Big C + Metro Việt Nam: chưa "thấm vào đâu" so với toàn ngành bán lẻ
Trước thông tin TCC Group – tập đoàn Thái Lan hiện đang sở hữu chuỗi Metro tại Việt Nam có nhiều khả năng sẽ thâu tóm nốt cả Big C Việt Nam với giá khoảng 900 triệu USD, nhiều nhà bán lẻ tỏ ra e ngại nếu việc sáp nhập này xảy ra.
Mối e ngại lớn nhất ở đây, đó là Big C + Metro Việt Nam sẽ trở thành một doanh nghiệp khổng lồ đủ sức tạo vị thế độc quyền trong ngành bán lẻ.
Trong khi đó, số doanh thu ước tính nếu TCC hợp thể thành công Big C và Metro là vào khoảng 33 nghìn tỷ đồng/năm. Con số này đủ sức vượt qua nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện tại là Saigon Coop (doanh thu 2015 khoảng 26 nghìn tỉ đồng).
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy kể cả khi 2 cái tên trên hợp nhất, quy mô nó vẫn chưa “thấm vào đâu” so với quy mô toàn ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, còn số cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) đạt mức hàng trăm.
Nếu chỉ tính riêng trong năm 2015, chiếm 25% trong mức tổng 2470 nghìn tỷ đồng của ngành bán lẻ nghĩa là ngành bán lẻ hiện đại cũng đã thu về được 617,5 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối của cả Big C và Metro tuy dàn trải khá đều từ Bắc vào Nam nhưng mạng lưới lại chưa rộng khắp, mới chỉ dừng ở con số 61, với 32 siêu thị Big C, 10 cửa hàng tiện lợi New Chợ và 19 siêu thị Metro.
Trong khi đó những đối thủ doanh nghiệp nội và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đều đang trở thành những đối thủ tiềm năng với tốc độ tăng trưởng ngày một nhanh chóng.
Ví như ông lớn Saigon Co.op, ngoài 80 siêu thị Co.op Mart tính đến hết năm 2015, doanh nghiệp nội này còn có thêm 2 đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại SC VivoCity, 96 cửa hàng Co.op Food và gần 200 cửa hàng Co.op.
Hay như một doanh nghiệp nội khác với tốc độ phát triển chóng mặt không thể không nhắc đến đó chính là Vingroup.
Từ thương vụ mua lại Oceanmart trong năm 2014 và 100% chuỗi siêu thị Maximark và Vinatexmark trong năm 2015, Hiện tại, tập đoàn này có 20 siêu thị VinMart cùng hơn 200 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Doanh thu năm 2015 của mảng bán lẻ đạt 4.200 tỉ đồng, một con số khá ấn tượng chỉ trong vòng 1 năm phát triển.
Không quá ồn ào và lựa chọn kế hoạch “chậm mà chắc”, doanh nghiệp ngoại như Aeon lại thâm nhập từ từ vào thị trường Việt Nam khi mở những chuỗi hàng tiện lợi Ministop, sau đó mới mạnh tay chi tới 500 triệu USD vào khai thác 3 trung tâm thương mại lớn Aeon Mall trong năm 2014 và 2015, nâng tổng số hệ thống hiện tại lên tới 33 cửa hàng và trung tâm.
Sau đó, tập đoàn này còn lần lượt thâu tóm 49% chuỗi siêu thị CitiMart (TP.HCM) và 30% chuỗi FiviMart (Hà Nội) trong năm 2015. Sắp tới Aeon lại tiếp tục rót thêm 200 triệu USD để xây dựng thêm đại siêu thị thứ 2 tại Hà Nội.
Bên cạnh những cái tên nổi bật kể trên còn rất nhiều nhà bán lẻ quốc tế khác nữa như Lotte Mart – Hàn Quốc hay Auchan - Tập đoàn bán lẻ lớn của Pháp, cùng vai trò ngày càng lớn của hệ thống cửa hàng tiện lợi, mà đại diện là Circle K, Shop&Go, Vinmart+,…
Có thể thấy, bên cạnh Big C và Metro Việt Nam, vẫn còn rất nhiều ông lớn bán lẻ khác trên thị trường. Vì vậy, dù Big C và Metro có về chung một nhà thì cũng phải cạnh tranh rất vất vả trước khi mơ tới giấc mơ độc tôn tại thị trường Việt Nam.
Đấy là chưa kể, mảng bán lẻ hiện đại chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng theo hướng ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn trong cơ cấu toàn ngành. Bộ Công thương ước tính, năm 2020, mảng bán lẻ hiện tại có thể sẽ chiếm 45% thị phần. Có thể thấy, “đất” cho doanh nghiệp trong ngành phát triển vẫn còn rất rộng rãi.
Khánh Hòa / Trí thức trẻ
Nguồn CafeBiz