8 chiến lược đưa McDonald’s trở thành gã khổng lồ ăn nhanh toàn cầu
Một điều mà nhiều người thừa nhận là McDonald’s đã tạo ra một trong những mô hình kinh doanh vĩ đại nhất.
Khi Ray Kroc trở thành đại lý nhượng quyền cho Richard và Maurice McDonald’s năm 1955, ít ai nghĩ rằng công ty sẽ trở thành “gã khổng lồ” với hơn 35.000 cửa hàng tại 119 nước và vùng lãnh thổ.
Dưới đây là 8 chiến lược đã đưa McDonald’s đến vị trí thống trị toàn cầu.
1. Duy trì sự ổn định và đồng nhất
Bất kể ở nơi nào trên thế giới, bạn đều có thể chắn chắn rằng khi đi vào cửa hàng McDonald’s, bạn sẽ có một trải nghiệm giống nhau về thực đơn, bao gói đồ ăn và thiết kể của nhà hàng. Năm 1961, Ray Kroc khởi động Đại học Hamburger (Hamburger University) như một nhà trường đào tạo nhằm nhấn mạnh “quy trình điều hành nhà hàng, dịch vụ, chất lượng và vệ sinh đồng nhất”. Ngày nay, các cửa hàng nhượng quyền đều tham dự chương trình để tiếp thu và thực hiện tầm nhìn của Ray Kroc.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những chương trình loại này không chỉ củng cố sự đồng nhất mà còn giúp tăng năng suất.
2. Thiết lập sự hiện diện của thương hiệu
McDonald’s đã làm một công việc tuyệt vời trong việc thiết lập sự hiện diện thương hiệu. Nhưng vượt xa hơn slogan “Golden Arches” và “I’m Lovin’ It”, McDonald’s đã tạo ra những trải nghiệm cảm xúc giúp chúng ta trở lại thời thơ ấu. Kể cả khi chúng ta nhận thấy rằng ngoài kia có những sản phẩm tốt hơn, nhưng phần lớn chúng ta đều giữ mối gắn kết với McDonald’s - đó là lý do tại sao bạn nghe thấy rất nhiều người nói rằng họ “yêu” món khoai tây chiên của McDonald’s. Món ăn này có hình thức và hương vị đồng nhất đến mức bất kể bạn ở đâu, khi thưởng thức, bạn đều không thấy sự khác biệt.
Sự hiện diện thương hiệu mạnh mẽ giúp doanh nghiệp của bạn tạo dựng niềm tin và dấu ấn trong tâm trí khách hàng - dần dần biến họ thành những người ủng hộ bạn suốt đời.
3. Mạo hiểm
Mặc dù McDonald’s luôn duy trì sự đồng nhất và ổn định, công ty cũng không sợ phải mạo hiểm và phá cách thực đơn. Thực đơn nguyên bản chỉ gồm hamburger, cheeseburger (thịt băm lẫn phô mai), khoai tây rán kiểu Pháp, sữa trứng đã khuấy và các loại đồ uống. Qua nhiều năm, McDonald’s đã bổ sung các món ăn sáng, the Happy Meal, McNuggets, Filet-O-Fish, xa-lát và McRibs.
Tuy gặp nhiều thất bại như với McLobster và McPizza, song nếu không mạo hiểm, McDonald’s có lẽ đã không thể trở thành gã khổng lồ toàn cầu như ngày nay.
4. Thích ứng với khẩu vị thay đổi của khách hàng
Lý do mà McDonald’s sẵn sàng mạo hiểm là công ty nhận thấy việc điều chỉnh và thích ứng với nhu cầu và mong muốn của khách hàng mang ý nghĩa sống còn. Ví dụ, công ty loại bỏ lựa chọn Super Size và bắt đầu cung cấp những lựa chọn lành mạnh hơn khi nhận thức về đồ ăn lành mạnh của người tiêu dùng ngày càng tăng. Hơn nữa, công ty cũng cung cấp những món ăn dựa vào thị hiếu của người dân địa phương.
5. Hoàn thiện nghệ thuật bán hàng chéo
Bán hàng chéo là khi bạn lấy sản phẩm bạn sẽ mua và cùng lúc quảng bá cho sản phẩm khác. Nghe có vẻ quen thuộc? Chắc chắn rồi. McDonald’s đang sở hữu hệ thống bán hàng chéo nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Đây là cách thức tuyệt vời để tăng doanh số bán, nhưng đảm bảo rằng bạn không khiến khách hàng choáng ngợp. Hãy đợi thực khách gọi món đầu tiên, hỏi thêm thông tin về việc bán hàng và nhận ra tại sao việc này gia tăng giá trị cho lần mua cuối cùng.
6. Học cách làm việc với mọi người
Nhân viên tại McDonald’s không chỉ làm việc và tiếp xúc với công chúng mà còn phải biết cách làm việc với đồng nghiệp. Mặc dù các tình huống làm việc và trò chuyện thân mật với người khác rất có giá trị đối với mọi doanh nghiệp, song nhiều cựu nhân viên McDonald’s sẽ nói bạn rằng cách đối xử cẩn trọng với nhau đóng góp rất lớn vào thành công của họ.
Nữ Hạ nghị sĩ bang Ohio Marica Fudge phát hiện ra rằng thời gian bà làm việc tại McDonald’s đã giúp bà có khả năng “đánh giá được mối lo ngại của mọi người, hướng dẫn họ đi qua quy trình cần thiết, xin lỗi nếu một điều gì đó không phải xảy ra - và giữ bình tĩnh cũng như quan điểm nếu một ai đó có hành động bất thường”.
McDonald’s cũng trao cho các nhà lãnh đạo cơ hội giúp thành viên nhóm của mình thành công. Khi còn là nhà quản lý tại McDonald’s, Andrew Card - sau này trở thành người đứng đầu đội ngũ giúp việc cho Tổng thống George W.Bush - từng nói “Công việc của tôi là xác định cách thức tôi có thể giúp từng đứa trẻ thành công”. Nếu nhân viên không vui hoặc không có kỹ năng trong việc nấu nướng, người quản lý có thể điều chuyển họ sang quầy thu ngân để có thể phát huy hết thế mạnh và sở thích của họ.
7. Phát hiện, xếp đúng vị trí và phát huy tài năng
Bạn có biết 40% lãnh đạo cao cấp của McDonald’s thực sự bắt đầu từ vị trí nhân viên theo giờ? Đó là vì công biết biết cách phát hiện tài năng và khai thác “tài năng tiềm ẩn” của nhân viên. Sau đó, McDonald’s trao thưởng cho những nhân viên này bằng cách cho phép họ làm việc và leo dần lên vị trí cao hơn. Việc này giúp tạo dựng một công ty mà tất cả nhân viên đều biết rõ hoạt động kinh doanh và cực kỳ trung thành. Quan trọng hơn, việc này tạo ra một công ty luôn cam kết theo đuổi tầm nhìn chung.
8. Nhận thức được tầm quan trọng của từ thiện
McDonald’s cũng nổi tiếng về sự đóng góp cho cộng đồng thông qua Ronald McDonald House Charities, học bổng đại học, hoạt động gây quỹ và chương trình phụ đạo. McDonald’s, tương tự nhiều doanh nghiệp từ thiện khác, nhận ra rằng cho đi là điều tốt đối với hoạt động kinh doanh. Bằng việc chia sẻ giá trị với khách hàng, doanh nghiệp có thể có được những người ủng hộ trung thành và tăng doanh thu.
Nhật Trường / Entrepreuner
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư