Tổng giám đốc Vissan: 'Vẫn để phân khúc cao cấp cho đối thủ'
Sau phiên IPO, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã có những chia sẻ với chúng tôi về đối tác mới và kế hoạch tiếp theo của doanh nghiệp.
* Anco trở thành đối tác chiến lược của Vissan sau phiên đấu giá cổ phần được đánh giá là bất ngờ. Ông nghĩ như thế nào về kết quả này?
Nói thật, kết quả này không làm tôi bất ngờ vì Anco là đối tác thể hiện quyết tâm lớn nhất trong thương vụ này. Họ tìm hiểu rất kỹ phương hướng chiến lược của Vissan và duy trì sự đồng nhất trong quá trình phát triển của mình.
Đây cũng là đối tác mà Vissan kỳ vọng trúng đấu giá nhất vì đơn vị này chi phối được thị trường, duy trì được sự ổn định an sinh xã hôi. Chính điều này khiến SATRA cũng như Vissan cảm thấy hài lòng nhất.
* Vì sao ông lại cho rằng đó là lựa chọn tốt để thỏa mãn chiến lược phát triển?
Cả ba nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá hôm nay đều đã được Vissan lựa chọn và sàng lọc kỹ nên họ đều đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, tôi theo dõi Anco kỹ nhất. Theo tìm hiểu của tôi, doanh nghiệp này đang đầu tư một trang trại lớn để chăn nuôi heo. Bên cạnh đó, họ còn có lợi thế về nguồn thức ăn gia súc. Những yếu tố nói trên đều là điều Vissan đang muốn sở hữu để kiện toàn chuỗi 3F mà mình đang xây dựng.
Quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi tham gia vào hội nhập là điều các doanh nghiệp lo lắng. Tuy nhiên, khi làm đối tác của Anco thì những vấn đề này không quá quan trọng mà thay vào đó là cộng hưởng được sức mạnh trong cạnh tranh. Anco chính là mảnh ghép còn thiếu của Vissan.
* Trước mắt, đối tác chiến lược mới sẽ hỗ trợ Vissan những gì?
Cuối tháng 4 này chúng tôi sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần đầu tiên và sẽ bầu ra HĐQT mới. Hy vọng điều này sẽ tạo nên một sức mạnh mới trong quản trị.
Sau đó, chúng tôi sẽ đầu tư lớn cho cụm công nghiệp chế biến tại Long An với 6 nhà máy nhỏ, đồng thời xây dựng các trang trại mới để phục vụ quy định truy xuất nguồn gốc. Đó là việc trước mắt mà Vissan cùng các nhà đầu tư chiến lược cần làm để tạo nên tiếng nói chung.
* Hiện nay việc xây dựng trang trại để truy xuất nguồn gốc chỉ cung ứng được 10% cho hoạt động sản xuất của Vissan. Sau khi bắt tay cùng các đối tác mới thì có kế hoạch mở rộng trang trại để gia tăng tỷ lệ cung ứng?
Tôi nghĩ rằng với chiến lược của chúng tôi, không hẳn là phải cung cấp hết nguyên liệu để sản xuất mà chỉ định hướng kế hoạch.
Vissan không xây dựng giá rẻ mà chính là giá cả hợp lý, vừa phải và hợp với giá trị và chất lượng sản phẩm.
Trong đó, chúng tôi sẽ thúc đẩy các vùng kinh tế trong chăn nuôi để các khu vực đó có thể phát triển tốt. Nếu TP HCM là trung tâm tiêu thụ lớn và xuất khẩu thì sẽ thúc đẩy kinh tế vùng phát triển. Nếu chúng ta chỉ co cụm lại làm một mình thì không phải là trách nhiệm của một doanh nghiệp lớn, điều chúng ta cần chính là doanh nghiệp phải thúc đẩy kinh tế của cả vùng mà họ đầu tư.
Trong điều kiện hội nhập như hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm như là một con đường bắt buộc mà chúng ta phải đi theo để đảm bảo giá thành cạnh tranh. Do đó, những cái bắt tay lớn để hoàn thiện vấn đề này là điều nên làm mà doanh nghiệp là chủ thể của quá trình vận động này.
* Hiện nay, các doanh nghiệp thực phẩm đã tiến sát tới mô hình 3F rồi thì chiến lược giá được xây dựng ra sao, thưa ông?
Ở bất cứ thị trường nào, người tiêu dùng cũng mong muốn có được giá cả ổn định. Vissan không xây dựng giá rẻ mà chính là giá cả hợp lý, vừa phải và hợp với giá trị và chất lượng sản phẩm.
Chiến lược giá ra sao không còn là một rào cản cho việc tiêu thụ hàng hóa. Mức độ nghiêm ngặt trong sản xuất và chất lượng mới là yếu tố quyết định lượng tiêu thụ. Vissan đang xây dựng mức giá tầm trung nhưng luôn đặt mục tiêu giữ giá ổn định.
* Khi đã được hỗ trợ từ nguồn lực mới thì cơ cấu sản phẩm cao cấp có được doanh nghiệp tính toán lại cho hợp lý?
Mỗi giai đoạn phát triển sẽ có một định hướng cơ cấu sản phẩm khác nhau. Hiện nay, sản phẩm chủ đạo của chúng tôi vẫn đang ở cấp trung và trung cao. Điều này phù hợp với khả năng cũng như sở trường của Vissan trong bối cảnh hiện tại.
Còn phân khúc sản phẩm cao cấp chúng tôi sẽ nhường lại cho đối thủ khác có ưu thế hơn về sản xuất. Hiện nay, đa số người tiêu dùng vẫn tập trung ở phân khúc trung cao. Nếu trong tương lai duy trì được mức phát triển tốt thì chúng tôi sẽ tính toán xây dựng những nhãn hiệu riêng cao cấp hơn của Vissan.
* Chiến lược xây dựng phân phối sắp tới ra sao khi doanh nghiệp đã mở rộng quy mô và trở thành công ty đại chúng?
Kênh phân phối là giá trị tăng thêm của doanh nghiệp được hiểu trong cơ chế thị trường.
Hiện tại, chúng tôi đã chuyển đổi từ 1.000 đại lý sang 100 nhà phân phối, đây sẽ là hệ thống quản lý 130.000 điểm bán trên toàn quốc.
Đây là giá trị mà nhiều nhà đầu tư họ cũng đang mong đợi. Điều quan trọng là kênh phân phối cần dược cập nhật công nghệ mới, cập nhật hình thái quản trị tiên tiến thì mới duy trì được sự phát triển.
* Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên
Nguồn Zing News