10 bài học kinh doanh từ Mr. Wonderful Kevin O’Leary
Kevin O’leary là một doanh nhân người Canada. Ông bắt đầu nổi lên trong thế giới kinh doanh sau khi bán Công ty phần mềm The Learning Company của mình cho Matel với giá 3,65 tỷ đô la vào năm 1999.
Kể từ khi làm giám khảo của show truyền hình khởi nghiệp nổi tiếng Shark Tank, tên tuổi của ông càng được biết đến nhiều hơn qua những lời nhận xét và lời khuyên thắng thắn dành cho các thí sinh tham gia chương trình.
Tuy vậy, không thể phủ nhận sự cương quyết đôi khi gay gắt trong lời khuyên của O’Leary lại giúp nhiều thí sinh tỉnh ngộ và có được những bài học bổ ích. Biệt danh “Ngài tuyệt vời” (Mr. Wonderful) cũng ra đời từ đó.
Kevin O’Leary từng viết 3 cuốn sách về chủ đề cuộc sống, kinh doanh và tiền bạc. Những cuốn sách này đều nằm trong danh sách bán chạy nhất, vì những gì ông viết đều rất bổ ích cho doanh nghiệp.
Dưới đây là 10 bài học kinh doanh mà chúng ta có thể học được từ Kevin O’Leary:
1. Kinh doanh như chiến đấu
Theo Kevin, kinh doanh như là một trận chiến và bạn tham gia để giành chiến thắng. Đừng để cảm xúc chi phối vì chúng sẽ khiến bạn thất bại. Thị trường sẽ là nơi xác định ai sống sót và những ai chưa sử dụng tất cả mọi thứ mà mình có. Đừng sợ khi thất bại. Chỉ cần điều chỉnh lại “nguồn lực” của bạn và bắt đầu lại bằng một kế hoạch khác.
“Kinh doanh như một trận chiến. Tôi tham gia và muốn đánh bại đối thủ cạnh tranh. Tôi sẽ giành thị phần của họ. Tôi sẽ khiến đối thủ khiếp sợ và muốn mọi người nghĩ rằng đội của tôi là những người chiến thắng”, Kevin O’Leary cho biết.
2. Tiền là những người lính của bạn
Kevin không đồng tình với những ai cho rằng tiền không phải là cái đáng theo đuổi và quan trọng nhất trong kinh doanh. Ông mô tả việc tham gia kinh doanh tài chính như việc đưa binh lính ra chiến trường.
“Tôi nghĩ tiền của mình như những người lính. Tôi gửi họ ra mặt trận mỗi ngày. Tôi muốn họ trở về nhà với các tù binh (tiền), càng nhiều càng tốt. Nếu một trong số những người lính chết, đó là điều tồi tệ. Nếu tất cả họ đều chết, có nghĩa là bạn phá sản”, ông nói.
3. Doanh nhân = Tự do
Kevin kể khi còn là thiếu niên ông làm việc tại một cửa hàng kem ở địa phương. Một ngày, ông được yêu cầu làm sạch kẹo cao su ra khỏi sàn, khi ông từ chối người chủ đã sa thải ông. “Sự cố” đó đã khiến ông cảm nhận rằng thân phận người lao động chẳng khác nào nô lệ, và ông cần có được sự tự do thật sự.
Từ đó trở đi, ông quyết tâm không bao giờ làm việc cho bất cứ ai, và nỗ lực để trở thành một doanh nhân như hôm nay.
4. Chi tiêu tiền lãi, không phải tiền dự trữ
Kevin cho biết phương châm của Quỹ đầu tư tài chính O’Leary của ông dựa trên nền tảng cơ bản mà ông học được từ mẹ của mình khi còn trẻ: “ Chỉ chi tiêu tiền lãi, không bao giờ chi tiêu tiền dự trữ”.
Điều này có nghĩa là đừng sử dụng số tiền dự trữ, tiết kiệm của bạn, số tiền mà bạn dự phòng cho trường hợp gặp bất trắc để kinh doanh. Nhưng bạn có thể sử dụng tiền lãi có được từ chúng để đầu tư, tức đem chúng trở lại “chiến trường”.
5. Đừng rơi vào tình yêu với những ý tưởng tồi
Theo Kevin, tiền sẽ bị mất bởi những ý tưởng tồi. Trên Shark Tank, bạn sẽ bắt gặp những doanh nhân vô cùng đam mê với những ý tưởng “lý tưởng” của họ. Nhưng những ý tưởng đó lại không thể bán hoặc không khả thi để triển khai trong thực tế. Khi gặp một thí sinh như thế, Kevin sẽ nhanh chóng đưa họ trở về thực tại.
“Tôi đã gặp rất nhiều doanh nhân có đam mê và có những tố chất tốt để thành công, nhưng trong số đó có những người quá say mê với một ý tưởng đến mức họ không thể nhìn thấy sự sai lầm dù chúng khá rõ ràng. Hãy nghĩ đến điều đó. Nếu bạn thậm chí không thể thừa nhận thất bại của mình, làm thế nào bạn có thể cắt được sợi dây trói buộc mình để có thể di chuyển?”, ông nói.
6. Cơ hội chỉ đến trong phút chốc
Được biết đến qua câu nói nổi tiếng trên Shark Tank, “Cơ hội gõ cửa, không ai ở nhà”, Kevin cho rằng cơ hội thường đến rất nhanh, thậm chí chỉ trong giây lát. Một lời đề nghị từ một nhà đầu tư có thể đến và tan biến trong khoảnh khắc. Vì thế, bạn cần tư duy nhanh và đưa ra quyết định nhanh không kém.
7. Đam mê không phải là tất cả
Khi còn trẻ, Kevin muốn sau này mình sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia thời trang, nhưng giấc mơ này đã tan biến khi cha ông nói với ông rằng “Con chỉ không đủ giỏi”.
Kevin thừa nhận rằng để có được số tiền mong muốn, niềm đam mê nhiếp ảnh không đủ để giúp ông đạt được chúng. Ông không sẵn sàng để trở thành một nghệ sĩ đói với hầu hết các bức ảnh của mình có thể không bán được, vì vậy ông bỏ lại sở thích này lại phía sau để theo đuổi nghiệp kinh doanh.
Qua đó, ông muốn nhắn nhủ rằng đừng để đam mê, sở thích làm mờ đôi mắt và đưa chân bạn rời xa khỏi sự thành công.
Ảnh: The Huffington Post
8. Bán hàng là tất cả
Rất nhiều ý tưởng kinh doanh không khả thi và bị từ chối thẳng thừng trong chương trình khởi nghiệp Shark Tank đều xuất phát từ việc không thể bán được.
Bạn có ý tưởng vĩ đại với một kế hoạch chi tiết để thực hiện, chỉ là không có doanh thu hoặc đơn đặt hàng thực tế, bạn sẽ gặp khó khăn trước nhà đầu tư.
Điều mà các nhà đầu tư muốn thấy là nhu cầu thị trường thực tế với việc khách hàng sẵn sàng trả tiền, trước khi họ mạo hiểm số tiền của mình vào ý tưởng của bạn.
“Bạn có gì để bán?” là câu Kevin thường hỏi các thí sinh Shark Tank.
9. Tiền không quan tâm đến bạn
Kevin từng nói:“ Đừng khóc vì tiền, bởi nó không bao giờ khóc vì bạn”. Bài học qua câu nói này là bạn phải tách biệt giữa cảm xúc và tiền bạc của bạn. Đừng bao giờ để cảm xúc chi phối những gì bạn sẽ làm với tiền của mình, đặc biệt trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp lại càng không.
Nếu bạn đang mất tiền, hãy thay đổi mô hình hoặc giải thoát khỏi ngành kinh doanh đó, nhưng đừng khóc vì nó.
10. Cái giá của sự thành công rất đắt
“Làm việc 24 giờ mỗi ngày là không đủ. Để thành công, bạn sẽ cần hy sinh nhiều thứ, bao gồm cả cuộc sống cá nhân, gia đình và một số thứ khác. Nếu mọi người nghĩ rằng thành công đòi hỏi ít hơn thế, họ đã sai và sẽ thất bại”, Kevin nói.
Ông không tin giả thuyết có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Bạn phải sẵn sàng đáp ứng mọi thứ để đạt được thành công. Đó là cốt lõi của tinh thần làm việc và là điều phân biệt giữa những người thất bại với những người thành công.
Văn Lộc / addicted
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn