Thị trường đồ chơi: Ghép hình tỷ đô
Với quy mô thị trường lên tới hơn 5 tỷ USD/năm, tỷ lệ trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm gần 40% trong số gần 90 triệu dân, cộng với mức sống đang được nâng cao, thị trường đồ chơi Việt Nam đang đón nhận sự gia tăng của các thương hiệu đồ chơi trên thế giới với chiến lược đầu tư lâu dài, sau một thời gian dài bị đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ý thức về an toàn nên đã quay lưng với đồ chơi Trung Quốc và chọn mua đồ chơi của các hãng nước ngoài có thương hiệu uy tín.
Mặt khác, xu hướng phát triển các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị lớn như Aeon, Lotte, SC Vivocity, VinMart... đã tạo cơ hội cho chuỗi cửa hàng đồ chơi phát triển theo.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Nam Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư N2T: "Dù thị trường đồ chơi Việt Nam được đánh giá tiềm năng nhưng chỉ thực sự khởi sắc ba năm trở lại đây do mức sống trong xã hội nâng cao, nhiều phụ huynh quan tâm vấn đề sức khỏe cũng như ý thức hơn trong việc chọn đồ chơi cho con, nhất là khi thông tin đồ chơi Trung Quốc kém chất lượng gây hại cho sức khỏe trẻ em".
Tìm hiểu một số doanh nghiệp (DN) lớn đang phân phối đồ chơi cho thị trường trong nước như Việt Tinh Anh, chuyên phân phối Lego, Công ty Petrosetco phân phối đồ chơi Đức, Phú An Điền chuyên hàng Nhật Bản..., ông Thành tiết lộ: "Hầu hết đều đạt tăng trưởng hai con số trong ba năm gần đây".
Ông Thomas Joseph Ngo, Tổng giám đốc Công ty Nkid Group, đơn vị phân phối đồ chơi cho Hãng Mattel (Mỹ) với các thương hiệu nổi tiếng như Hot Wheels, Barbie, Fisher Price..., cũng cho biết: "Những năm qua, kinh doanh của chúng tôi rất thuận lợi. Một phần nhờ mức sống tăng, người tiêu dùng ngày càng ý thức cao về an toàn sức khỏe nên chọn mua đồ chơi của các hãng có thương hiệu uy tín, mặt khác nhờ xu hướng phát triển các TTTM, siêu thị lớn như Aeon, Lotte, SC Vivocity, VinMart..., tạo cơ hội cho chuỗi cửa hàng đồ chơi phát triển theo. Doanh thu của Nkid mỗi năm tăng trưởng 50% là nhờ đi theo hệ thống siêu thị và TTTM. Với kế hoạch tiếp tục mở rộng kênh bán lẻ, doanh thu của chúng tôi kỳ vọng sẽ còn tăng".
Theo ông Thomas Ngo, các TTTM lớn rất chú trọng việc hợp tác với các thương hiệu nước ngoài có uy tín, tên tuổi nên việc mở kênh phân phối tại các TTTM này khá thuận lợi. Thực tế, nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn chỉ đắt hơn đồ chơi Trung Quốc 20 - 30% nên nhiều phụ huynh vẫn chấp nhận.
Tuy không thuận lợi như Nkid do đi vào phân khúc "đồ chơi giáo dục" và thương hiệu made in Việt Nam, nhưng nhờ kịp thời chuyển hướng bán lẻ vào kênh online và bán trực tiếp cho các trung tâm giáo dục quốc tế nên N2T, với thương hiệu Tahuky, cũng đã có kết quả tăng trưởng khả quan sau gần 6 tháng khó khăn.
Ông Nam Thành tiết lộ: "Doanh thu của Công ty đang tốt lên và sẽ tiếp tục khả quan do N2T vừa thắng hợp đồng cung cấp sản phẩm cho hai đơn vị giáo dục lớn nhờ giá cả phải chăng và sản phẩm chất lượng".
Khi chọn phân phối đồ chơi thông minh nhập từ Đức như FisherTechnik, FischerTip, Eitech, Teifoc, Revensburger, Big, Ferbedo và Kettler, Công ty CP Dịch vụ phân phối tổng hợp Dầu khí (Petrosetco-PSD) nhận định, thị trường đồ chơi an toàn và chất lượng tại Việt Nam còn rất trống nên chỉ cần có 2% thị phần, PSD sẽ có 7,7 triệu USD mảng đồ chơi thông minh.
2 triệu đồng
Theo Công ty FTA, các bà mẹ ở hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội chỉ trung bình 2 triệu đồng/tháng để mua đồ chơi cho trẻ.
Đại diện truyền thông của siêu thị Lotte Mart cũng cho biết: "Doanh thu của các cửa hàng đồ chơi tại siêu thị đóng góp rất ổn định vào mức tăng trưởng chung của siêu thị, ngay cả khi hệ thống mở rộng ra các tỉnh thì doanh thu của các công ty vẫn tăng trưởng ổn định".
Không chỉ lạc quan ở mảng phân phối, nhiều công ty sản xuất đồ chơi nước ngoài đã bắt nhịp thị trường đang tăng trưởng cũng như những lợi thế tại Việt Nam như giá nhân công chỉ bằng một phần ba so với ở Trung Quốc, giá nguyên vật liệu rẻ để chuyển hướng sản xuất tại Việt Nam.
Đơn cử như Công ty Banco, một chi nhánh của Công ty Namco Bandai, đã mở nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Hải Phòng để xuất khẩu sang châu Âu.
Tương tự, Tập đoàn Takara Tomy (Nhật Bản) sau nhiều năm mở nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, nay đã mở ba nhà máy sản xuất đồ chơi tại Hải Phòng. Hiện 1/3 sản phẩm của Công ty xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu đều được sản xuất tại Việt Nam.
Thị trường đồ chơi của Việt Nam, từng được ước tính trên 1 tỷ USD/năm. Do thị trường tiềm năng nên có khá nhiều công ty chen chân vào lĩnh vực nhập khẩu và phân phối đồ chơi dẫn đến cạnh tranh nóng với giá cả và chất lượng chênh lệch và khó phân biệt, nhất là khi phải cạnh tranh với đồ chơi Trung Quốc về giá.
Đơn cử như Công ty CP Đồ chơi Phương Nga đã từng phải đối mặt với khó khăn khi thời điểm trước năm 2013, giá bán đồ chơi ngoại nhập chỉ ở mức phổ biến khoảng 300 ngàn đồng/món, trong khi nhiều sản phẩm của Công ty có giá từ 500 ngàn - 1 triệu đồng, dẫn đến kết cuộc Phương Nga phải bán cổ phần cho Công ty Nkid.
Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn