Bán lẻ Việt Nam đã qua thời cá lớn nuốt cá bé
Theo đại diện của Nielsen, thị trường bán lẻ ngày nay đã qua thời cá lớn nuốt cá bé. Sự thành công sẽ phụ thuộc vào việc các đơn vị cải thiện sự tiện lợi và tăng kết nối số ra sao.
Phát biểu tại hội thảo "Trung tâm mua sắm và con đường phát triển ở Việt Nam", ông Dương Duy Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, giá trị tiêu dùng cuối cùng trên GDP ở Việt Nam lên tới 70%, trong đó, 90% là tiêu dùng cá nhân. "Điều này biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ nằm trong top 5 phát triển nhất khu vực châu Á cũng như thế giới", ông Hưng chia sẻ.
Có chung nhận định trên, Nielsen còn dự báo, đến năm 2020, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần, và sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng nhất cho các trung tâm thương mại, nhà bán lẻ.
Bà Châu Ngọc Hạnh, Trưởng phòng dịch vụ tư vấn nhà bán lẻ Nielsen Việt Nam, cho biết, người Việt ngày nay thích mua sắm theo mô hình đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại nhà. người Việt hiện đề cao sự tiện lợi và kết nối thông qua thế giới số, do đó, đơn vị bán lẻ nào có thể đáp ứng được những yêu cầu này thì sẽ có lợi thế thị trường.
“Bán lẻ ngày nay đã qua thời cá lớn nuốt cá bé. Đây là lúc con cá nào nhanh hơn sẽ nuốt trọn những con cá chậm chạp”, đại diện Nielsen cho hay.
Theo thống kê của CBRE, Co.op mart hiện là công ty bán lẻ lớn nhất ở Việt Nam, và xếp thứ 190 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam năm 2015 thì Co.op Mart lại không phải là đơn vị có doanh thu trên mỗi m2 kinh doanh tốt nhất. Vị trí dẫn đầu này thuộc về Saigon Jewwelry (hơn 31.500 USD), sau đó là Nguyễn Kim (hơn 13.400 USD) và Mobile World (hơn 12.500 USD).
Báo cáo này cũng cho biết, thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM hiện biến động ngược chiều. Nếu mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đang có tỷ lệ trống cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (có lúc lên tới 20%) thì TP HCM lại có tỷ lệ khá thấp, chỉ chưa tới 10%.
Điều này cũng ảnh hưởng tới giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình tại hai khu vực này. Theo đó, giá thuê tại Hà Nội nằm trong nhóm giảm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi TP HCM lại ở nhóm tăng mạnh nhất trong khu vực. Giá thuê các khu vực trung tâm của TP HCM và Hà Nội hiện rất cao, lên tới hơn 120 USD/m2 mỗi tháng trong quý III/2015, gấp 3 lần so với ở vùng ngoài trung tâm.
Hiện tại, trên thế giới, các kênh mua sắm đang bị phân nhỏ do người tiêu dùng chuyển sang các loại hình cửa hàng quy mô nhỏ hơn. Tương tự, tại Việt Nam, hiện tại có 22% người Việt thích sử dụng kênh mua sắm là các cửa hàng tiện lợi, thay vì tới các trung tâm mua sắm lớn.
Hạ Minh
Nguồn Zing News