Johnson&Johnson “lún sâu” vào khủng hoảng phấn rôm

Sau vụ bồi thường 72 triệu USD cho gia đình nạn nhân Jacqueline Fox, mới đây Johnson&Johnson lại gặp phải đơn cáo buộc từ hơn 1.000 phụ nữ về vấn đề này, theo thông tin từ Bloomberg.

Johnson&Johnson đã phải chi hơn 5 tỷ USD để giải quyết các vụ khiếu nại về thiết bị y tế và đồ dùng trẻ em từ năm 2013, theo thông tin từ Bloomberg.

Khi đó, công ty này đã đồng ý trả 2,2 tỷ USD để giải quyết các cáo buộc về việc buôn bán bất hợp pháp Risperdal, một loại thuốc chống loạn thần cho trẻ em và người cao tuổi.

Đây cũng là một trong những khoản tiền phạt cao nhất về hành vi gian lận y tế trong lịch sử Mỹ. Đồng thời, công ty cũng từng trả 2,8 tỷ USD để giải quyết vụ kiện về thiết bị chèn hông nhân tạo.

Mới đây, hơn 1.000 phụ nữ và gia đình của họ đã kiện Johnson&Johnson và IMERYS vì các sản phẩm liên quan đến căn bệnh ung thư buồng trứng sau khi công ty này phải bồi thường 72 triệu USD cho gia đình một người phụ nữ tử vong vì căn bệnh ung thư, theo thông tin từ Bloomberg.

Johnson&Johnson “lún sâu” vào khủng hoảng phấn rôm

Phấn rôm Baby Power của Johnson&Johnson

Được biết, bồi thẩm đoàn bang Missouri đã đưa ra phán quyết này với Johnson do cái chết của nạn nhân được chứng minh rằng có liên quan tới việc sử dụng phấn rôm Baby Powder và sữa tắm Shower to Shower trong nhiều năm.

Theo phán quyết của tòa án, công ty Johnson sẽ phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Jacqueline Fox 10 triệu USD vì những thiệt hại thực tế và 62 triệu USD tiền phạt bổ sung.

Vụ việc này đã khiến Johnson&Johnson bị tổn lại nặng nề về uy tín và “nếu dùng sai cách để bảo vệ hoạt động kinh doanh, rất có thể họ sẽ đưa toàn bộ thương hiệu Johnson&Johnson đến nguy cơ sụp đổ”, Julie Hennessy, một giáo sư marketing tại Trường Quản lý Kellogg Northwestern cho biết.

Nhiều khả năng, phấn rôm Baby Power của Johnson có chứa Talc, một trong những khoáng chất mềm nhất trên trái đất, có khả năng hấp thụ mùi và độ ẩm. Hóa chất này thường được sử dụng trong các loại phấn rôm em bé, với thành phần chính bao gồm magiê, silic và oxy.

Được biết, Talc cũng được sử dụng trong phấn mắt, phấn má hồng và kẹo cao su, nhưng chủ yếu là nó được sử dụng trong gốm, sơn, giấy, nhựa và cao su. Tuy nhiên, loại bột này chỉ nên sử dụng ở ngoài da và Johnson&Johnson cần cảnh báo người dùng không nên hít hoặc sử dụng cho những mục đích khác.

Johnson&Johnson “lún sâu” vào khủng hoảng phấn rôm

Hình ảnh quảng cáo "phấn rôm an toàn với cả gia đình" của Johnson&Johnson.

Ngược lại, công ty này còn khuyến khích người lớn sử dụng phấn rôm và sữa tắm em bé của mình với những lời quảng cáo như “an toàn, dịu nhẹ cho bé cũng như cho mẹ”. Vì vậy, có tới 70% khách hàng sử dụng phấn rôm Baby Power của Johnson&Johnson tại thị trường Mỹ là phụ nữ, Bloomberg cho biết.

Thậm chí, họ còn khuyến khích người dùng sử dụng sản phẩm này để vệ sinh phụ nữ, trong khi các nhà nghiên cứu Anh đã công bố bột Talc có thể gây ra căn bệnh ung thư buồng trứng từ năm 1971.

Vào năm 1982, một nghiên cứu trên tạp chí Ung thư của Daniel Cramer, một nhà dịch tễ học tại Brigham & Bệnh viện phụ sản ở Boston cũng đã cho thấy sự liên kết giữa việc sử dụng phấn rôm và căn bệnh ung thư buồng trứng.

Những cáo buộc mới nhất về Johnson&Johnson cũng bao gồm việc công ty này đã “biết về nguy cơ gây ung thư trong các sản phẩm của họ kể từ năm 1980” thế nhưng họ đã lừa dối công chúng và các cơ quan quản lý.

Nguyễn Thắm
Nguồn Biz Live