Lòng dũng cảm
Tôi cho rằng ngày hôm nay, những con người làm quảng cáo cần dũng cảm hơn nữa.
Dũng cảm để bảo vệ những ý tưởng hay
Tôi vẫn luôn bảo vệ quan điểm cho rằng người tiêu dùng ít lý trí hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Quảng cáo chúng ta cần làm ra không phải mục đích thuyết phục và đánh vào lý trí của người tiêu dùng (cái này hãy để trải nghiệm sản phẩm làm, quảng cáo chỉ cần tạo độ nhận biết thương hiệu). Quảng cáo, điều đầu tiên là phải dành lấy sự chú ý đang dần khan hiếm của người tiêu dùng. Quảng cáo phải lạ, hay, sáng tạo, hấp dẫn để khiến cho người tiêu dùng không thể thờ ơ với chúng ta. Đã biết bao lần ý tưởng quảng cáo hay đã bị “giết chết” hay “can thiệp thô bạo” chỉ vì tính năng sản phẩm trong ý tưởng đó chưa đủ, chưa có USP, chưa đủ thuyết phục, sợ người tiêu dùng không hiểu công dụng sản phẩm…
Chúng ta sợ hãi vì người tiêu dùng không biết đến sản phẩm chúng ta có chất XYZ và công dụng ABC. Nhưng cái chúng ta nên cần phải sợ hãi hơn chính là người tiêu dùng không thèm để mắt đến quảng cáo của chúng ta.
Dũng cảm để chấp nhận rằng chúng ta đang làm… quảng cáo
Chúng ta sợ hãi nếu người xem biết là họ đang xem quảng cáo thì họ sẽ bỏ qua. Thế là chúng ta viết những bài PR lồng ghép sản phẩm một cách thô thiển, chúng ta làm ra những phim ngắn dài lê thê và rón rén… bỏ sản phẩm thương hiệu chúng ta vào mà ngay cả người trong nghề cũng không nhận ra. Chúng ta lo sợ người tiêu dùng biết họ đang xem quảng cáo và họ từ bỏ chúng ta.
Nhiệm vụ của chúng ta không phải “dụ” người tiêu dùng xem hài kịch rồi cuối cùng họ bực bội nhận ra đó chỉ là quảng cáo và để lại lời nhắn: “lãng phí 3 phút cuộc đời”. Nhiệm vụ cũng chúng ta là làm cho người tiêu dùng biết đó là quảng cáo và vẫn muốn dành 3 phút cuộc đời vốn rất quý để xem nó.
Hãy dũng cảm làm ra những quảng cáo mà có thể đường hoàng nói rằng: “vâng thưa quý vị, đây là quảng cáo nhưng tôi đảm bảo bạn sẽ không bỏ phí 1 phút để xem đâu, vì nó rất hay”
Dũng cảm để đưa ra cho khách hàng chúng ta giải pháp mà chúng ta tin là nó hiệu quả
“Cái chúng ta nên cần phải sợ hãi hơn chính là người tiêu dùng không thèm để mắt đến quảng cáo của chúng ta.”
Áp lực thời gian, tiền bạc khiến cho chúng ta thường chọn những gì an toàn hay những gì mà khách hàng muốn. Đã biết bao lần chúng ta lo sợ và chỉ dám đi bán những ý tưởng an toàn nhất. Chúng ta hãy tin vào năng lực của mình và tin rằng chúng ta có thể tìm ra những thứ tốt hơn cho khách hàng.
Dũng cảm để có thể thoát ra khỏi vùng an toàn của mình
Mục tiêu cuối cùng của quảng cáo là thu hút sự chú ý và thay đổi hành vi. Và phim quảng cáo, quảng cáo báo, sự kiện, fan page cũng là một trong những công cụ đạt được mục tiêu đó. Ngày nay, chúng cần bước ra khỏi vùng an toàn của mình, tạo ra những kênh quảng cáo mới, cách tiếp cận mới. Khách hàng ngày càng tìm kiếm them những kênh, giải pháp truyền thông mới, hiệu quả hơn. Và chúng ta cũng phải dũng cảm để thay đổi. Vì nếu chúng ta không làm, rồi cũng sẽ có người làm và chúng ta sẽ không thể tồn tại.