Hàng nội rướn bước

Ông La Hoài Nam, tổng giám đốc công ty thực phẩm Hồng Phú, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện các kế hoạch để đến năm 2015 vươn lên thành một trong ba công ty nước mắm dẫn đầu thị trường Việt Nam”.

Phát triển thị trường

Hồng Phú đã đầu tư 25 triệu đôla để xây dựng nhà máy sản xuất nước mắm theo dây chuyền hiện đại, công nghệ khép kín, và có thể đáp ứng cho thị trường đến 90 triệu lít/năm. Và nay, họ tập trung phát triển đầu ra. Năm 2012 này, Hồng Phú sẽ tham gia các chuyến bán hàng về nông thôn nhằm quảng bá sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng ở vùng sâu vùng xa và mở điểm phân phối tại đó. Ông Nam cho rằng: “Đây là cách có thể phát triển mạng lưới bán hàng nhanh, đúng nhu cầu người tiêu dùng”.

Hàng nội rướn bước

Công ty thực phẩm Sài Gòn Food đang tính toán khả năng tăng doanh số khi mà sức mua toàn thị trường năm 2012 này có thể chậm hơn năm ngoái. Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty này cho biết: “Sức mua năm 2012 khó có thể tăng cao khi thu nhập của người lao động không thay đổi mấy so với giá cả”. Từ nhận định này, Sài Gòn Food tập trung vào ba hướng: phát triển sản phẩm mới có mức giá hợp lý, phát triển mặt hàng mới nhắm đến nhóm khách nhà hàng – khách sạn – tiệm càphê… và phát triển kênh bán hàng qua các đại lý, cửa hàng thực phẩm nhỏ có thể lắp đặt tủ trữ lạnh, không bó hẹp việc bán hàng trong mạng lưới các siêu thị hiện nay.

Hàng nội rướn bước

Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang tìm cách thâm nhập thị trường nhà hàng, khách sạn.

Một nhà kinh doanh (giấu tên) đã lên kế hoạch mở siêu thị cung cấp sỉ và lẻ các loại gạo có thương hiệu của Việt Nam. Theo nhà kinh doanh này, tính đến hết năm 2011 thị trường đã có gần 100 loại gạo có thương hiệu riêng, mà tại TP.HCM và các tỉnh, thành khác thì từng loại gạo chỉ được bán rải rác. Việc mở siêu thị gạo sẽ giúp người tiêu dùng mua được gạo ngon, đúng giá, đúng phẩm cấp và mở được đầu ra tốt hơn cho nhà sản xuất gạo.

Từ việc hiểu người tiêu dùng

Đợt tết vừa qua, trên 80% sản phẩm trưng bày và cũng chiếm tỷ lệ doanh thu tương ứng trong các hệ thống siêu thị Co.opmart, Maximark, Big C, Citimart là hàng nội, 98% thực phẩm chế biến là hàng sản xuất tại Việt Nam

Công ty Bibica cũng hoàn tất việc khảo sát thị hiếu và tâm lý mua hàng trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn. Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Bibica, cho biết: “Riêng mặt hàng bánh kẹo, người tiêu dùng trong nước đang hình thành hai nhóm rất rõ nét. Nhóm người có tiền thì mạnh tay chi tiêu, không nề hà giá cả, nhưng đòi hỏi chất lượng cao, bánh kẹo phải thật ngon, bao bì mẫu mã thật đẹp… Còn nhóm có thu nhập trung bình trở xuống thì cân nhắc rất kỹ đến từng gờram, so đo mức giá từng ngàn đồng cho mỗi hộp...” Từ phân tích này, Bibica trong năm 2012 đầu tư trên 200 tỉ đồng để thiết kế sản phẩm và mẫu mã mới theo hai dòng đáp ứng hai nhóm tiêu dùng khác nhau.

Cũng sau đợt tăng công suất gấp đôi để làm trên 150 tấn mứt tết các loại, cung cấp cho siêu thị, ngay những ngày đầu năm mới bà Phạm Ngọc Thuý, chủ cơ sở Thành Long cho biết, cơ sở này đang định đầu tư sản xuất các loại trái cây sấy tẩm muối, đường. Bà Thuý nói: “Việc người tiêu dùng cũng như các nhà phân phối chọn hàng sản xuất tại Việt Nam đang là lợi thế không thể bỏ qua. Nếu chần chừ thì sẽ mất cơ hội”.

Tương tự, bà Hoàng Thị Tâm Ái, giám đốc công ty sản xuất thực phẩm Trí Đức, cũng cho biết đã đầu tư hàng tỉ đồng xây thêm xí nghiệp mới tại Củ Chi để sản xuất các loại thực phẩm chế biến từ rau củ quả dùng làm nước giải khát, chế biến làm món ăn trong gia đình hàng ngày. Dự kiến giữa năm 2012 nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động, nâng công suất lên gấp đôi hiện nay.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị