Coca-Cola kiên định với mục tiêu phát triển bền vững
Việt Nam vẫn giữ vị trí quan trọng trong chiến lược của Coca-Cola tại Đông Nam Á sau khi đại gia nước giải khát này tuyên bố rót thêm 300 triệu USD cho mục tiêu phát triển bền vững tại đây.
Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội vừa đón chuyên cơ của một vị khách đặc biệt là ông Muhtar Kent, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Coca-Cola. Năm 2009, nhà lãnh đạo này đã chọn Việt Nam là thị trường cần viếng thăm ngay sau khi nhậm chức, cùng khoản đầu tư 200 triệu USD đi kèm. Lần này, điểm đến của ông Kent là Hà Nội với cam kết đầu tư lớn hơn, lên tới 300 triệu USD trong 3 năm tới. Vì sao Việt Nam hấp dẫn Coca-Cola đến như vậy?
Nửa tỉ USD cho Việt Nam
Thống kê của Business Monitor International (Anh) trong quý I/2012 cho thấy, ngành nước giải khát không cồn của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trung bình 8,2%/năm từ 2012-2016. Doanh số ngành năm nay dự kiến đạt hơn 398 triệu USD, tăng 14% so với năm 2011. Các chỉ số lạc quan này chắc chắn đã được nhà lãnh đạo của Coca-Cola tham khảo trước chuyến đi thứ hai đến Việt Nam nhằm tăng cường các hoạt động đầu tư tại đây.
“Việt Nam là thị trường tăng trưởng quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình chúng tôi nhắm tới mục tiêu của tầm nhìn 2020 gồm việc tăng gấp đôi doanh số và số lượng thức uống trên toàn cầu”, ông Muhtar Kent Coca-Cola nói. Khoản đầu tư 300 triệu USD sẽ được đại gia nước giải khát tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mới để nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường, nhãn hiệu, phát triển các phương pháp truyền thông tiếp thị tiên tiến, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao hợp tác với khách hàng trong nước nhằm hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam đến năm 2015 và các năm tiếp theo. Như một minh chứng khởi đầu cho khoản đầu tư mới này, Công ty Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ với Liên hiệp Hợp tác xã Thương Mại TP.HCM (Saigon Co.op) thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau giữa 2 đại gia ngành công nghiệp nước giải khát và ngành bán lẻ hiện đại. Thỏa thuận hợp tác thương mại này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, hứa hẹn xây dựng và phát triển một mối quan hệ hợp tác bền vững trong nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thị trường Việt Nam.
Một điểm nhấn khác của khoản đầu tư mới của Coca-Cola tại Việt Nam là tạo ra rất nhiều việc làm từ những ngành hỗ trợ khác. Thông tin từ tập đoàn này nêu rõ, với chuỗi cung ứng hiện tại của mình, mỗi việc làm từ Coca-Cola sẽ góp phần tạo thêm 10 việc làm khác từ những ngành có liên quan như nhà cung cấp chai, nhãn mác, bao bì, nắp chai, các nhà phân phối, bán lẻ, nhà cung cấp thiết bị làm lạnh...
Tháng 9.2009, vị lãnh đạo Coca-Cola toàn cầu đã đến TP.HCM ngay sau khi nhậm chức cùng khoản đầu tư 200 triệu USD từ 2009-2012 cũng với mục tiêu nâng cao quy mô sản xuất, tăng cường các kênh phân phối, hoạt động tiếp thị và đào tạo nhân lực. Khoản đầu tư này đã giúp Coca-Cola duy trì tốc độ tăng trưởng/năm tại Việt Nam ở mức 2 con số trong 3 năm qua với 3 nhà máy trên cả nước chuyên sản xuất Coca-Cola, Coca-Cola Light, Fanta, Sprite và không có gas như Minute Maid Teppy, Minute Maid Nutriboost, Samurai, Real Leaf và Dasani.
Con số thống kê của BMI (Anh) trong quý I/2012 cũng cho thấy, trung bình mỗi người tiêu dùng Việt Nam chỉ uống trên 20 lít nước đóng chai không cồn/năm. “Chỉ số tiêu dùng trên đầu người đối với ngành nước giải khát không cồn của người Việt hiện chỉ đạt khoảng 20% tỉ lệ trung bình của thế giới”, ông Muhtar Kent Coca-Cola cho biết. Như vậy, thị trường nước giải khát không cồn trong nước vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mục tiêu phát triển bền vững
Trên thực tế, có nhiều mô hình tăng trưởng như phát triển nóng, tăng trưởng thiên lệch và tăng trưởng bền vững. Ở Việt Nam, trong dài hạn, cần hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững vì nó chú trọng cả yếu tố kinh tế lẫn phát triển con người thông qua giáo dục, y tế, tái tạo nguồn tài nguyên và năng lượng sạch. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững này.
Tại Việt Nam, Coca-Cola là nhà đầu tư lớn song hành cùng các hoạt động vì sự phát triển bền vững của Việt Nam với khoản đầu tư gần 1,5 triệu USD cho các dự án từ năm 2010. Đặc biệt, năm 2011, Coca-Cola đã phát động chương trình Live Positively gồm Tiết kiệm năng lượng, Bảo vệ môi trường và nước.
Đối với tiết kiệm năng lượng, Coca-Cola tập trung nâng cao hiệu năng sử dụng điện tại 3 nhà máy đóng chai tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Hãng sẽ ngừng sử dụng hydro-fluorocarbon trong tất cả tủ ướp lạnh tại Việt Nam vào năm 2015.
Mục tiêu toàn cầu của Hãng là hoàn trả nước sạch cho thiên nhiên và con người tương đương với lượng nước Coca-Cola đã đưa vào sản xuất trước năm 2020. Từ năm 2004, Hãng đã nâng mức tiết kiệm nước tại các nhà máy ở Việt Nam lên 47% và dự kiến mức này sẽ được nâng thêm 10% trước năm 2015. Coca-Cola đã bù đắp lượng nước sử dụng bằng cách tham gia vào các dự án tại địa phương có liên quan tới bảo tồn nguồn nước và tăng khả năng tiếp cận nước sạch của cộng đồng. Thông qua liên kết với các tổ chức như Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, Tổ chức định cư con người của Liên Hiệp quốc và Trung tâm nghiên cứu sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng, những dự án trả nước sạch về cho môi trường đã mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 30.000 người Việt Nam.
Hiện Coca-Cola vẫn khẳng định vị trí tiên phong của mình tại đây không chỉ với số vốn nửa tỉ USD, mà họ còn là một công dân đầy trách nhiệm, luôn đồng hành cùng quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.