Microsoft đang theo đuổi chiến lược mang tên "tái diễn năm 1980"
Có lẽ quyết định không bán bản quyền hệ điều hành Microsoft cho IBM của tỷ phú Bill Gates năm 1980 là một trong những điều sáng suốt nhất của nhà sáng lập này.
Vào thời kỳ đó, IBM hợp tác với startup Microsoft để phát triển hệ điều hành DOS cho chiếc máy tính cá nhân của hãng.
Ngay sau khi ra mắt vào năm 1981, sản phẩm này đã thu hút được sự quan tâm của công chúng và doanh số bán thậm chí vượt qua chiếc Apple II đang dẫn đầu mảng máy tính cá nhân.
Ngay lập tức, hàng loạt đối thủ cạnh tranh khác vội vã phát triển sản phẩm máy tính cá nhân như của IBM với những phàn mềm và phần cứng tương tự.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ này vẫn cần hệ điều hành DOS để chạy sản phẩm và họ buộc phải làm việc với Microsoft.
Nhờ có DOS, Microsoft trở thành trung tâm của cuộc cách mạng máy tính cá nhân, thậm chí ngay cả khi IBM đã rời bỏ thị trường này.
Sau đó 30 năm, khi iPhone của Apple và Android của Google nổi lên thống trị mảng di động, Microsoft đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối khi bỏ lỡ cơ hội dẫn đầu thị trường này.
Đây có lẽ là một trong nhưng nguyên nhân khiến hãng đặc biệt có hứng thú với công nghệ thực tế ảo. Có lẽ Microsoft muốn thực hiện lại một phi vụ IBM như những năm 80, chỉ khác là lần này hãng sẽ phát triển sản phẩm cho riêng mình.
Hiện Apple đang là công ty công nghệ có giá trị thị trường lớn nhất thế giới nhờ iPhone, trong khi hệ điều hành Android của Google được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Còn Microsoft, sản phẩm Windows Phone của họ đang gặp rắc rối với doanh số không khả quan.
Có lẽ chính công ty cũng nhận ra rằng việc bỏ tiền đầu tư vào mảng smartphone không nhiều triển vọng có ít cơ hội hơn là chi tiền cho những công nghệ mới có khả năng thành xu thế toàn cầu.
Việc Microsoft đầu tư mạnh cho dự án Holo Lens cho thấy tham vọng này của hãng. Đây là dự án thương mại hóa tiên phong trong mảng hình ảnh không gian ba chiều và thực tế ảo.
Theo sát sau đó, Asus và Intel cũng đầu tư mạnh vào mảng công nghệ này nhằm đón đầu một xu thế mà họ cho là tương lai của thị trường công nghệ.
Bởi là những người đến sau nên nhiều khả năng Asus và Intel vẫn phải dùng hệ điều hành Microsoft Windows 10 cho công nghệ thực tế ảo mới.
Vì vậy, dù Microsoft có bán được sản phẩm phần cứng hay không thì họ vẫn hưởng lợi khi phần mềm được nhiều hãng công nghệ khác sử dụng.
Dự án HoloLens có thể đặt ra một tiêu chuẩn mới cho công nghệ đồ họa 3D, nhưng chưa chắc Microsoft đã cần sản phẩm của mình bán chạy nhất.
Tái diễn năm 1980?
Ngành sản xuất, lắp ráp máy móc thường cho mức biên lợi nhuận không thật sự cao ở tất cả các ngành công nghiệp.
Đối với ngành công nghệ, việc sản xuất, lắp ráp máy tính, một chiếc kính thực tế ảo hay thậm chí là xe hơi tự động cần rất nhiều nhân công với những quy trình phải được chuyên môn hóa. Việc sản xuất mỗi phần đều mất thời gian.
Theo báo cáo gần đây nhất, biên lợi nhuận của hãng sản xuất máy tính Dell chỉ đạt 3%, còn của công ty sản xuất ô tô Ford là 7%.
Trong khi đó, thế mạnh của Microsoft là phần mềm và biên lợi nhuận của mảng này lại khá cao. Trong thời kỳ đỉnh cao, mức biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh của Microsoft thậm chí đạt 51,7%.
Rất có thể mục tiêu của Microsoft là xây dựng lợi nhuận dựa trên phần mềm và để các công ty như IBM, Intel, Dell, HP, Compaq tạo lợi nhuận biên nhờ phần cứng. Cuối cùng thì nếu các công ty sử dụng công nghệ mới mà Microsoft đi tiên phong để làm sản phẩm, họ vẫn phải mua hệ điều hành của hãng.
Như vậy, việc kinh doanh các sản phẩm phần cứng hiện nay dù không thực sự khả quan nhưng có thể chỉ cần còn lợi nhuận thì Microsoft vẫn tiếp tục làm. Mục đích cuối cùng của hãng là sử dụng lợi nhuận thu được đầu tư đón đầu các công nghệ mới. Hơn nữa, mảng doanh thu từ Windows và phần mềm ứng dụng văn phòng Office mới là mảng đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho hãng.
Dẫu vậy, kỹ thuật này vẫn chưa được hoàn thiện và Microsoft cũng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Startup Magic Leap cũng đang phát triển những kỹ thuật đáng kinh ngạc về công nghệ thực tế ảo mà không hề liên quan đến Windows 10.
Nếu Microsoft chậm chân, hãng sẽ lại giống như thời điểm Apple cho ra mắt iPhone. Nhưng nếu tập đoàn này thành công, rất có thể kỳ tích năm 1980 sẽ lại lặp lại.
Hoàng Nam
Nguồn Trí thức trẻ