Khơi thông vướng mắc để thương mại điện tử “có đất dụng võ”

Với tốc độ tăng trưởng người sử dụng Internet nhanh nhất châu Á, hiện Việt Nam đang có tới 1/3 dân số là khách hàng tiềm năng của thương mại điện tử. Chính vì vậy, nhiều các chính sách về thương mại điện tử cũng được sửa đổi để gần hơn với thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, vẫn còn nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật, gây mất lòng tin người tiêu dùng. Điều này đã kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử thời gian qua và không tạo được những bước tiến dài như kỳ vọng.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Trọng, Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử xung quanh vấn đề này.

* Ai cũng bàn về một năm 2015 bùng nổ của thị trường thương mại điện tử. Ông có thể nói rõ thêm về sự bùng nổ này không?

Năm 2015 có thể được coi là một năm bùng nổ của thương mại điện tử với những điếm đáng chú ý, những tập đoàn lớn trong nước bắt đầu tập trung đầu tư vào thương mại điện tử, điển hình là Adayroi của VinGroup. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm thị trường này nhiều hơn thông qua việc đầu tư vào các công ty đang có vị thương hiệu uy tín trong nước như Lazada, Lingo, Bizweb, Haravan…

Khơi thông vướng mắc để thương mại điện tử “có đất dụng võ”

Ông Trần Văn Trọng, Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử. Ảnh: Trần Trung / BNews / Vietnam+

Thị trường thương mại điện tử đã trở thành sân chơi không chỉ cho doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể (như sản phẩm làng nghề truyền thống, tiểu thủ công mỹ nghệ), doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm đặc thù như Bảo hiểm của PTI…

Người tiêu dùng và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới thương mại điện tử nhiều hơn, cụ thể trong Ngày mua sắm trực tuyến 2015 thì số lượng doanh nghiệp tham gia tăng gấp đôi và giá trị giao dịch trong một ngày tăng khoảng gấp 3 lần so với năm ngoái.

Có thể nói thương mại điện tử trong nước có khá nhiều thuận lợi cả về hạ tầng viễn thông, môi trường pháp lý hay cộng đồng sử dụng Internet lớn, đa phần là giới trẻ dễ dàng tham gia mua sắm trực tuyến.

* Dù thương mại điện tử Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng cả về quy mô và doanh số thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại “chết yểu.” Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này?

Đầu tiên, ta cần lưu ý là dù kinh doanh trong bất kỳ môi trường nào cũng có sự cạnh tranh đi kèm sự thành công và thất bại. Có thể nói thương mại điện tử tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn bùng nổ về quy mô thị trường ở bề rộng, tuy nhiên giá trị thị trường này còn khá thấp so với các hình thức kinh doanh khác cũng như so với thế giới. Có thể kể ra một số nguyên nhân như người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng vào mua sắm trực tuyến… Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử như thanh toán, chuyển phát, hỗ trợ sau bán hàng… chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.

Mô hình kinh doanh thương mại điện tử cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực, kế hoạch dài hạn và hướng đi mới tạo sự khác biệt trong môi trường đầy năng động này.

TMĐT tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn bùng nổ về quy mô thị trường ở bề rộng, tuy nhiên giá trị thị trường này còn khá thấp so với các hình thức kinh doanh khác cũng như so với thế giới.

* Mặc dù có ưu thế rõ rệt so với hình thức kinh doanh truyền thống, tuy nhiên sau nhiều năm có thể thấy thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa thực sự lấy được niềm tin của khách hàng. Theo ông, đâu là lý do chính của vấn đề này?

Nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ hai phía, đối với doanh nghiệp thì nguồn nhân lực có kỹ năng sâu về thương mại điện tử còn hạn chế, đa phần doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử ở mức cơ bản. Điển hình theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 thì đa số doanh nghiệp sử dụng website để cung cấp thông tin doanh nghiệp và sản phẩm.

Mới có 53% website có tính năng đặt hàng trực tuyến, 17% website có tính năng thanh toán trực tuyến. Do đó, đa số sản phẩm dịch vụ chưa thực sự làm hài lòng người tiêu dùng từ sự đa dạng phong phú của thông tin tới những trải nghiệm mua sắm tiện ích mà đáng lẽ ra doanh nghiệp cần phải xây dựng thật hoàn thiện.

Doanh nghiệp chưa nhận thức được sức mạng thực sự của Internet, bên cạnh việc giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh thì nó cũng bao hàm những thách thức cho các doanh nghiệp kinh doanh chộp giật. Còn người tiêu dùng thì vẫn lo sợ về vấn để bảo mật thông tin cá nhân khi mua sắm cũng như chất lượng hàng hóa dịch vụ không đảm bảo như quảng cáo.

Thói quen sử dụng tiền mặt và tâm lý muốn kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã có từ lâu cần thời gian dài để thay đổi. Các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như thanh toán, chuyển phát chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.

* Online Friday, sự kiện ngày mua sắm trực tuyến được tổ chức rầm rộ đã thu hút sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khách hàng tỏ ra thất vọng về tình trạng giảm giá ảo của một số doanh nghiệp. Ông có thể nói gì về điều này?

Mấu chốt của vấn đề này nằm ở nhận thức của doanh nghiệp mà cụ thể là nguồn nhân lực có kỹ năng tốt về thương mại điện tử còn hạn chế. Mặc dù Ban tổ chức đã tích hợp thêm các hệ thống so sánh sản phẩm và chức năng phản ánh về các sản phẩm sai quy chế, tuy nhiên doanh nghiệp mà cụ thể là nhóm đội ngũ nhân sự phụ trách thương mại điện tử vẫn đưa sản phẩm lên website sai với Quy chế của chương trình.

Khơi thông vướng mắc để thương mại điện tử “có đất dụng võ”

Ảnh minh họa: Minh Tú / TTXVN

Bên cạnh đó hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của đại đa số doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn chưa đạt mức tùy biến phù hợp để hỗ trợ việc giảm giá hàng trăm nghìn sản phẩm chỉ trong một ngày duy nhất.

* Tết Nguyên Đán cận kề cũng là dịp việc mua bán trên mạng lại nở rộ trong khi lại thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông, cần phải có cơ chế giám sát nào để những hoạt động này đi vào quy củ?

Do đặc thù thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay vẫn có thể coi là một mô hình mới nên vẫn cần một khoảng thời gian phù hợp để doanh nghiệp nhận thức và chấp hành đầy đủ những quy định pháp luật liên quan tới thương mại điện tử.

Có thể thấy dịp cuối năm là thời điểm được đánh giá khá nhộn nhịp của thị trường tiêu dùng dù ở phương thức mua sắm truyền thống hay trực tuyến. Đây là thời điểm người tiêu dùng có nhu cầu và cũng có quỹ ngân sách khá thoáng cho việc mua sắm đặc biệt để đón tết cổ truyền. Về phía các đơn vị bán hàng cũng coi đó là thời điểm thích hợp trong năm để tung ra những chính sách hậu mãi tốt nhất cho khách hàng của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh thì cũng xuất hiện không ít doanh nghiệp kinh doanh chộp giật lợi dụng thời điểm này để tư lợi với nhiều hình thức kinh doanh không lành mạnh. Vì vậy, các cơ quan nhà nước cần triển khai nhiều hơn nữa hoạt động thanh tra kiểm tra để giám sát doanh nghiệp đưa họ vào khuôn khổ kinh doanh lành mạnh.

Đặc biệt cần tăng cường phổ biến tuyên truyền kỹ năng mua sắm trực tuyến tới đông đảo cộng đồng, có những hình thức cụ thể để tiếp thu những ý kiến phản hồi của người tiêu dùng thông qua các công cụ trực tuyến.

* Nhiều ý kiến cho rằng không doanh nghiệp thương mại điện tử nào có thể tồn tại một mình mà cần phải có sự hợp tác với nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau để cùng phát triển. Vậy ông nhận xét về vấn đề này như thế nào?

Điều này là hoàn toàn đúng, đó cũng là mục tiêu của các cơ quan tổ chức; trong đó có Hiệp hội Thương mại điện tử trong quá trình thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử trong nước. Ngày mua sắm trực tuyến là một điển hình cho mục tiêu này. Bên cạnh việc đem lại lợi ích cho khách hàng từ những sản phẩm khuyến mãi giảm giá với chất lượng tốt là mục tiêu giúp người tiêu dùng tiếp xúc nhận thức và tham gia mua sắm nhiều hơn.

Khơi thông vướng mắc để thương mại điện tử “có đất dụng võ”

Ảnh: Bộ Công Thương

Chương trình còn là cầu nối giữa các nhà bán hàng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ như chuyển phát, thanh toán, ngân hàng… để cùng nâng cao chất lượng dịch vụ với chi phí thấp nhất đem lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

* Theo ông, thời gian tới cần những biện pháp nào để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ hiệu quả cũng như cần những chính sách nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh có được sân chơi bình đẳng?

Cho đến nay môi trường chính sách và pháp luật cho thương mại điện tử khá hoàn thiện và đảm bảo đầy đủ quyền lợi cũng như nghĩa vụ cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất mới của loại hình này nên cần thời gian để doanh nghiệp thực thi các nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật trong thương mại điện tử.

Ngoài ra, giai đoạn tới cần có chiến lược phát triển kế hoạch tổng thể cho cả giai đoạn 2016-2020 để có những định hướng cụ thể cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng như giúp các cơ quan tổ chức có một cơ sở nền tảng triển khai thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.

Cũng cần hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử đặc biệt là giải quyết tranh chấp trực tuyến. Song song với việc hỗ trợ quản lý doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức hiệp hội ngành nghề cần mở rộng việc tuyên truyền, đào tạo kỹ năng cho người tiêu dùng khi tham gia vào môi trường trực tuyến từ việc tìm kiếm hàng hóa sản phẩm và đơn vị bán hàng phù hợp tới những kỹ năng thanh toán, bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường này…

* Xin cảm ơn ông!

Trần Trung
Nguồn Vietnam Plus