Facebook và giấc mơ phổ cập internet toàn cầu

Sẽ có 10.000 máy bay Aquila được Facebook đưa lên bầu trời trong những năm tới, tạo thành một mạng lưới vệ tinh tầm thấp khổng lồ cho toàn cầu.

"Kết nối toàn thế giới là một trong những thử thách quan trọng nhất của thế hệ chúng ta, vì vẫn còn tới 4 tỉ người chưa được có tiếng nói trên Internet”. Đó là một phần trong bài diễn văn tại Liên hiệp Quốc của Mark Zuckerberg, CEO Facebook, hồi tháng 9.2015 vừa qua. Trong căn phòng họp của Liên hiệp Quốc ngày hôm ấy, vị CEO 31 tuổi này là người trẻ nhất đứng giữa hàng loạt các nhà lãnh đạo quốc gia quyền lực nhất thế giới. “Bảo đảm quyền truy cập internet là điều cần thiết để có được sự công bằng và cơ hội cho mọi người. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng cứ có thêm 10 người được truy cập internet thì sẽ có 1 người thoát khỏi đói nghèo”, Zuckerberg tiếp lời.

Từ mấy năm nay, Mark Zuckerberg đã liên tục khẳng định rằng khả năng được truy cập internet phải trở thành một quyền cơ bản của con người. Anh tin rằng với sức mạnh của internet sẽ tạo ra một sự phân phối công bằng hơn cho mọi người trên khắp thế giới, thông qua quyền được tiếp cận thông tin và cất lên tiếng nói của mình. Chính vì thế, trong thời gian qua, Zuckerberg đã “ngấu nghiến” một loạt đầu sách về lịch sử, chính sách phát triển kinh tế và công bằng xã hội như “Why Nations Fail”, “The Rational Optimist” và “The End of Power”.

Mark Zuckerberg

Tuy nhiên, theo nhận xét của Zuckerberg, tốc độ tăng trưởng số người kết nối internet trong những năm gần đây không những không có gì cải thiện mà còn có vẻ chậm lại. Các nhà mạng chỉ muốn phục vụ những người từ tầng lớp trung lưu trở lên và không mấy mặn mà với việc phủ sóng tới những khu vực nghèo khó, nơi chẳng có mấy người có đủ thu nhập để dùng mạng 3G.

Trong vai trò là nhân vật số 1 của Facebook, Zuckerberg tin rằng chính anh cần phải chủ động thực hiện công việc này và sẵn sàng huy động mọi nguồn lực của Công ty. Anh chia sẻ với tạp chí Wired rằng: “Chắc chắn tôi không thể vẽ ra một kế hoạch cho Hội đồng Quản trị về việc tại sao cần đầu tư hàng tỉ đô cho việc mang internet đến với người nghèo. Nhưng ở một mức độ nào đó, chúng tôi cảm thấy rằng đây là việc mình cần phải làm và sẽ tạo ra rất nhiều điều tốt đẹp và một ngày nào đó nó cũng sẽ mang lại giá trị cho chúng tôi”.

Vào tháng 8.2013, một liên minh mang tên Internet.org đã được thành lập giữa Facebook và 6 công ty công nghệ hàng đầu khác là Samsung, Ericsson, MediaTek, Opera, Nokia và Qualcomm. Có tới 2/3 công ty tham gia vào Internet.org đều có hoạt động liên quan đến ngành viễn thông. Và đây không phải là điều ngẫu nhiên vì mục tiêu cao nhất của liên minh này là mang lại internet miễn phí cho mọi người khắp thế giới.

Cho đến nay, người dân của 19 quốc gia đang phát triển như Indonesia, Philippines, Bangladesh… đã có thể sử dụng một số dịch vụ 3G hoàn toàn miễn phí (dĩ nhiên bao gồm cả Facebook), nhờ các thỏa thuận giữa Internet.org với các mạng di động địa phương.

Tuy nhiên, vẫn có tới 10-15% người chưa có kết nối internet đang sống tại những vùng không được phủ sóng. Để giải quyết vấn đề này, Facebook đã cho thành lập một đơn vị nghiên cứu đặc biệt mang tên Connectivity Lab (CL), để đưa ra những giải pháp đi trước thời đại như phát sóng bằng laser hay máy bay điều khiển từ xa (drone). Một khi các giải pháp này được phát triển thành công, Facebook cũng dự định sẽ công khai nhiều chi tiết kỹ thuật theo hình thức mã nguồn mở, để các công ty khác cũng có thể tham gia sản xuất và từ đó cắt giảm giá thành.

Facebook và giấc mơ phổ cập internet toàn cầu

Hiện tại, CL đã phát triển được mẫu drone phát sóng đầu tiên, với những khả năng cực kỳ ấn tượng. Mang tên Aquila (Đại bàng), chiếc drone này có sải cánh ngang ngửa một chiếc Boeing 737, có trọng lượng hơn 400 kg và khả năng đạt đến độ cao 20 km, với nguồn năng lượng hoàn toàn dựa vào pin năng lượng mặt trời.

Andy Cox, kỹ sư trưởng của dự án, là một trong những kỹ sư chuyên về cơ khí và hàng không hàng đầu nước Mỹ. Ông từng tham gia dự án drone mang tên Zephyr, với thành tích bay liên tục trong vòng 14 ngày liền mà chỉ cần dùng năng lượng mặt trời. Việc thiết kế được một chiếc drone có thể hoạt động ở độ cao 20 km như Aquila là không hề dễ dàng, vì đây là độ cao mà cũng chỉ có một vài máy bay quân sự là có thể đạt tới. Với mật độ ô-xy chỉ vỏn vẹn 9%, rất nhiều quy tắc thiết kế máy bay sẽ buộc phải thay đổi. Sau cùng, Cox nghĩ ra một giải pháp đầy sáng tạo, đó là dùng một chiếc khinh khí cầu để đưa drone lên độ cao cần thiết.

Theo kế hoạch của Zuckerberg, sẽ có 10.000 chiếc Aquila được đưa lên bầu trời trong những năm tới, tạo thành một mạng lưới vệ tinh tầm thấp khổng lồ cho toàn cầu. Điều đặc biệt nhất là thông tin sẽ được truyền tải trong mạng lưới này không phải bằng sóng radio như thông thường, mà là bằng tia laser.

Theo đánh giá từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA, laser có khả năng truyền tín hiệu nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với các công nghệ sóng cao cấp nhất hiện nay. Để làm được điều này, Zuckerberg đã mời về một chuyên gia hàng đầu của NASA là Hamid Hemmati. Theo dự kiến, nhóm của Hemmati sẽ bắt đầu thử nghiệm thực địa công nghệ này vào cuối năm 2016.

Không chỉ phải nghĩ cách giải quyết các vấn đề kỹ thuật, Zuckerberg còn đang đối mặt với một số rào cản pháp lý xung quanh các công nghệ quá mới mẻ này. Để thuyết phục Cục Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA), Facebook đã cùng hợp lực với đối thủ Google, vốn cũng đang nuôi tham vọng phủ sóng internet toàn cầu bằng drone (Project Titan) và khí cầu (Project Loon). Ngoài ra, 2 công ty này cũng đang cùng nhau thuyết phục Ủy ban Viễn thông Mỹ (FCC) về việc cấp tần số phát sóng riêng cho các drone.

Aquila Drone

Aquila Drone. Ảnh minh họa: Bionic

Tuy nhiên, Internet.org cũng đang bị nhiều người nghi ngờ rằng chỉ là một tấm bình phong để Facebook bành trướng ra toàn cầu. Tại Ấn Độ, các gói dịch vụ miễn phí mang tên Free Basics của liên minh này đem lại đã bị phản đối dữ dội và Chính phủ Ấn Độ vừa cho tạm ngừng hoạt động của Free Basics vào tháng 12 vừa qua. Một tuần sau đó, Free Basics cũng phải đóng cửa ở Ai Cập mà chưa rõ lý do.

Trong một bài viết gửi cho một tờ báo lớn của Ấn Độ, Zuckerberg tuyên bố: “Dự án này không nhằm phục vụ cho các lợi ích kinh doanh của Facebook, thậm chí là chẳng có quảng cáo nào được hiển thị trong phiên bản Facebook ở gói Free Basics cả. Nếu như nhiều người không được truy cập tới cả những phần cơ bản nhất của internet, họ sẽ mất đi rất nhiều cơ hội mà nó đem lại”.

Với một loạt thách thức và trở ngại như vậy, liệu giấc mơ của Zuckerberg về việc đem lại internet cho hàng tỉ người trên thế giới có trở thành hiện thực?

Để trả lời câu hỏi này, Zuckerberg đã kể lại với tạp chí Wired một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh. Đó là một đêm mùa đông tại ký túc xá Harvard, vài ngày sau khi Facebook ra đời dưới dạng một trang web để cho các sinh viên làm quen với nhau. Lúc ấy, Zuckerberg nói với các bạn bè của mình rằng một ngày nào đó sẽ phải có một người đứng ra xây dựng một mạng xã hội toàn cầu, bởi vì một hệ thống như vậy là quá quan trọng và không thể không tồn tại.

Nhưng khi đó, anh không hề nghĩ rằng chính mình sẽ là người biến điều ấy thành hiện thực, vì có nhiều người khác giỏi hơn và những công ty khác lớn hơn. Vậy thì tại sao Zuckerberg lại thành công? “Tôi nghĩ là vì chúng tôi thực sự quan tâm tới chuyện đó và thường thì là quan tâm và tin tưởng vào những gì mình làm chính là yếu tố quan trọng nhất để thành công. Tôi không thể hình dung được Facebook sẽ trở nên như thế nào vào thời điểm khởi đầu và tôi nghĩ rằng Internet.org cũng tương tự như vậy”, anh nói.

Tuấn Minh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư