Thương mại điện tử Đông Nam Á: Thị trường rộng, cạnh tranh khốc liệt vẫn chưa ai thành công
Không giống như thị trường Mỹ và Trung Quốc, lĩnh vực thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á vẫn còn rất manh mún và chưa có công ty nào giữ thế thượng phong ở bất kỳ thị trường nào cả.
Thực tế này, kết hợp với lượng dân số đông đúc và thu nhập đầu người tăng, lĩnh vực thương mại điện tử thu hút sự cạnh tranh từ khắp nơi trên thế giới.
Một trong những cái tên đáng đổ tiền nhiều nhất vào đây là Lazada - trang thương mại điện tử trực thuộc công ty của Đức là Rocket Internet. Chiến thuật tấn công vào các thị trường khu vực của Lazada là chi thật mạnh tay cho quảng cáo.
Trong khi đó, các công ty địa phương lại thực hiện nhiều chiến lược khác nhau. Họ bắt tay với những doanh nghiệp vận tải và nhà sản xuất nội địa để tăng khả năng cạnh tranh.
Theo thống kê của Euromonitor, doanh số bán hàng của Lazada hiện xếp thứ 2 tại Việt Nam và thứ 5 tại Singapore.
Tổng cộng 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mảng kinh doanh thương mại điện tử dự kiến tăng gấp 4 lần, lên mức 62,2 tỷ USD cho tới năm 2019, từ mức 15,3 tỷ USD vào năm 2013 theo CyberAgent Ventures.
Những người chơi trong nước
Tại Việt Nam, bên cạnh Lazada còn có nhiều DN thương mại điện tử trong nước như Vatgia, Tiki hay Sendo.
“Sự đa dạng về các mặt hàng đồ gia dụng tạo ra sự khác biệt giữa Vatgia và Lazada vì Lazada chỉ tập trung vào quần áo”, CEO và nhà sáng lập Vatgia là Nguyễn Ngọc Diệp nói.
Bên cạnh đó, Vatgia cũng không có tiềm lực chi tiêu nhiều cho quảng cáo như Lazada, vì vậy họ tận dụng những lợi thế khác như tập hợp một số lượng lớn những nhà bán lẻ vừa và nhỏ bán điện thoại thông minh và những đồ điện tử khác trên website.
Ông Trần Hải Linh – chủ tịch Sendo lại nhấn mạnh những lợi ích của việc hợp tác với 3 công ty vận chuyển lớn trong nước. “Chúng tôi có thể chuyển hàng hóa tới những khu vực bên ngoài các thành phố lớn - điều mà Lazada khó thực hiện được”.
Tại Malaysia, thương mại điện tử phổ biến hơn so với Việt Nam bởi lượng người dùng thẻ thanh toán lớn. Cùng với Rocket và một số công ty địa phương, trang thương mại điện tử Qoo10 của Hàn Quốc cũng đã tấn công vào thị trường này.
Những ngôi sao và phong cách thời trang Hàn Quốc rất thịnh hành tại Malaysia và Qoo10 hy vọng có thể tận dụng lợi thế này. “Chúng tôi cố gắng tận dụng các xu hướng bằng việc cung cấp đa dạng và phong phú các mẫu quần áo và mỹ phẩm Hàn Quốc”, theo Jin Hyung Jung – chủ tịch mảng kinh doanh tại Malaysia của công ty.
Interbase Resources – một công ty thương mại điện tử của Malaysia lại đang cố gắng đi ngược lại so với xu hướng Hàn Quốc bằng việc cung cấp những sản phẩm Nhật Bản vốn nổi tiếng có chất lượng tốt.
Có một điểm đáng chú ý là các công ty thương mại điện tử của Nhật Bản lại không nổi trội ở thị trường Đông Nam Á.
Rakuten – nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đã gia nhập khu vực này vào năm 2009 tại Thái Lan và sau đó tiếp tục tấn công vào Indonesia, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, công ty đang cân nhắc bán mảng kinh doanh tại Thái Lan và đã quyết định đóng cửa những website bán hàng trực tuyến tại 3 thị trường khác, chuyển sang mô hình flea-market.
Công ty Nhật Bản cũng không mạnh tay chi cho quảng cáo tại khu vực Đông Nam Á, trái ngược hoàn toàn so với Rocket. Điều này hiển nhiên khiến tên tuổi của họ không được nhiều người biết đến.
Ngoài ra, website của Rakuten thường bị khách hàng ở khu vực Đông Nam Á phàn nàn rằng thiết kế của họ không thân thiện với người dùng.
Mua sắm trực tuyến hiện chiếm từ 1 – 2% tổng doanh số bán lẻ tại thị trường Đông Nam Á. Chính vì vậy khu vực này vẫn còn nhiều khoảng trống phát triển so với thị trường Trung Quốc – nơi tỷ lệ này đã vượt quá 10%.
Điều này có nghĩa là cánh cửa bước vào thị trường thương mại điện tử đang rộng mở hơn bao giờ hết và ngay cả những công ty đã bị loại ra khỏi cuộc chơi cũng có thể tấn công trở lại.
Vân Đàm / Nikkei
Nguồn Trí thức trẻ