Samsung tìm cách thoát thế chật vật ở Nhật

Trên toàn cầu, Samsung vẫn đang đứng đầu, nhưng tại Nhật thì thương hiệu này lại bị bỏ đằng sau bởi các nhãn hàng nội địa như Sharp, Fujitsu và Kyocera.

Điều đầu tiên khách mua sắm nhìn thấy khi bước chân vào khu điện thoại di động của Bic Camera, một cửa hàng điện tử cao 7 tầng tại trung tâm Tokyo, là một mẫu quảng cáo chiếc iPhone 6S rất hoành tráng, dài từ quầy bán hàng đụng đến trần nhà. Gần đó là các bảng quảng cáo lớn không hề kém cạnh, phô trương thanh thế chiếc Aquos của Sharp và Xperia của Sony. Thế nhưng, thương hiệu mà ai cũng thấy vắng mặt trong cuộc chơi marketing này chính là Samsung. Chiếc Galaxy S6 khép nép thu mình trong một góc nhỏ, gần chiếc điện thoại nắp gập do Sharp sản xuất nhắm đến đối tượng khách hàng là những người nghỉ hưu.

Đúng là 1/5 lượng điện thoại thông minh được bán ra trên khắp thế giới là của Samsung, nhưng tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Samsung vẫn khó tìm được chỗ đứng. Doanh nghiệp này chỉ nắm giữ 6% thị trường 36 triệu chiếc tại Nhật, theo hãng nghiên cứu thị trường Mỹ IDC, trong khi Apple đã nắm giữ xấp xỉ 50% thị phần. Trên toàn cầu, tập đoàn điện tử Hàn Quốc này vẫn đứng đầu, nhưng tại Nhật, lại bị bỏ đằng sau bởi các nhãn hàng nội địa như Sharp, Fujitsu và Kyocera.

Samsung tìm cách thoát thế chật vật ở Nhật

Trong khi Samsung đang tăng trưởng rất nhanh tại các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ thì tập đoàn này có thể ung dung xem Nhật là một thị trường “để sau hãy nói”. Nhưng giờ Samsung có thể sẽ không nghĩ như vậy, bởi báo cáo lợi nhuận gần đây của tập đoàn này lại cho thấy những thông tin buồn, trong đó lợi nhuận hằng quý dưới mức kỳ vọng tới gần 40%.

Với nhu cầu đối với smartphone đang sa sút trên toàn cầu, lợi nhuận hoạt động hằng năm từ bộ phận điện thoại của Samsung đã giảm xuống thấp hơn bộ phận chip lần đầu tiên kể từ năm 2010 và dự báo có thể sẽ còn xuống thấp hơn. “Thị trường smartphone nói chung sẽ vẫn khó khăn cho đến hết năm nay”, Lee Kyeong Tae, Phó Chủ tịch bộ phận thông tin di động của Samsung, nói trong một cuộc họp sau buổi công bố kết quả kinh doanh.

Samsung giờ suy nghĩ lại về thị trường Nhật một cách nghiêm túc. “Nhật là một thị trường rất quan trọng”, Hiroyuki Tsutsumi, đứng đầu bộ phận Nhật, cho biết. Kế hoạch của ông là thuyết phục mọi người rằng họ nên mua điện thoại thông minh Galaxy để sử dụng tốt các loại đồng hồ thông minh và các thiết bị thực tế ảo của Samsung, vốn yêu cầu phải có điện thoại hỗ trợ dù rằng ở nhiều cấp độ khác nhau. Chiếc đồng hồ Gear của Công ty, chẳng hạn, được kết nối không dây với những chiếc điện thoại thông minh của nó và gần như (không phải hoàn toàn) là các thiết bị độc lập. Trong khi đó, thiết bị thực tế ảo Gear VR thì yêu cầu phải có một chiếc điện thoại Galaxy mới có thể hoạt động.

Samsung cũng cho biết tại Nhật, Công ty sẽ tăng hơn gấp đôi số đối tác kinh doanh trong năm nay, cung cấp thiết bị di động và các phụ tùng cho một nhóm có chọn lọc các công ty công nghệ sinh học, các hãng xe và các công ty khác.

Samsung tìm cách thoát thế chật vật ở Nhật

Thị phần smartphone của Samsung ở Nhật

Mitsubishi Estate Home, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước Nhật, đang sử dụng thiết bị Gear VR như một công cụ bán hàng, cho phép những người mua nhà tiềm năng tham quan bất động sản họ muốn mua. Fuji Soft đã đồng ý kết hợp các ứng dụng xếp thời khóa biểu và ghi chú với những chiếc máy tính bảng và điện thoại thông minh Galaxy, hy vọng có thể tạo ra một Evernote (ứng dụng thu thập và lưu trữ thông tin dưới dạng các ghi chú) cho kinh doanh.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Melissa Chau, thuộc hãng nghiên cứu IDC, cho rằng mặc dù các thương vụ bắt tay này không có gây tổn hại gì, nhưng tại Nhật, Samsung không có lượng bán hàng lớn, cũng không có tiềm năng tăng trưởng để có thể cải thiện một cách đáng kể kết quả kinh doanh của Tập đoàn trên toàn cầu.

Lợi nhuận hằng quý của Samsung là 3,24 ngàn tỉ won (2,7 tỉ USD) và Công ty đã giành được thị phần smartphone toàn cầu vào năm 2015. Nhưng lượng bán ra chỉ tăng 0,8% năm ngoái, theo ước tính của nhà nghiên cứu Strategy Analytics. Vì thế Samsung sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nhằm tạo sự khác biệt cho mình. Tại Nhật, “chúng tôi đang đặt mục tiêu vào năm 2020 trở thành người chơi dẫn đầu trên nền tảng Android”, Tsutsumi nói.

Điều đó sẽ không hề dễ dàng, theo Neil Shah, Giám đốc Nghiên cứu của Counterpoint Technology Market Research. Ngoài Apple, không có công ty nước ngoài nào giành chiến thắng ở Nhật. Tại cửa hàng Bic Camera, Yoshikazu Shinagawa, một nhân viên văn phòng 34 tuổi đang dạo quanh xem hàng, cho biết anh không hứng thú với Galaxy hay bất kỳ các thiết bị khác của Samsung. “Samsung ở khía cạnh thương hiệu không có nổi bật. Nó hoàn toàn bị những nhãn hàng khác làm lu mờ”, anh nói. Thay đổi cách nhìn này sẽ rất khó khăn cho Samsung.

Văn Quốc / Bloomberg
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư