Nóng bỏng mì ăn liền

Với bình quân 55,1 gói/người mỗi năm, VN đứng thứ 2 thế giới về lượng tiêu thụ mì ăn liền. Điều đó khiến cho thị trường này luôn nóng bỏng các cuộc chiến giành thị phần.

Đây là kết quả điều tra mới nhất do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc công bố. Theo báo cáo của bộ này, trung bình một năm mỗi người dân VN ăn 55,1 gói mì ăn liền, trong khi người dân xứ kim chi tiêu thụ tới 76 gói có trọng lượng trung bình là 120 gr.

Xếp thứ 3 và thứ 4 trong danh sách này là Indonesia và Thái Lan. Báo cáo cũng đưa ra số liệu cho thấy thị trường mì gói toàn cầu đã tăng trưởng ổn định ở mức 3,1%/năm tính từ năm 2007. Sản lượng tiêu thụ mì gói tại Hàn Quốc trong năm 2014 đạt 816.000 tấn, trị giá khoảng 2.500 tỉ won, tương đương 2,1 tỉ USD. Còn theo báo cáo của Hiệp hội Mì thế giới, nếu như năm 2009, VN tiêu thụ khoảng 4,3 tỉ gói mì thì đến năm 2012 đã tăng lên 5,1 tỉ gói, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Mức tiêu thụ trong nhiều năm trước luôn tăng trưởng hai con số.

Có lẽ mì gói là sản phẩm tiêu dùng phổ biến nhất trên thị trường VN và được bán rộng rãi từ cửa hàng bách hóa trong ngõ hẻm đến chợ, siêu thị... với hàng trăm chủng loại, giá cả khác nhau từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/gói. Thị trường rộng lớn này đã và đang thu hút được khá nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia cung cấp.

Nóng bỏng mì ăn liền

VN tiêu thụ mì gói nhiều thứ 2 thế giới - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo báo cáo Brand Footprint 2014 do Kantar Worldpanel thực hiện, mì ăn liền là ngành hàng có vị thế quan trọng trong rổ hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh của người tiêu dùng VN và là ngành hàng lớn nhất hiện nay. Với khoảng 50 DN tham gia nhưng chỉ riêng 3 "ông trùm" là Vina Acecook, Masan và Asia Foods chiếm đến 80% thị phần.

Trong đó, riêng Vina Acecook đã nắm đến hơn 50% thị phần với khoảng 20 nhãn hiệu mì các loại. 20% thị phần còn lại chia cho những tên tuổi khác như Vifon, Việt Hưng hay Micoem, Miliket... Còn theo nghiên cứu của một công ty kinh doanh sản xuất mì gói thì tổng doanh thu của thị trường này ở VN cũng đạt gần đến con số 2 tỉ USD.

Vì vậy thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến nhiều cuộc chiến đối đầu gay gắt giữa các nhãn hiệu. Chẳng hạn mới đây, đầu tháng 2.2015, Vina Acecook có công văn khuyến cáo đến Asia Foods và gửi khiếu nại lên Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ về việc mì “Hảo Hạng” của Asia Foods sử dụng các dấu hiệu như sợi mì, hình ảnh con tôm trên bao bì gần giống với mì “Hảo Hảo” của mình... Hoặc như đầu năm nay, khi mì Hảo Hảo có dấu hiệu khan hàng thì các quảng cáo mì được tung ra liên tục với những thông điệp gần giống nhau nhằm lôi kéo người tiêu dùng vốn đã quen với vị mì chua cay của Hảo Hảo...

Quảng cáo hỗ trợ rất lớn

Việc tham gia của hàng loạt DN trong và ngoài nước khiến cho cuộc chiến giành thị phần luôn gay gắt. Tham gia vào thị trường VN từ năm 2012 với việc xây nhà máy sản xuất mì ăn liền 41 triệu USD tại Bình Dương nhưng Tập đoàn mì Nissin Foods đến từ Nhật chưa có được sự bứt phá dù đã tung ra thị trường sản phẩm mì không chiên khá độc đáo. Hoặc như Vina Acecook, dù đang dẫn đầu thị trường với hơn 50% thị phần nhưng "đại gia" này cũng chưa bao giờ dám "ngủ quên trên chiến thắng". Năm 2012, đơn vị này đã tăng thêm 10 triệu USD vốn để đưa hai nhà máy sản xuất mì ăn liền tại TP.HCM với công nghệ hiện đại đi vào hoạt động nhằm giữ thị phần.

"Doanh nghiệp vẫn cần có khách hàng quen thuộc, kênh phân phối tổ chức tốt nhưng khi được quảng cáo mạnh thì mì ăn liền dễ dàng được người dùng chấp nhận và lựa chọn."

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Một gương mặt mới toanh trên thị trường này là Kinh Đô cũng đã đưa sản phẩm mì gói ra thị trường từ cuối năm 2014. Trong năm 2015, với sự bắt tay hợp tác với đối tác Saigon Ve Wong 100% vốn Đài Loan và được biết đến ở VN với nhãn hiệu A-One, Kinh Đô đang đặt mục tiêu sẽ lọt vào số các DN dẫn đầu thị trường trong thời gian tới... Sự tham gia ồ ạt của các DN khiến thị trường ngày càng sôi động. Đặc biệt những năm gần đây, xu hướng cạnh tranh qua chiến lược marketing, tiếp thị hình ảnh, quảng cáo hết sức đa dạng, chất lượng mì cũng được nâng lên rất nhiều. Chẳng hạn Vina Acecook nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng được bảo chứng bởi công nghệ Nhật Bản; Massan chuyển tải một thông điệp “không sợ nóng"...

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, mì ăn liền là sản phẩm phổ thông nên đa số đối tượng khách hàng là những người tiêu dùng dễ tính. Vì vậy quảng cáo đóng vai trò khá quan trọng trong việc bán hàng. Những thương hiệu có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng chi tiền để quảng bá liên tục sẽ dễ dàng gia tăng thị phần. “DN vẫn cần có khách hàng quen thuộc, kênh phân phối tổ chức tốt nhưng khi được quảng cáo mạnh thì mì ăn liền dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận và lựa chọn. Vifon, Miliket dù nổi tiếng một thời nhưng sau này đã bị chìm. Tuy nhiên luật pháp cần phải được thực thi chặt chẽ để tránh việc lạm dụng quảng cáo hạ bệ đối thủ, không lành mạnh hoặc cá lớn nuốt cá bé”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.

Với góc nhìn khác, một chuyên gia về hàng tiêu dùng tại VN cho rằng, mì ăn liền dù là sản phẩm giá thấp nhưng các DN muốn tồn tại cũng phải đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định và hệ thống phân phối rộng khắp trên các vùng miền. Nghe quảng cáo, người dùng sẽ mua thử nhưng không hợp rồi sẽ bỏ qua và quay về với loại mì họ đã quen thuộc trước đó. Vì vậy, việc quảng cáo hay khuyến mãi chỉ có tính chất ngắn hạn. DN muốn tồn tại lâu nên tổ chức điều tra, nghiên cứu khẩu vị của người dùng. Từ đó có thể sẽ tạo ra được loại sản phẩm phù hợp với nhiều người và tạo ra được một lượng khách hàng truyền thống cho riêng mình. Đây là lượng khách hàng trung thành nhất.

Mai Phương
Nguồn Thanh Niên