Siêu thị nội - Cơ hội "phản công"

Siêu thị nội - Cơ hội phản côngTrong khó khăn chung của nền kinh tế, thay vì “cắt giảm mọi chi phí có thể”, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lại mở rộng quy mô, đổi mới hình ảnh để định vị vững chắc hơn trong người tiêu dùng, chuẩn bị.

Theo nghiên cứu của các công ty điều tra thị trường, các kênh bán lẻ hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển thị trường tiêu dùng tương lai tại Việt Nam, các phân khúc tiêu dùng đa dạng hơn và thị trường nông thôn thành điểm đến hấp dẫn của kênh thương mại hiện đại.

Sức ép từ siêu thị ngoại

Người tiêu dùng Việt Nam đã không còn xa lạ với những tên tuổi bán lẻ ngoại như Pakson (Tập đoàn Lion, Malaysia), Big C của Tập đoàn Casino (Pháp) đầu tư, hệ thống Metro của Tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức); Dairy Farm (Hồng Kông), AEON (Nhật Bản); Zen Plaza (Nhật Bản); Diamond Plaza (Hàn Quốc)….

Khi “đặt” chân vào Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đều nuôi tham vọng mở rộng quy mô hoạt động, vì vậy, ngoài các thành phố có sức mua lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các nhà bán lẻ này còn đang mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh, thành khác… với thị trường nông thôn còn hoang sơ.

Có những nghiên cứu cho thấy thực hiện đổi mới thương hiệu trong khủng hoảng đã làm tăng giá trị một số thương hiệu lên 5-10 lần. Và trong lúc các doanh nghiệp khác đang mải mê cắt giảm ngân sách tiếp thị và quảng cáo, việc đầu tư vào thương hiệu (nếu có ngân sách) của một doanh nghiệp sẽ được nhiều người biết đến, như “một tiếng chuông đổ giữa đêm khuya”.

Những ưu thế về phương thức quản trị, vốn đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng hiện đại… đã giúp các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có vị trí tương đối vững chắc trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, tốc độ "xâm lấn" của các tập đoàn phân phối quốc tế vào Việt Nam chậm hơn dự báo. Từ năm 2011 đến nay, kinh tế thế giới khó khăn khiến cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài bị tác động và chưa thể thâm nhập thị trường Việt Nam ngay. Đây có lẽ lại là cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam có thời gian để thiết lập hệ thống bán hàng giành ưu thế cạnh tranh trong vài ba năm tới.

Điển hình cho xu hướng này là Hệ thống siêu thị Vinatexmart vừa chính thức công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, trước đó hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng tung ra logo mới.

Cùng với thay đổi "phần xác" là những quyết tâm thay đổi "phần hồn" để tương xứng với tinh thần mới của thương hiệu. Như Vinatextmart, bộ nhận diện thương hiệu mới với logo bông hoa sáu cánh, cách điệu từ hoa sen, thể hiện sự gần gũi, đáng tin cậy của thương hiệu này với các gia đình Việt Nam, song song với đó là việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giải quyết tốt các mối quan hệ với nhà cung cấp, khách hàng, đem đến các dịch vụ, tiện ích cho người mua sắm.

Hay bộ nhận diện thương hiệu mới của Saigon Co.op cũng đi cùng những thay đổi về không gian mua sắm cũng như việc nâng cao các tiện ích, dịch vụ nhằm đáp ứng khuynh hướng tiêu dùng thay đổi nhanh chóng và những áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, nhất là các nhà bán lẻ nước ngoài.

Cơ hội mới cho hàng Việt

Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng, việc đổi mới hình ảnh, mở rộng hệ thống siêu thị không chỉ đem lại lợi ích cho các nhà bán lẻ nội địa mà còn mở ra cơ hội quảng bá, tiêu thụ mạnh mẽ hơn cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo khảo sát của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, trong hệ thống siêu thị hiện nay, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 70-80%, trong đó, với loại hình siêu thị, đại siêu thị như BigC, Vinatexmart, Hapromart, Co.opmart… tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 80-95%; còn với loại chuyên doanh như Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Mediamart, Pico… hàng Việt chiếm khoảng 50% trong tổng số các mặt hàng bày bán. Trong số 90% hàng Việt bày bán tại các siêu thị, hầu hết là đồ uống, hàng đông lạnh, thực phẩm, thời trang…

Siêu thị nội - Cơ hội phản công

Bên cạnh đó, hệ thống quản trị, tương tác mới được áp dụng trong các siêu thị sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất nắm bắt nhanh nhạy hơn yêu cầu, phản hồi của thị trường đối với các dòng sản phẩm của mình từ đó đề ra được chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Đặc biệt là xây dựng được cầu nối vững chắc với người tiêu dùng để tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ phía khách hàng. Từ đó, phối hợp điều chỉnh, cải tiến sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Sức hấp dẫn tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều, nên nhiều nhà phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh của mình. Và để có thể giành ưu thế trong cuộc đua này, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần nhanh chóng hoàn thiện từ nhân lực, hệ thống, các quy trình kinh doanh thương mại hiện đại.

Tuy nhiên, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu thị trường, khảo sát mặt bằng, dân cư, tính toán hợp lý trước khi quyết định mở thêm siêu thị… Đây cũng chính là bước đi cẩn trọng của nhiều doanh nghiệp hướng đến việc chiếm lĩnh thị trường nội địa, phát triển tương xứng với tiềm năng trong bối cảnh kinh tế vẫn còn biến động.

“Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” xác định trên địa bàn cả nước sẽ có từ 1.200 - 1.300 siêu thị vào năm 2020; số trung tâm thương mại là 180 và 157 trung tâm mua sắm.

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đạt bình quân 26 - 27%/năm đến năm 2015 và 29 - 30%/năm trong thời kỳ 2016 - 2020.

Nguồn Chiến lược Marketing