Phim “Dũng sĩ Giác đấu” cho ta biết gì về sự lôi cuốn của quảng cáo?
Một trong những cảnh đáng nhớ nhất của phim “Dũng sĩ Giác đấu” là khi người hùng Maximus – bất mãn với đám đông đang đòi phải giết kẻ thua cuộc – đã quăng thanh gươm lên khán đài và la lớn “Các người không thỏa mãn sao?”.
Tuy nhiên, đối với những người làm quảng cáo thì câu hỏi tiếp theo của Maximus mới là hấp dẫn: “Đó không phải là lí do các người ở đây sao?”
Maximus biết rõ lí do tại sao đám đông có mặt tại đó. Họ không chỉ muốn thấy đấu sĩ xuống tay hạ thủ đối phương mà còn muốn kịch tính, họ muốn sự run sợ từ việc giết chóc và Maximus cho họ điều đó. Theo cách nói của Proximo: “Tôi là người giỏi nhất không phải là vì tôi ra tay nhanh gọn, mà vì đám đông yêu thích tôi”.
Giống với một võ sĩ giác đấu thành công, quảng cáo phải chiến thắng đám đông để tạo nên hiệu ứng. Quảng cáo hiệu quả luôn luôn gắn kết cảm xúc con người để có thể tạo ra sự chú ý. Có như vậy quảng cáo mới có thể để lại ấn tượng về thương hiệu mà người xem không thể bỏ qua. Nhiều thương hiệu mạnh hiện nay đang làm quảng cáo theo cách giải trí để thu hút một vài giây thời gian chú ý nơi người xem.
Tuy nhiên, công nghệ quảng cáo hiện tại đã cho phép người làm quảng cáo tách quảng cáo khỏi cảm xúc bằng cách dùng những dạng quảng cáo phiền phức hơn. Khi xem những clip như Gladiator trên YouTube, tôi bắt buộc phải chú ý tới một video pre-roll và sau đó là một mảng Call-To-Action trên màn hình (mà chỉ khiến tôi chú ý vào nút tắt quảng cáo ngay lập tức). Tuy vậy những quảng cáo này vẫn còn tương đối dễ chịu hơn quảng cáo dạng pop-ups và những quảng cáo ẩn dưới bài đọc (in-read ads) vốn luôn xuất hiện ở các website yêu thích của tôi. Thay vì làm tôi chú ý thông qua cảm xúc, các dạng quảng cáo lại xuất hiện chiếm tầm nhìn của tôi. Kết quả là tôi rất bực bội và không hề biết thương hiệu nào đang quảng cáo.
Trong lần phỏng vấn với tạp chí Warc, ông Ilya Vedrashko, SVP/Consumer Research của Tập đoàn Hill Holliday, cho biết: “Tôi nghĩ nhu cầu chặn quảng cáo là rất lớn, chủ yếu vì sự ham hố quá mức của chúng ta trong nỗ lực muốn kết nối với người dùng, làm phiền họ và buộc họ phải chú ý tới chúng ta”.
Theo tôi nghĩ, bạn không thể gắn kết với người dùng bằng cách để nhiều quảng cáo xuất hiện trước mặt họ và không cần biết nhu cầu cũng như mong muốn của họ. Hãy gắn kết người dùng bằng cách đưa ra những gì xứng đáng với thời gian họ bỏ ra cũng như thời điểm xuất hiện họ muốn thấy. Vấn đề của nền công nghiệp quảng cáo hiện tại là quên đi lý do tại sao người dùng có mặt tại đó. Họ muốn trải nghiệm gì? Bạn nghĩ mình có được sự chú ý của người dùng, nhưng thực ra bạn đang đánh mất nó. Đây là suy nghĩ riêng của tôi, bạn thấy sao? Cùng chia sẻ nhé.