Ngành truyền thông: Từ du học đến chuẩn bị cho sự nghiệp

Khoảng 5-6 năm trở lại đây, truyền thông dần trở thành một ngành được nhiều bạn trẻ theo đuổi.

Không chỉ rộ lên phong trào du học, rất nhiều trường cao đẳng, đại học trong nước đã và đang cung cấp các chương trình đào tạo tổng hợp cũng như chuyên sâu về ngành truyền thông.

Truyền thông trở thành ngành thời thượng và quốc gia nào cũng có những khóa học truyền thông. Tuy nhiên, giáo dục là một phần quan trọng nhưng vẫn chưa đủ để một sinh viên có thể tự tin xây dựng một sự nghiệp thuận lợi trong ngành truyền thông.

Nhiều người nhận định, những tố chất quan trọng nhất để có thể thành công trong nghề truyền thông thường là “tự nhiên mà có”. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là các bạn trẻ không thể và không nên tự trau dồi thêm nhiều kỹ năng quan trọng để có thể nâng cao khả năng thành công với ngành nghề đầy lý thú này.

Với các sinh viên truyền thông đang còn ngồi trên ghế nhà trường, dù là ở bậc đại học hay cao học, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu xây dựng cho mình một bộ hồ sơ năng lực (portfolio) bao gồm những công việc và kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong lĩnh vực truyền thông để có được sự khởi đầu tốt nhất trong lĩnh vực nhiều sự cạnh tranh này.

Ngành truyền thông: Từ du học đến chuẩn bị cho sự nghiệp

Trái với suy nghĩ của nhiều người, để hoạt động trong lĩnh vực truyền thông bạn không cần phải là một cây viết xuất sắc, nhưng sự yêu thích, say mê với nghệ thuật kể chuyện là một yêu cầu tiên quyết. Ngoài ra, bạn cũng cần phải hiểu được sự đa dạng và rộng lớn của thị trường truyền thông vì bạn sẽ phải làm việc với rất nhiều phương tiện và môi trường khác nhau: từ truyền hình cho đến rạp phim, từ báo giấy cho đến các trang web, từ những buổi gặp gỡ nhỏ cho đến những sự kiện quy tụ hàng ngàn người… Những thử thách đó cũng chính là điểm hấp dẫn của nghề truyền thông.

Nhiều lựa chọn du học

Sinh viên theo học ngành truyền thông hiện có rất nhiều lựa chọn khi du học, không chỉ ở các cường quốc du học như Anh, Úc, Mỹ mà còn tại Hà Lan, Đức, Pháp, Singapore, Malaysia hay là nước láng giềng Thái Lan – luôn có sẵn các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh với giáo trình quốc tế dành cho các sinh viên muốn theo đuổi ngành truyền thông.

Các chương trình giảng dạy về truyền thông tại các nước đều có những điểm tương đồng, là sự tổng hợp và dung hòa giữa các môn liên quan đến kinh doanh và các môn học sáng tạo, nghiên cứu và phân tích các vấn đề xã hội, nghiên cứu và dự đoán sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là truyền thông mạng xã hội, trang bị cho sinh viên các kỹ năng mềm…

Tuy có rất nhiều cơ hội du học về ngành truyền thông nhưng điều mà các phụ huynh và sinh viên Việt Nam cần lưu ý trước khi quyết định du học chính là khả năng ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Truyền thông là một ngành nghề có nhiều đặc thù mang tính bản xứ, chính vì vậy những sinh viên không nói ngôn ngữ mẹ đẻ, không sinh ra và lớn lên tại đất nước mà mình du học sẽ có ít cơ hội cạnh tranh hơn so với những sinh viên bản xứ.

Tuy trường hợp có thể trụ lại tìm việc làm không phải là ít, nhưng nếu đang tìm kiếm ngành học mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc nước ngoài thì truyền thông chưa hẳn đã là lựa chọn tối ưu nhất. Và dù có lựa chọn ở lại hay trở về sau khi du học, sinh viên vẫn nên quan tâm đến việc trau dồi một số kỹ năng nhất định giúp đảm bảo cho sự thành công trong ngành truyền thông ở bất cứ đâu.

Ngành truyền thông: Từ du học đến chuẩn bị cho sự nghiệp

Chuẩn bị cho sự nghiệp trong ngành truyền thông

Đọc thật nhiều

Với những người trong nghề, ai cũng hiểu yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất quyết định sự thành công của một người làm truyền thông chính là thông tin. Với những người làm trong ngành này, đọc là một trong những việc phải làm hằng ngày với cả chất lẫn lượng. Tuy nhiên, việc đọc của người làm truyền thông không hẳn gói gọn trong việc đọc sách mà mọi người vẫn nghĩ mà còn là đọc tất cả các phương tiện truyền thông xung quanh mình.

Một người làm truyền thông phải có khả năng nắm bắt được những điều đang diễn ra, luôn cập nhật những xu hướng, diễn biến mới nhất của xã hội. Thật vậy, vì một phần rất lớn công việc của người làm truyền thông chính là tạo ra nội dung.

Để có thể tạo ra được nội dung thú vị, thu hút, người làm truyền thông cần biết công chúng hiện nay đang cần gì, quan tâm đến điều gì và thậm chí, còn phải đi trước một bước trong việc dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đó là chưa kể, đọc càng nhiều sẽ giúp khả năng viết lách, nói chuyện càng lưu loát, thuyết phục.

Một phần không nhỏ trong công việc của người làm truyền thông đòi hỏi khả năng viết lách tốt, nếu không phải là viết báo, viết lời cho một mẫu quảng cáo thì cũng là viết một bản kế hoạch sao cho trôi chảy để có thể thuyết phục được khách hàng, cấp trên của mình thực hiện.

Nắm vững nghệ thuật kể chuyện

Người làm truyền thông không cần phải có khả năng viết hay như nhà văn, nhưng cần phải có niềm yêu thích với nghệ thuật kể chuyện. Đến lúc này, việc đọc nhiều mới có dịp để thể hiện tác dụng.

Dù có rất nhiều cơ hội nhưng có thể nói truyền thông là một ngành khá cạnh tranh và cơ hội không đến dễ dàng. Để có thể thành công trong ngành, bạn cần phải trau dồi khả năng sáng tạo trong việc kể chuyện và thu hút công chúng vào câu chuyện mình kể.

Ngành truyền thông: Từ du học đến chuẩn bị cho sự nghiệp

Để có một câu chuyện hay, ngoài thông tin thú vị, bạn còn phải biết cách lồng ghép cảm xúc vào câu chuyện của mình. Hãy tập cách lắng nghe những câu chuyện nhưng không phải theo kiểu thụ động như một khán giả bình thường.

Hãy học dần cách phân tích tại sao một câu chuyện lại thú vị và hấp dẫn bạn, để dần dần khám phá ra những bí quyết của nghệ thuật kể chuyện. Đây là một việc mà nhà trường khó có thể dạy được cho sinh viên, đến khi tốt nghiệp đi làm thì cũng chẳng có ai đủ kiên nhẫn để dạy cho bạn.

Sự nhạy bén với nghệ thuật kể chuyện có thể nói là một năng khiếu trời cho với nhiều người, nhưng cũng cần sự trau dồi với nhiều người khác. Nhưng hãy cứ kiên nhẫn, tập luyện để ngày hôm sau luôn tốt hơn ngày hôm nay.

Chuẩn bị hồ sơ năng lực

Hồ sơ năng lực (portfolio) không còn là một khái niệm xa lạ với những người làm trong lĩnh vực sáng tạo. Từ thiết kế, kiến trúc, nghệ thuật và truyền thông cũng không ngoại lệ, hồ sơ năng lực là điểm quan trọng giúp bạn xây dựng sự nghiệp của mình.

Không một nhà tuyển dụng nào đánh giá cao những ứng viên có thời gian làm việc lâu năm nhưng chỉ là những công việc đều đặn không có điểm nhấn. Với một số ngành nghề khác, việc có thể làm những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày một cách chắc chắn, chỉn chu là điểm cộng, nhưng với ngành truyền thông, các nhà tuyển dụng lại tìm kiếm những dự án, sáng tạo nổi bật.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên nên tìm cho mình những cơ hội thực tập hay tình nguyện tham gia vào nhiều dự án khác nhau. Nếu cần thiết, bạn hãy vạch ra trước những lĩnh vực mà mình muốn trải nghiệm cũng như tích lũy cho bộ hồ sơ năng lực và từ đó lựa chọn những hoạt động để tham gia.

Ngành truyền thông: Từ du học đến chuẩn bị cho sự nghiệp

Ở những giai đoạn đầu của sự nghiệp, đa dạng là tiêu chí quan trọng. Nhà tuyển dụng trong lĩnh vực truyền thông rất ưu ái những ứng viên đa năng có khả năng làm nhiều việc, từ lên kế hoạch, tổ chức cho đến viết lách, chụp hình, thiết kế…

Một ứng viên có hiểu biết và kỹ năng ở nhiều lĩnh vực sẽ có khả năng xoay xở và ứng biến tốt hơn trong công việc. Càng về những giai đoạn sau trong sự nghiệp, quy mô càng trở thành yếu tố quan trọng.

Lúc này, nhà tuyển dụng sẽ bắt đầu quan tâm hơn đến việc ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc trong những dự án lớn, quan trọng và có tầm ảnh hưởng rộng hay chưa, liệu ứng viên đã tích lũy được khả năng làm việc với áp lực cao hay không.

Một bộ hồ sơ năng lực súc tích nhưng có nhiều điểm nhấn cần được thường xuyên trau dồi trong suốt sự nghiệp. Một điểm nữa của ngành truyền thông là bạn không thể biết khi nào cơ hội tìm đến mình, hãy chuẩn bị sẵn sàng!

Trau dồi kỹ năng

Như đã đề cập ở trên, có nhiều kỹ năng là một trong những điểm rất quan trọng cho thành công ở ngành truyền thông. Có một điều khó có thể chối cãi, truyền thông là mảnh đất dụng võ của những người đa năng, tài hoa.

Những người thành công ở lĩnh vực truyền thông thường là những người có khả năng làm được nhiều việc, vì vậy mà khả năng sáng tạo và bao quát công việc cũng cao hơn. Vì tính chất công việc thường xuyên thay đổi, mỗi một dự án mỗi khác nên những người làm truyền thông thường phải linh hoạt và có khả năng thích ứng cao.

Nhật Hà
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn