Tim Cook và bài toán điều chỉnh chiến lược cho Apple
Do doanh số iPhone tăng trưởng chậm lại, cổ phiếu Apple đã mất khoảng 25% giá trị kể từ mức cao mọi thời đại được thiết lập vào tháng 2.2015.
Vào năm 2011, nhà đồng sáng lập Steve Jobs đã tuyên bố rằng “chỉ công nghệ thôi thì không đủ, mà phải là công nghệ kết hợp với nghệ thuật tự do, tính nhân văn, mang đến những kết quả khiến chúng ta cực kỳ hài lòng”.
Tim Cook, người kế nhiệm Steve Jobs, thì thường nói đi nói lại rằng chỉ Apple mới có thể kết hợp giữa phần cứng, phần mềm và các dịch vụ thành một khối duy nhất. “Chúng tôi không phải là một công ty phần cứng kể từ khi tôi làm ở Apple. Tôi nghĩ Apple chưa từng là một công ty phần cứng, thậm chí ngay ở giai đoạn đầu”, ông trả lời trong một hội nghị công nghệ hồi tháng 2 năm ngoái.
Nhưng mặc cho ông có thuyết phục thế nào, các nhà đầu tư Phố Wall dường như vẫn nhìn nhận và đánh giá Apple như một công ty phần cứng, khi sự bán chạy của các thiết bị, đặc biệt là iPhone, đã thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ của Công ty trong những năm qua. Nhưng khi tăng trưởng của iPhone - lĩnh vực phần cứng sinh lời nhất - được dự báo quay đầu đi xuống lần đầu tiên trong lịch sử thì các nhà đầu tư cũng kéo giá cổ phiếu Apple xuống theo. Bằng chứng là cổ phiếu Apple đã mất khoảng 25% giá trị kể từ mức cao mọi thời đại được thiết lập vào tháng 2.2015.
Tháng 1 vừa qua, những nỗi lo sợ ấy đã được chứng thực: Apple cho biết lượng iPhone bán ra chỉ đạt 74,8 triệu chiếc, tăng chưa tới 1% trong quý kết thúc vào tháng 12.2015, tốc độ tăng trưởng hằng năm chậm nhất từ trước đến nay của thiết bị này, vốn chiếm tới khoảng 2/3 doanh thu của Công ty. Không chỉ iPhone sa sút, mà lượng iPad bán ra cũng giảm 25% trong khi máy Mac giảm 4%.
Tổng doanh thu quý vừa qua của Apple cũng chỉ đạt 75,9 tỉ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo của giới phân tích là 76,6 tỉ USD. Lãi ròng đạt 18,4 tỉ USD, tăng 2%.
Đối với quý hiện tại kết thúc vào tháng 3 tới, Apple dự kiến doanh thu đạt trong khoảng 50-53 tỉ USD, giảm so với mức 58 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức dự báo 55,4 tỉ USD của phố Wall, theo S&P Capital IQ. Đây sẽ là lần đầu tiên doanh thu hằng quý suy giảm trong hơn 1 thập niên qua. Quá thất vọng, nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu Apple giảm 2,6% trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi kết quả kinh doanh hằng quý được công bố.
Tổng doanh thu quý vừa qua của Apple đạt 75,9 tỉ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo của giới phân tích là 76,6 tỉ USD. Lãi ròng đạt 18,4 tỉ USD, tăng 2%.
Những điều này cho thấy Apple, dưới thời của Tim Cook, đang vật lộn với một công ty công nghệ đã trưởng thành và đang bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm. Trong khi Apple từng đạt được tăng trưởng doanh thu cao ở mức 2 con số nhờ lượng iPhone và các thiết bị khác bán ra mạnh, nhưng tình hình kinh doanh đang đi xuống khi iPhone bắt đầu bão hòa và Công ty cũng chưa tung ra một thiết bị “bom tấn”’ mới nào.
Kết quả kinh doanh quý vừa qua đã đặt ra câu hỏi: Apple sẽ làm gì để thỏa mãn các nhà đầu tư đang trông đợi mức tăng trưởng cao cũng như làm hài lòng người tiêu dùng, vốn trông đợi ở Apple những công nghệ mới, đột phá? Một số nhà đầu tư đã “đối xử” Apple giống một cổ phiếu giá trị, hơn là một cổ phiếu tăng trưởng, gắn liền hình ảnh của Công ty với các kết quả kinh doanh có thể dự đoán trước cùng mức chia cổ tức ổn định, hơn là một công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, vượt trội.
Trong một cuộc họp với giới phân tích vào tuần qua, Tim Cook cho biết tăng trưởng chậm lại ở Apple cho thấy sự không chắc chắn về kinh tế vĩ mô và các thị trường tài chính. “Chúng tôi đang chứng kiến các điều kiện cực kỳ khắc nghiệt không giống như bất cứ cái gì chúng tôi trải nghiệm trước đó... Các thị trường chính trong đó có Brazil, Nga, Nhật, Canada, Đông Nam Á, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực đồng euro đều bị tác động bởi tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá cả hàng hóa giảm và các đồng tiền suy yếu”, ông nói.
Liệu Apple đang bắt đầu chu kỳ đi xuống? Và tương lai nào cho công ty có giá trị nhất thế giới? Đáng chú ý là tuần qua, ngoài công bố kết quả kinh doanh hằng quý, Apple cũng đồng thời báo cáo các dữ liệu mới nhằm nhấn mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng của mảng dịch vụ, đứng đầu là kho ứng dụng App Store. Apple cũng tiết lộ rằng số thiết bị Apple được sử dụng đã vượt qua con số 1 tỉ. “Chúng tôi có một lượng lớn thiết bị sử dụng một cách “tích cực” các dịch vụ của chúng tôi và con số này đang tăng rất nhanh”, Luca Maestri, Giám đốc Tài chính của Apple, nói.
Maestri cũng cho biết mức chi tiêu của khách hàng vào các ứng dụng, âm nhạc và phim ảnh qua các thiết bị của Apple (trước khi Apple trừ đi gần 70% doanh thu chia cho các nhà phát triển) đã tăng 23% vào năm ngoái đạt 31,2 tỉ USD. “Đây là một mảng lớn trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi, đang tăng trưởng nhanh và cũng rất sinh lời”, Maestri nói.
Thời điểm Apple bất ngờ công khai về doanh thu mảng dịch vụ lại diễn ra cùng lúc với thời điểm khuyến cáo về tình trạng sụt giảm của iPhone. Điều đó không khỏi khiến nhiều người nghi ngờ rằng Apple có động cơ khác. “Phản ứng của khách hàng là phải chăng tiết lộ doanh thu dịch vụ là để chuẩn bị cho sự thật rằng iPhone không còn là động cơ tăng trưởng trong nhiều quý sắp tới?”, Amit Daryanani, chuyên gia phân tích tại RBC Capital Markets, nhận xét.
Đồng quan điểm, Ben Bajarin, chuyên gia phân tích tại Creative Strategies, cho rằng: “Họ (Apple) đang cố lái câu chuyện sang hướng khác. Họ đang cố kể một câu chuyện rằng họ không chỉ là một công ty phần cứng. Nhưng Phố Wall sẽ chỉ tin khi nào Apple cho họ thấy đồng tiền thực làm ra”.
Hơn nữa, mảng internet của Apple chủ yếu dựa trên lượng khách mua dịch vụ, trong khi các công ty như Facebook dựa vào các dịch vụ miễn phí được tài trợ bởi quảng cáo. Không giống như thước đo chuẩn về lượng người dùng duy nhất hằng tháng, con số “hơn 1 tỉ thiết bị được sử dụng” mà Apple tiết lộ được cho là bị thổi phồng bằng một cách tính khác, cụ thể là tính một người sở hữu cùng lúc 1 thiết bị iPhone, 1 thiết bị iPad và 1 đồng hồ Apple Watch thành 3 người sử dụng, trong khi thực tế chỉ là 1 người dùng duy nhất.
Ông Bajarin ước tính con số người dùng duy nhất của Apple chỉ xấp xỉ 600 triệu người. “Chúng ta cần biết lượng người dùng duy nhất tuyệt đối là bao nhiêu và có tăng lên hay không? Và doanh thu hằng năm mỗi người sử dụng là bao nhiêu? Con số này có tăng lên?”, ông đặt câu hỏi.
Dù thế nào, Tim Cook cũng đang đối mặt với một thực tế là iPhone, động cơ tăng trưởng chính của Công ty, đang trên đà sa sút. Và chắc chắn, sẽ mất một khoảng thời gian mới có thể thay đổi được suy nghĩ “Apple hoàn toàn phụ thuộc vào iPhone”.
Thậm chí với mảng dịch vụ đang tăng trưởng nhanh hơn doanh số bán phần cứng thì iPhone vẫn còn chiếm tới 68% tổng doanh thu của Apple trong quý gần đây nhất - giảm được chưa tới 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu 5,5 tỉ USD từ mảng dịch vụ quý vừa qua của Apple chỉ chiếm 7% tổng doanh thu.
Rõ ràng, Tim Cook có nhiều việc phải làm để chứng minh Apple vẫn xứng đáng là công ty có giá trị nhất thế giới.
Ngô Ngọc Châu
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư