Hàng không nội địa khó có biến

Thị trường hàng không nội địa chưa có sự thay đổi lớn trong vòng 4 năm tới, dù sắp có sự góp mặt của 2 hãng hàng không mới là Vietstar Airlines và Skyviet.

Mới mà cũ

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Công ty cổ phần Hàng không Skyviet đã chạm một tay tới giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại - hai điều kiện pháp lý quan trọng nhất để một hãng hàng không có thể cất cánh.

“Hồ sơ xin cấp 2 giấy phép này của Skyviet đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các quy định về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác và tổ chức bộ máy đảm bảo khai thác”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong văn bản báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt đầu tuần này.

Nhiều khả năng, Skyviet có 2 giấy phép nói trên vào giữa tháng 4/2016, tức là chỉ sau khoảng 30 ngày kể từ khi hãng hàng không này được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp đăng ký kinh doanh.

Hàng không nội địa khó có biến

Trong cơ cấu vốn điều lệ 300 tỷ đồng của Skyviet, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) góp 51% bằng tài sản hiện hữu do Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) đang quản lý và khai thác, gồm kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72 (99,2 tỷ đồng) và 53,7 tỷ đồng tiền mặt. Hai cổ đông còn lại là Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) góp 48% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Phát triển dự án Techcomdeveloper góp 1% vốn điều lệ.

Do được thành lập trên cơ sở kế thừa và tiếp thu cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có của Vasco, Skyviet có thể bay ngay sau khi có giấy phép, với đội bay được xác định là 10 chiếc ATR72. Đây cũng là lý do mà hành trình xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung của Skyviet thuận lợi hơn so với lộ trình kéo dài hơn 2 năm của Công ty cổ phần Hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines).

Với việc thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines, phản hồi ý kiến cho rằng, có chuyện “lách luật” khi Cục Hàng không Việt Nam chấp nhận Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, thay vì văn bản xác định vốn của tổ chức tín dụng, ông Cường khẳng định, tất cả đều được thực hiện theo đúng quy định.

Cụ thể, tháng 8/2015, khi đệ trình Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines chưa có văn bản xác nhận vốn cũng chưa nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Tuy nhiên, khi thẩm định hồ sơ, nhận thấy trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã thực hiện xác nhận vốn khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp CTCP, nên Cục Hàng không Việt Nam đã sử dụng kết quả của thủ tục hành chính này thay cho văn bản xác nhận vốn.

Hàng không nội địa khó có biến

Bên cạnh đó, theo ông Cường, Vietstar Airlines không phải là hãng hàng không thành lập mới mà là hãng hàng không đang hoạt động, nên thực chất phải áp dụng khoản 4, Điều 14, Nghị định 30/2013/NĐ-CP, tức là có bản chính văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc văn bản hợp pháp chứng minh về số vốn pháp định của doanh nghiệp.

Chưa đóng lại thị trường

“Do tính chất và quy mô đội bay, nên sự tham gia của 2 hãng hàng không mới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị phần hàng không trong 3-5 năm tới”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói.

Trong phương án kinh doanh, Skyviet sẽ tiếp tục duy trì khai thác các máy bay ATR72 đi/đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp (Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang), với sản lượng vận chuyển khách trong 9 tháng đầu năm 2016 chỉ là 465.659 khách, sau đó sẽ tăng lên khoảng 650.338 khách vào năm 2018. Dự kiến, công ty mới có lãi ngay từ năm đầu với mức lợi nhuận tăng dần trong các năm tiếp theo. Hiệu quả hoạt động của Vasco cho cả giai đoạn 2016 - 2018 dự kiến đạt 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi của Vasco chủ yếu đến từ doanh thu bổ trợ (quảng cáo, bán quà lưu niệm); thuê chuyến; dịch vụ tàu bay nhỏ.

Trong khi đó, trong 5 năm đầu hoạt động, Vietstar Airlines dự kiến khai thác đội tàu bay chỉ với chiếc Boeing 737/Airbus320 vừa kết hợp chở khách, vừa chở hàng, nên khó tạo ra cú hích đáng kể. Ông Thanh đánh giá, đóng vai trò “dẫn dắt” thị trường hàng không nội địa giai đoạn 3-5 năm tới vẫn là Vietnam Airlines và VietJet Air.

Đóng vai trò “dẫn dắt” thị trường hàng không nội địa giai đoạn 3-5 năm tới vẫn là Vietnam Airlines và VietJet Air.

Trong tờ trình phê duyệt Quy hoạch Vận chuyển hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông - Vận tải, định hướng chính trong quy hoạch doanh nghiệp vận tải đã thay đổi so với quy hoạch năm 2009. Theo đó, ngoài việc phát triển Vietnam Airlines thành nòng cốt của vận tải hàng không; tiếp tục tạo điều kiện để VietJet, Jetstar Pacific, Vasco, Vietstar Airlines phát triển, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Chính phủ khuyến khích thành lập, phát triển các hãng kinh doanh vận chuyển hàng không chung, hãng hàng không chở hàng riêng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, với quy mô thị trường khoảng 113 triệu lượt hành khách và 2,8 triệu tấn hàng hóa vào năm 2020, không dễ để những “người mới” có thể chen chân giành thị phần khi cả 3 tên tuổi lớn là Vietnam Airlines, VietJet và Jetstar Pacific đều đã lên kế hoạch mở rộng đội tàu bay. “Trong kinh tế thị trường, việc có thêm các hãng hàng không mới sẽ góp phần gia tăng cạnh tranh, giúp thị trường phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cấp phép cũng cần dựa trên quy hoạch, tính toán khả thi để tránh dư thừa cung tải”, một chuyên gia nói.

Anh Minh
Nguồn Báo Đầu Tư