Thương mại điện tử Việt Nam: Chuyện những con cáo đã tìm đến thị trường Việt Nam

Trong số các lĩnh vực được cho là tiềm năng nhất trong nền kinh tế Việt Nam vài năm tới, thương mại điện tử là một trong những miếng bánh béo bở nhất.

Quả thực nó đã hấp dẫn không ít những con cáo tìm đến, nhưng đáng tiếc một điều là chùm nho hãy còn hơi xanh.

Sự rút lui khỏi thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của hai cái tên khá nổi là Beyeu và Deca vào những ngày cuối năm 2015 dường như đang đặt ra câu hỏi: Liệu thị trường được đánh giá là có tiềm năng lên đến 5 tỷ USD của Việt Nam có đang là một cuộc chiến quá khốc liệt?

Cuộc chơi của đại gia?

Nếu nhìn qua những cái tên đáng chú ý trên thị trường TMĐT Việt Nam thời gian vừa qua, có vẻ như đây đúng là một cuộc chiến khốc liệt thực sự, vì toàn những đại gia. Lần lượt từ Vingroup, Thế giới Di động, đến Điện máy Nguyễn Kim gia nhập cuộc chơi. Chưa kể hàng loạt những cái tên lớn đến từ nước ngoài như Rocket Internet (Đức), Rakuten (Nhật) cũng bắt đầu tìm kiếm thị phần trong lĩnh vực được đánh giá là tiềm năng nhất trong tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam này.

Sự quan tâm cao độ của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước đối với thị trường TMĐT Việt Nam cũng không có gì khó hiểu, khi nó đang được đánh giá có tiềm năng lên tới khoảng 5 tỷ USD. Dân số hơn 90 triệu người và số người sử dụng Internet lên đến hơn 1/3 dân số, trong đó 67% có mua sắm online... đó là những lợi thế lớn báo hiệu cho một thị trường TMĐT năng động và giàu tiềm năng.

Thương mại điện tử Việt Nam: Chuyện những con cáo đã tìm đến thị trường Việt Nam

Ảnh minh họa

Các trang web bán hàng trực tuyến đã manh nha từ cách đây vài năm, kéo theo những tập đoàn lớn nước ngoài như Rocket Internet của Đức với 2 nhãn hiệu khá nổi tiếng là Lazada và Zalora. Sự thành công của các tập đoàn TMĐT lớn như Alibaba tại một thị trường mới nổi khác như Trung Quốc cũng khuyến khích các tập đoàn và doanh nghiệp trong nước gia nhập cuộc chơi với số vốn đầu tư khổng lồ.

Nhưng việc ra đi của Beyeu và Deca đặt ra câu hỏi phải chăng đây là hệ quả của một cuộc cạnh tranh khốc liệt, mà các tay chơi toàn là đại gia?

Vẫn chưa chín muồi

Bất chấp những tiềm năng lớn nói trên, ở thời điểm hiện tại có thể dễ dàng nhận thấy thị trường TMĐT Việt Nam vẫn chưa chín muồi. Dù tỉ lệ người mua sắm online lên tới 67% số người sử dụng Internet ở Việt Nam, nhưng hầu hết người mua vẫn giữ thói quen trả tiền mặt sau khi nhận hàng chứ không qua thẻ điện tử.

Chưa kể số người mua sắm online thường xuyên trong số 67% này tương đối ít, đa phần người Việt Nam vẫn quen với việc mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng. Tất cả những trở ngại này đang gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp TMĐT muốn khai phá thị trường.

Thực tế ở thị trường Trung Quốc đã chỉ ra, TMĐT chỉ thực sự có điều kiện phát triển khi nó có được sự tương thích đáng kể với lối sống và sinh hoạt của người dân sở tại. TMĐT ở Trung Quốc chỉ thực sự phát triển sau khi lối sống công nghiệp bắt đầu được phổ biến rộng rãi ở các thành phố và phần lớn người dân nước này. Công việc quá bận rộn khiến cho phần lớn người dân Trung Quốc chuyển sang mua sắm trực tuyến để tiết kiệm thời gian, điều này thậm chí còn trở thành một trào lưu trong giới trẻ Trung Quốc sau đó.

Ngoài ra, nó còn phụ thuộc một phần vào đặc điểm văn hóa, chẳng hạn người Nhật dù bận rộn không kém người Trung Quốc nhưng lại thích đến các cửa hàng tiện lợi hơn là mua sắm trực tuyến.

Thương mại điện tử Việt Nam: Chuyện những con cáo đã tìm đến thị trường Việt Nam

Ảnh minh họa: Executionists

Đó là lý do hầu hết các doanh nghiệp đang đầu tư vào thị trường TMĐT tại Việt Nam chủ yếu đang hướng đến việc khai phá hướng đi và cố gắng thiết lập các thói quen mua sắm trực tuyến cho người sử dụng, hơn là hướng đến lợi nhuận tức thì.

Đa phần các doanh nghiệp này chấp nhận lỗ trong giai đoạn đầu, kể cả những tên tuổi lớn nhất, đang chi phối nhiều thị phần nhất trên thị trường. Điển hình là Rocket Internet với 2 nhãn hiệu Lazada là Zalora đang chiếm 43,2% doanh thu trên toàn thị trường TMĐT Việt Nam, nhưng họ tiếp tục có một năm thua lỗ nữa. Trong năm 2013, hai nhãn hiệu này đã lỗ tổng cộng 151,9 triệu USD, sang năm 2014 con số lỗ đã thành 235,3 triệu USD.

Theo thống kê của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, doanh thu của khối nước ngoài tại thị trường TMĐT Việt Nam đến năm 2014 là 59%, nhưng tất cả đều thua lỗ nghiêm trọng và không có lãi.

Tất cả những điều này cho thấy, TMĐT ở Việt Nam đúng là rất tiềm năng, nhưng những nhà đầu tư còn phải kiên trì nỗ lực khá lâu nữa nếu muốn thu được quả ngọt.

Doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực và tiếp cận sai

Trường hợp thua lỗ của Lazada và Zalora đang là một dẫn chứng điển hình để chỉ ra một thực tế: TMĐT ở Việt Nam hiện nay không khác gì một cỗ máy xay tiền. Kể cả những tên tuổi chiếm thị phần tới gần 50% thị trường như Rocket Internet cũng không tránh khỏi cỗ máy xay ấy.

Theo ước tính, hằng tháng Lazada và Zalora tiêu tốn hàng trăm ngàn USD cho Google, Facebook và các công ty quảng cáo khác để thu hút khách hàng. Ngoài ra các nhãn hiệu này cũng phải chấp nhận khoản lỗ do hạ giá bán thấp hơn giá thị trường để lôi kéo khách hàng, vì yếu tố mấu chốt khiến khách hàng chấp nhận mua sắm online ở Việt Nam hiện nay vẫn là yếu tố giá cả chứ không phải vì sự thuận tiện vốn là ưu điểm chủ yếu của phương thức mua sắm này.

Thương mại điện tử Việt Nam: Chuyện những con cáo đã tìm đến thị trường Việt Nam

Ảnh minh họa: Search Engine Land

Chính vì đầu tư vào TMĐT quá tốn kém, nên các doanh nghiệp không đủ tiềm lực để bám trụ lâu dài sẽ dễ rơi vào tình trạng chấp nhận phải ra đi, mà Beyeu và Deca là một ví dụ.

Nhưng trên thực tế, lý do chủ đạo quan trọng nhất để bám trụ lại thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp phải có một chiến lược tiếp cận đúng cách.

Khá nhiều doanh nghiệp non trẻ mới chen chân vào lĩnh vực này đều vấp phải một sai lầm cơ bản là thay vì kiên trì hướng đến khai phá và thiết lập thói quen mua sắm trực tuyến của khách hàng, lại hướng ngay đến lợi nhuận để bù đắp vốn đầu tư. Phần lớn chấp nhận hạ giá sản phẩm xuống khá thấp với hy vọng tạo ra thói quen mua sắm online của khách hàng nhanh nhất có thể, thay vì cải thiện dịch vụ giao hàng và chất lượng sản phẩm.

Cách tiếp cận sai hướng này dẫn đến việc các doanh nghiệp này rất khó có thể gọi thêm vốn đầu tư để bám trụ tại một lĩnh vực được mệnh danh máy xay tiền.

Chỉ cần có một chiến lược tiếp cận đúng đắn, các doanh nghiệp TMĐT dù lỗ vẫn có thể tiếp tục gọi được thêm vốn đầu tư. Chẳng hạn như hai nhãn hiệu Lazada và Zalora đã có tới năm thứ 3 liên tiếp thua lỗ, nhưng Lazada vẫn vừa gọi thêm được 249 triệu USD từ nhà đầu tư Singapore, còn Zalora thì gọi thêm được 112 triệu USD từ một quỹ đầu tư tư nhân.

Phần lớn các doanh nghiệp này thay vì hướng đến lợi nhuận, lại tập trung xây dựng và hoàn thiện tối đa hệ thống đặt hàng, vận chuyển và giao hàng của mình để có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bùng nổ của thị trường trong tương lai.

Theo ước tính, thị trường TMĐT ở Việt Nam sẽ dần chín trong khoảng 2 đến 3 năm tới; về quy mô thị trường doanh thu trong năm2015 của TMĐT Việt Nam mới đạt khoảng 1,3 tỷ USD và có thể tăng lên gấp 3 lần sau năm 2017.

Nhàn Đàm
Nguồn Một thế giới