Cuộc chiến với hàng ngoại của doanh nghiệp Việt
Trong khi các doanh nghiệp ngoại ồ ạt đổ bộ với những đại siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại thì doanh nghiệp nội cũng len lỏi chia nhau từng ngách trống của thị trường.
Anh Hồ Hiệp, quận Gò Vấp, TP HCM chia sẻ, trong bán kính 3 km quanh nhà anh ở đường Lê Đức Thọ có đến 8 siêu thị, đại siêu thị, chưa kể các cửa hàng tiện ích.
Từ cuối năm 2014 đến nay, hàng loạt siêu thị, trung tâm mua sắm lớn đồng loạt khai trương tại quận này. Bên cạnh các điểm đã hoạt động, còn nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đang “xếp hàng” chờ khai trương đầu năm 2016.
Thị trường 100 tỷ USD năm 2016
Năm 2015, TP HCM liên tiếp đón nhận sự xuất hiện của các trung tâm thương mại (TTTM) hiện đại, siêu thị lớn phủ khắp từ khu vực trung tâm đến ngoại thành.
Sau khi liên doanh Mapletree của Singapore và Saigon Co.op đưa SC VivoCity Việt Nam vào hoạt động tháng 4 ở quận 7, thì ngay lập tức SSG cũng đưa Pearl Plaza với mô hình tương tự ra mắt tại khu Văn Thánh – Bình Thạnh. Tiếp đó, Vincom Mega Mall cũng mở cửa đón khách ở khu vực Thảo Điền, quận 2, chỉ cách Pearl Plaza hơn 1 km.
Sự xuất hiện đáng chú ý nhất những ngày cuối năm 2015 là đại siêu thị Emart của tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc tại Gò Vấp sau 5 năm khảo sát và nghiên cứu thị trường Việt Nam. Mới đi vào hoạt động, nhưng theo thông tin từ chủ đầu tư, 99% gian hàng cho thuê tại siêu thị này được lấp đầy.
Là tân binh, nhưng Vingroup đang thu hút sự chú ý của thị trường bán lẻ khi công bố 2 thương hiệu mới VinMart và Vinmart+ cùng kế hoạch xây dựng hệ thống bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích khắp cả nước từ 2014-2016.
Trong năm 2015, tập đoàn này đã đưa 10 TTTM mới vào hoạt động cùng với hàng trăm siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tham vọng của tập đoàn này là khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam, mở ra những trải nghiệm mới về phong cách sống hiện đại. Theo kế hoạch, Vincom sẽ đạt tới con số gần 50 TTTM trên toàn quốc vào năm 2016.
Saigon Co.op cũng vừa kết thúc cuộc đua năm 2015 với việc mở cửa siêu thị thứ 32 tại TP HCM, nâng tổng số siêu thị Co.op mart khắp cả nước lên con số 80.
Không tham vọng chen chân vào thị trường với những siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, Thế Giới Di Động âm thầm mở những siêu thị mini theo mô hình cửa hàng bách hóa hiện đại tại các quận vùng ven TP HCM. Trong năm 2015, 13 cửa hàng mở bán. Đơn vị này cho biết vẫn tiếp tục tìm kiếm một mô hình hoàn thiện.
Theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỷ USD vào năm 2016. Còn số liệu từ Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ.
Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh cho rằng, thị trường bán lẻ Việt dù đang có nhiều ông lớn nội, ngoại tham gia, song chuyện cạnh tranh đến thời điểm này vẫn chưa phải là quyết liệt, khi nhu cầu rất lớn.
CEO này cũng đưa ra thống kê khối bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm trên dưới 25% thị phần với 300-400 siêu thị hiện đại, dưới 1.000 cửa hàng tiện ích. Khối truyền thống vẫn chiếm ưu thế với khoảng 1,4 triệu hàng quán, điểm bán nhỏ, chiếm hơn 70% thị phần.
"Với nhu cầu thị trường hiện nay, chúng tôi không lo cạnh tranh với các nhà bán lẻ lớn. Tôi thấy mình chỉ cần làm tốt ý tưởng của mình. Chúng tôi có mở đến 1.000 siêu thị mini cũng không ảnh hưởng đến thị trường, vì nhu cầu còn rất rộng", ông Doanh nói.
Theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỷ USD vào năm 2016. Còn số liệu từ Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Hiện có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.
Lực hấp dẫn với doanh nghiệp ngoại
Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Theodore Knipfing, Giám đốc dịch vụ bán lẻ Cushman&Wakefield châu Á - Thái Bình Dương, cho biết các nhà bán lẻ quốc tế thật sự quan tâm đến thị trường châu Á, cụ thể là Myanmar, Việt Nam và Campuchia. Trong đó, thị trường Việt Nam được xem là tiềm năng hơn, do Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của mình trong cộng đồng châu Á.
Ông Choi Kwang Ho, Tổng giám đốc Emart Việt Nam, cũng thừa nhận Việt Nam là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Đó là lý do tại sao Việt Nam là thị trường thứ hai thống Emart chọn khi tiến ra nước ngoài.
“Ban đầu, chúng tôi dự tính Trung Quốc là thị trường cơ sở để tiến ra Đông Nam Á. Nhưng sau khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Việt Nam tiềm năng hơn. Do đó, chúng tôi quyết định dồn mọi nguồn lực để đầu tư tại Việt Nam và biến nơi đây thành thị trường vững chắc, làm bàn đạp để thâm nhập thị trường khác”, ông Choi Kwang Ho nói.
Sự xuất hiện ồ ạt của các nhà bán lẻ ngoại đang cho thấy cán cân thị trường nghiêng hẳn về các doanh nghiệp đến từ nước ngoài, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp. Song ông Theodore Knipfing cho rằng, những doanh nghiệp nội đang có lợi thế hơn, vì họ hiểu rõ về người tiêu dùng trong nước, có mối quan hệ rộng rãi trên thị trường, có quỹ đất...
Dù vậy, doanh nghiệp nước ngoài lại có nhiều kinh nghiệm vận hành, có nguồn vốn mạnh, họ cũng có những lợi thế nhất định để mang đến cho thị trường. Chính vì vậy, các nhà bán lẻ nội nếu biết học hỏi những cái mới, cái hay từ các nhà bán lẻ nước ngoài, kết hợp với các ưu điểm của mình thì sẽ phát huy lợi thế cạnh tranh lên mức cao nhất.
“Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, mọi thứ dần trở nên bão hòa tại nước của họ, buộc họ phải tìm các thị trường mới ở nước ngoài để mở rộng, thì Việt Nam đang là điềm đến yêu thích của các nhà đầu tư nói chung và bán lẻ nói riêng.
Việt Nam với nhiều điều kiện thuận lợi như dân số trẻ, thu nhập đầu người tăng, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều hiệp định thương mại được ký kết... đã khiến các thương hiệu quốc tế tự tin khi đầu tư vào”.
Ông Theodore Knipfing - Giám đốc Dịch vụ bán lẻ Cushman&Wakefield châu Á - Thái Bình Dương
Hà Linh
Nguồn Zing News