Các chủ shop dần lấn sân sang kênh bán hàng Zalo
64% các chủ shop sử dụng Zalo để bán hàng, trong số đó có đến 59% chủ shop dùng Zalo như một kênh bán hàng chính của mình.
Tuy nhiên, chỉ 26% thu về được hiệu quả, trong khi 74% còn lại vẫn chưa đánh giá cao về hiệu quả của kênh bán hàng này. Đây là kết quả khảo sát trên 2000 khách hàng là các chủ doanh nghiệp, chủ shop online trên địa bàn cả nước của Bizweb.vn - nền tảng bán hàng online được nhiều người sử dụng nhất Việt Nam trong tháng 1/2016.
Đã từ lâu, sự phát triển phổ biến của mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…) đã mở ra cho các chủ shop kinh doanh online vô vàn cơ hội tiếp cận thị trường khách hàng tiềm năng rộng lớn. Kể từ vài năm trở lại đây, bên cạnh website, người người, nhà nhà đều tham gia kinh doanh trên Facebook. Tuy nhiên, hệ lụy của sự “bùng nổ” nhanh ấy chính là việc càng ngày, hiệu quả kinh doanh trên facebook càng kém hơn trước, khi mà thị trường mua bán bị “tạp nham”. Theo khảo sát của Social Media Examiner, trong 92% chủ shop cho rằng Facebook là kênh marketing online quan trọng thì có tới 55% hiện nay cảm thấy nỗ lực marketing của họ không thực sự mang lại hiệu quả.
Như một lẽ đương nhiên, đối với người bán, một khi nền tảng bán hàng quan trọng của họ có dấu hiệu lung lay, họ sẽ tiếp tục tìm kiếm những kênh bán hàng tiềm năng khác để đầu tư phát triển. Đó là lý do mà trong năm vừa qua, một bộ phận lớn các chủ shop kinh doanh vừa và nhỏ lại đổ xô sang sử dụng nền tảng Zalo.
“Miền đất hứa” cho giới kinh doanh online
Kết quả khảo sát của Bizweb cho thấy có đến 64% các chủ shop sử dụng Zalo để bán hàng. Trong số đó có đến 59% chủ shop dùng Zalo như một kênh bán hàng chính của mình. Điều đó cho thấy nhiều người đã nhận ra “miền đất hứa” Zalo và muốn là những người “khai hoang” lượng khách hàng tiềm năng lớn từ kênh bán hàng này.
Theo báo cáo của Zalo, tính đến giữa năm 2015, mạng xã hội này đã cán mốc 30 triệu người dùng, chủ yếu là người dùng trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 35, là lứa tuổi có khả năng mua hàng online nhiều nhất, cùng với đó là hơn 400 triệu tin nhắn Zalo được trao đổi mỗi ngày. Sự phát triển nhanh chóng của Zalo trong 6 tháng từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2015 với lượng người dùng lớn, cơ hội tiếp cận người dùng rộng (tỷ lệ reach trên 80%), khả năng tương tác cao, chi phí đầu tư thấp,… đã minh chứng một điều rằng nó sẽ có cơ hội trở thành đối trọng của Facebook trong thời gian tới và trở thành kênh bán hàng hiệu quả của người Việt dành cho người Việt.
Hiệu quả khai thác từ Zalo chưa như kỳ vọng?
Theo báo cáo của Zalo, tính đến giữa năm 2015, MXH này đã cán mốc 30 triệu người dùng, chủ yếu là người dùng trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 35, là lứa tuổi có khả năng mua hàng online nhiều nhất.
Tiềm năng phát triển của kênh bán hàng Zalo đã được rất nhiều người nhìn ra và thừa nhận, tuy nhiên vấn đề được đặt ra là khả năng khai thác hiệu quả tiềm năng ấy lại chưa được như kỳ vọng của các chủ shop. Theo kết quả khảo sát của Bizweb, trong số những chủ shop có sử dụng Zalo thì chỉ 26% thu về được hiệu quả, trong khi 74% còn lại thì chưa nhận thấy hiệu quả như kỳ vọng từ kênh bán hàng này.
Những nguyên nhân quan trọng phải kể đến là do các chủ shop vẫn coi Zalo chỉ là kênh bán hàng phụ (chiếm 41%), vẫn chỉ có 38% chủ shop ưu tiên đầu tư nguồn lực vào kênh bán hàng này, hay theo đánh giá của một số chủ shop là do Zalo chưa chú trọng giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn.
Anh Mai Cường, chủ một fanpage quần áo ở TP.HCM chia sẻ: “Vào thời điểm một năm trước, Zalo thực sự hiệu quả đối với các shop kinh doanh mặt hàng dành cho người trẻ như mình, tỷ lệ reach lúc nào cũng 80-90%. Nhưng từ sau khi Zalo cập nhật, lượng reach giảm hẳn chỉ còn 10 – 30% khiến cho việc tiếp cận khách hàng tiềm năng trở nên khó khăn hơn”.
Để kinh doanh hiệu quả trên Zalo, đặc biệt là đối với những ai mới bắt đầu “chen chân” vào thị trường cạnh tranh này, bạn cần phải nắm rõ các nguyên tắc hoạt động của nó. Zalo page sau khi được tạo thì phải có khoảng 20 người bấm quan tâm thông qua mã QR Code và có 5 bài viết trên nhật ký thì Zalo mới xét duyệt trang của bạn tồn tại “công khai” trên mạng xã hội này để mọi người có thể tìm kiếm được. Mặt khác, bạn nên tận dụng tối đa các công cụ hữu ích trên Zalo, điển hình là tính năng “tìm bạn quanh đây” để tìm kiếm khách hàng tiềm năng phù hợp mà các nền tảng khác không có được. Đồng thời bán hàng trên cả trang cá nhân lẫn Zalo page để tận dụng tất cả các cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn lực, chủ yếu dành cho hoạt động marketing và remarketing là vô cùng quan trọng. Theo kết quả khảo sát của Bizweb, trong số những chủ shop luôn ưu tiên đầu tư nguồn lực cho kênh bán hàng Zalo thì có 44% đã thu được hiệu quả. Trên bất cứ kênh bán hàng nào cũng vậy, bạn không thể chỉ tạo ra và ngồi chờ khách hàng tìm đến. Các nền tảng đó cũng không bao giờ hỗ trợ hoàn toàn cho bạn trong việc kinh doanh mà cái chính đó là nỗ lực của bản thân. Muốn hiệu quả, bạn phải tăng cường các hoạt động quảng bá, tiếp thị, thậm chí là phải trả phí cho hoạt động ấy.
Có thể thấy, Zalo là nền tảng có nhiều tiềm năng, là một trong ba kênh bán hàng đang được sử dụng nhiều nhất hiện nay (cùng với Website và Facebook). Mặc dù hiện nay, các chủ shop vẫn chưa biết cách khai thác một cách tối ưu nhất, nhưng với mức độ hiệu quả đứng thứ tư sau Website, Facebook và Sàn Thương mại điện tử, Zalo vẫn sẽ là kênh bán hàng đầy hứa hẹn trong tương lai.
Xuân Quỳnh
Nguồn VOV