Thị trường bán lẻ: Đến thời hàng Nhật
Cùng với hàng Thái, sắp tới đây hàng Nhật sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam khi các doanh nghiệp (DN) Nhật tích cực "khai phá” ngành bán lẻ cũng như tìm cách tận dụng lợi thế TPP từ Việt Nam.
"Khai phá” cửa hàng tiện lợi
Xác định sẽ tăng cường sự hiện diện ngày càng sâu rộng vào thị trường Việt Nam, mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hayashi Motoo đã dẫn đầu một đoàn DN đến khảo sát thị trường bán lẻ Việt Nam. Cùng đi với ông Hayashi Motoo là các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực thực phẩm, bánh kẹo, đồ dùng gia đình... và các "đại gia" bán lẻ Nhật như FamilyMart, Mini Stop, 7 Eleven, Lowson.
Mục tiêu mà cơ quan quản lý và DN Nhật hướng đến trong lần này là "khai phá” cửa hàng tiện lợi (CHTL) - một kênh bán hàng đang phát triển tại Việt Nam.
Bởi theo nghiên cứu của Nielsen, thói quen mua bán nhỏ, tiện lợi và nhanh gọn là hình thức thương mại chủ yếu của người Việt. Hiện nay, sức mua của người Việt tại các cửa hàng tiện ích, tạp hóa và chợ chiếm đến 80%, chỉ 20% thuộc về các siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo các DN Nhật, Việt Nam là một thị trường lớn với trên 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập đang tăng mạnh là điều kiện tốt để phát triển mảng bán lẻ. Đặc biệt, việc Việt Nam là thành viên của TPP cũng là lợi thế để Nhật đẩy mạnh việc đưa hàng vào thị trường này.
Ông Yasuzumi Hirotaka - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam chia sẻ với báo giới tháng trước đã cho biết các DN Nhật sẽ đẩy mạnh đưa hàng hóa như bánh kẹo, nông sản, nguyên liệu, thực phẩm Nhật... vào Việt Nam.
Trước khi các quan chức Nhật thực hiện chiến dịch này, hàng Nhật bằng nhiều hình thức đã xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Trong đó, thông qua đường tiểu ngạch, hàng Nhật đã có mặt ở kênh bán hàng online với những loại thực phẩm như mù tạt, mì ống, rong biển, bánh kẹo...
Các món ăn như lẩu osechi, sushi, sashimi... ngày càng phổ biến và được "chào hàng" người tiêu dùng Việt qua các kênh bán hàng groupon như Mua chung, Nhóm mua... Đây là cách thức xâm nhập rất bài bản, đánh vào thị hiếu giới trẻ - những người tiêu dùng tiềm năng.
Hiện hàng Nhật rất được người tiêu dùng Việt ưa thích. Tại chuỗi 26 siêu thị Aeon Citimart, sức mua các loại thực phẩm và hàng tiêu dùng thương hiệu Top Value (hàng độc quyền của Aeon) đang tăng cao. Trước nhu cầu này, Tập đoàn Aeon đã tăng cường việc đưa hàng Nhật vào hệ thống phân phối của mình tại Việt Nam.
Trong đó, vào cuối năm 2015, Công ty Aeon Việt Nam đã nhập táo Nhật Bản thương hiệu Aomori về bán tại 75 siêu thị của Aeon (Aeon Fivimart, Aeon Citimart...), sau lệnh cấm nhập khẩu từ năm 2011. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc hệ thống siêu thị Aeon Citimart, cho biết, bên cạnh hàng Việt, Aeon Citimart đang đẩy mạnh kinh doanh hàng Nhật.
Mở rộng chuỗi bán hàng
Với cách làm của DN Nhật, hàng hóa nước này chắc chắn sẽ bám rễ sâu rộng tại thị trường Việt Nam. Bởi, DN Nhật không chỉ tự thân vận động mà còn được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chức năng.
Thực hiện việc đưa hàng vào Việt Nam lần này, Chính phủ và các DN Nhật chuẩn bị khá kỹ các khâu, từ hạ tầng xã hội, dịch vụ thanh toán và kênh phân phối. Các cơ quan chức năng Nhật còn thành lập bộ phân chuyên trách để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ.
Cụ thể, các ngân hàng cùng các công ty tư vấn, lãnh sự quán Nhật tại Việt Nam cung cấp các thông tin hữu ích cho DN, tư vấn các vấn đề liên quan đến thủ tục, nhân sự, thậm chí là hỗ trợ trong việc xin giấy phép đầu tư.
Trước mắt, hàng Nhật sẽ được đưa vào các chuỗi CHTL của Nhật tại Việt Nam là Mini Stop và FamilyMart. Các cơ quan quản lý nước này cho biết sẽ hỗ trợ các CHTL, định hướng sản phẩm cho các cửa hàng này đưa ra thị trường để mở rộng thị trường càng nhanh càng tốt.
Thông tin thú vị mà những thành viên của đoàn khảo sát Nhật Bản cho biết là thương hiệu 7 Eleven - hệ thống CHTL lớn nhất Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam vào năm 2017.
Cùng với chiến lược đưa hàng vào CHTL, các cơ quan quản lý của Nhật cũng đưa ra lộ trình thâm nhập bằng việc mở rộng chuỗi.
Theo JETRO, cả hai chuỗi Mini Stop và FamilyMart hiện có khoảng 130 cửa hàng, còn khiêm tốn so với lượng CHTL tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 11 tới, sẽ tăng lên 200 cửa hàng và tại các cửa hàng này sẽ có quầy sản phẩm Nhật Bản với 50 - 60 loại sản phẩm.
Số lượng CHTL của Nhật ở Việt Nam chưa đến 200 nhưng con số này sẽ tăng lên 500, thậm chí là 1.000 trong tương lai gần.
Ông Yasuzumi Hirotaka cho biết, hiện tại, số lượng CHTL của Nhật ở Việt Nam chưa đến 200 nhưng con số này sẽ tăng lên 500, thậm chí là 1.000 trong tương lai gần. Trong đó, chỉ riêng Mini Stop đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng.
"Khi đó, lượng sản phẩm Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Đây là kênh nắm bắt thị hiếu khách hàng tốt nhất", ông Yasuzumi Hirotaka nói.
Trên thực tế, năm 2012, trước khi chính thức có mặt tại Việt Nam, CEO Tập đoàn Aeon Motoya Okada đã tuyên bố sẽ làm thay đổi phong cách mua sắm của người Việt bằng phương châm "cắm rễ và sống với dân địa phương" để hiểu rõ nhu cầu mua sắm của người dân Việt Nam.
Và hiện tại, Aeon đã từng bước chứng minh được điều đó thông qua chuỗi siêu thị Aeon và các hệ thống mà Aeon sở hữu cổ phần là Aeon Citimart và Aeon Fivimart.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, cho rằng, đây là cách thăm dò thị trường của DN Nhật. Và khi sở hữu hệ thống bán lẻ thì các nhà sản xuất sẽ thông qua những kênh này để đưa hàng vào Việt Nam.
Bởi vậy, khi hệ thống 7 Eleven xuất hiện thì cùng với những chuỗi đã có mặt là Mini Stop, FamilyMart sẽ cạnh tranh trực diện và gây không ít khó khăn cho các cửa hàng tạp hóa Việt Nam.
Khi đó, bằng sự tiện lợi và chất lượng dịch vụ tốt, các thương hiệu bán lẻ Nhật sẽ có nhiều cơ hội hơn để đẩy mạnh tiêu dùng hàng Nhật tại Việt Nam.
Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn