Từ cái tên khó phát âm đến thương hiệu mỳ Ý Chef Boy-Ar-Dee lừng danh
Chef Boy-Ar-Dee là một trong những “nhân vật” mà nhiều bà nội trợ đã quá “quen mặt” mỗi khi bước vào hành lang siêu thị.
Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng, nụ cười ấy, chòm râu của người đàn ông với vẻ mặt phúc hậu trong chiếc mũ đầu bếp và bộ đồ trắng tinh ấy không phải là sản phẩm marketing được hoá trang hay tưởng tượng như quý bà Betty Crocker.
Người đầu bếp đang nâng niu hộp mỳ ống thịt bò, spaghetti và thịt viên ấy chính là Ettore “Hector” Boiardi - người đã từng vinh dự phục vụ tiệc cưới cho tổng thống Woodrow Wilson của nước Mỹ trước khi dấn thân vào ngành kinh doanh thực phẩm của riêng mình.
Sinh năm 1897 tại vùng Piacenza nằm ở phía Bắc nước Ý, Hector Boyardee yêu thích nấu nướng từ khi còn là một cậu bé và từng làm việc như đầu bếp học việc tại một khách sạn nơi ông sống khi chỉ mới 11 tuổi.
Vào năm 1914, cậu bé Boiardi 16 tuổi quyết định dứt áo rời khỏi quê hương để ra khơi tìm kiếm cơ hội cho sự nghiệp cùng niềm đam mê cháy bỏng. Ông được nhận vào làm đầu bếp tại Plaza Hotel- một trong những khách sạn uy tín nhất ở New York và cũng là nơi anh trai Richard Paul của ông đang làm phục vụ ở đó.
Tài không đợi tuổi và cơ hội cũng kén người để vinh danh! Chỉ sau một năm nỗ lực , anh chàng đầu bếp Hector đã vươn lên đảm nhận vị trí bếp trưởng của khách sạn và là người chỉ đạo cho tiệc cưới của tổng thống Woodrow Wilson với người vợ thứ hai- là bà Edith tại khách sạn The Greenbrier Tây Virginia vào tháng 12 năm 1915.
Hai năm sau, ông chuyển tới Clevelan để điều hành nhà bếp của khách sạn Hotel Winton và cùng người vợ mới cưới Helen mở nhà hàng riêng vào năm 1914.
Cái tên “Il Giardino d’ Italia ”, tiếng anh nghĩa là “Khu vườn của Italia” nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích và là một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất ở Cleveland. Hàng dài thực khách xếp hàng để được đặt chỗ và thưởng thức món mỳ spaghetti với nước sốt và pho mát thơm ngon của người đầu bếp mang tên Boiardi. Món mỳ của ông nổi tiếng đến nỗi nhiều khách hàng quen thuộc đề nghị ông đến nấu tại nhà. Thế là ông đầu bếp Boiardi bắt đầu gói ghém và mang theo đồ bếp gồm mỳ khô, pho mai, sữa và nước sốt cà chua cùng với hướng dẫn nấu và trình tự kết hợp các nguyên liệu cho món ăn.
Khi tiếng tăm và doanh thu của nhà hàng không ngừng tăng lên, Boiardi bắt đầu nghĩ tới việc phát triển cơ hội kinh doanh của mình. Một vài khách hàng quen thuộc của ông, những người hiện đang sở hữu chuỗi cửa hàng tạp hoá địa phương đã giúp ông thiết kế quá trình đóng hộp và tìm kiếm nhà cung cấp tốt trong nước.
Để đáp ứng được nhu cầu đang tăng cao, Boiardi cùng các anh em trai của ông xây dựng một nhà máy chế biến nhỏ và thành lập công ty lương thực Chef Boiardi vào năm 1928. Sản phẩm đầu tiên của công ty là món mỳ spaghetti cho bữa tối được đóng trong hộp giấy gồm một hộp nhỏ đựng phô mai nạo, một hộp đựng mỳ spaghetti và một lọ nước sốt.
Sản phẩm của công ty bán rất chạy, nhưng Boiardi sớm phát hiện ra một vấn đề. Ông nhiều lần thấy khách hàng và nhân viên bán hàng phải vật lộn với cách phát âm tên mình. Cuối cùng, ông quyết định cách điệu tên nhà hàng thành “Boy-Ar-Dee”. Mọi người rất tự hào về tên tuổi của một người đầu bếp đã làm nên tăm tiếng cho gia tộc họ Boiardi, nhưng hy sinh cho sự phát triển của một thương hiệu lúc này mới thực sự là cần thiết.
Những bữa ăn ngon nhưng giá thành không cao của công ty đã trở thành sự lựa chọn quen thuộc trong thời kỳ kinh tế suy thoái và góp phần đưa món ăn Ý trở thành một trong những món ăn trụ cột tại Hoa Kỳ lúc đó.
Không thể phủ nhận rằng ông muốn cống hiến cho quê cha đất tổ, nhưng những nguyên liệu chính mà ông chọn thường có xuất xứ từ Italia và là những nguyên liệu chất lượng cao. Vào thời điểm đó, công ty là một trong những nhà nhập khẩu pho mát Pácma và dầu ô liu từ Italia lớn nhất ở Mỹ.
Đến năm 1938, Boiardi chuyển cơ sở hoạt động đến Milton, Pennsylvania sau khi thoả thuận được với những người nông dân địa phương trồng một loại cà chua đặc biệt cho loại nước sốt của mình. Công ty thậm chí còn có khu trồng nấm riêng trong nhà xưởng.
Từ khi bắt đầu cho hoạt động công ty đóng gói thực phẩm của mình, khuôn mặt tươi cười của Boiardi vẫn luôn xuất hiện trên nhãn hàng của sản phẩm. Ông trở thành một trong những đầu bếp nổi tiếng đầu tiên có mặt trên các quảng cáo in ấn và truyền hình tại Mỹ.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng chóng mặt của công ty có lẽ đã vượt quá so với sức lực của ông. Năm 1946, Boiardi bán công ty cho tập đoàn American Home Products với trị giá 6 triệu đô la. Và các dòng sản phẩm hiện nay được sở hữu bởi ConAgra Foods- người đã mua lại Chef Boy-Ar-Dee vào năm 2000.
Tuy không còn là chủ sở hữu của Chef Boy-Ar-Dee nữa, nhưng Boiardi vẫn tiếp tục làm cố vấn cho công ty cho đến tận năm 1978 và liên tục xuất hiện trên các quảng cáo.
Ông qua đời ngày 21 tháng 6 năm 1985 ở tuổi 87. Dù đã vĩnh biệt cuộc đời nhưng trên những kệ hàng siêu thị trên toàn thế giới, khuôn mặt tươi cười của ông vẫn sẽ còn mãi như một minh chứng cho sự thành công của một con người luôn nỗ lực vì niềm đam mê và người đã góp phần đưa mỳ spaghetti trở thành một trong những món ẩm thực nổi tiếng truyền đời của nước Ý.
Hoàng Hà
Nguồn Trí thức trẻ