ty) và công ty con sở hữu gián tiếp (40 công ty). Sự thay đổi này khiến việc tìm kiếm thông tin chi tiết ở các công ty con của Masan trở nên khó khăn hơn. Bởi theo lệ thường, doanh nghiệp sẽ không cần nêu con số tài chính của các công ty con sở hữu gián tiếp trong báo cáo hợp nhất.

Vissan hiện mới chỉ là công ty liên kết ở Masan, tương tự như Techcombank, Cholimex ở Masan. Nhưng với nguyện vọng của đôi bên, ngày Vissan về một nhà với Masan là điều ai cũng có thể thấy trước. Lợi thế cho người đi sau như Vissan là có thể nhìn vào diễn biến hậu M&A ở các công ty con của Masan để có tính toán, điều chỉnh nước cờ phù hợp hơn.

Ngọc Thủy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư