6 bí quyết xây dựng thương hiệu từ Adele
Trong tuần đầu tiên sau khi ra mắt, album "25" của nữ ca sĩ người Anh Adele đã bán được 3,38 triệu bản tại Mỹ, và hơn 800.000 bản tại Anh.
Theo thông tin mới từ bảng xếp hạng Billboard, album "25" của Adele chính là album đầu tiên trong lịch sử Billboard lập được kỷ lục bán hơn 3 triệu bản tại Mỹ chỉ trong tuần đầu tiên. Kỷ lục này đã hoàn toàn phá vỡ kỷ lục cũ do album "No Strings Attached" của nhóm N'Sync lập vào năm 2000 là bán được 2,4 triệu bản.
Ngoài ra, "25" còn lập kỷ lục là album đầu tiên bán được hơn 960.000 bản trên cửa hàng âm nhạc trực tuyến iTunes của Apple chỉ trong ngày đầu tiên phát hành. Trước đó, bản single "Hello" trích từ album này đã thu hút được tới 543 triệu lượt người xem sau khi được ra mắt vào tháng 10.
Theo dự kiến, doanh số của "25" chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tuần sắp tới, và có thể trở thành album đầu tiên trong lịch sử bán được hơn 1 triệu bản trong tuần thứ nhì sau khi ra mắt. Album trước đây của Adele là "21" đã từng bán được tới 11,24 triệu bản chỉ riêng tại Mỹ.
Ở tuổi 27, Adele đã thực sự trở thành một trong những cái tên quan trọng của làng âm nhạc thế giới. Điều này đã sớm được tạp chí Time tiên đoán từ cách đây 3 năm, khi họ đưa cô vào danh sách Time 100 dành cho những nhân vật có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Theo bình luận của một số nhà phê bình nổi tiếng, Adele sẽ sớm có một ngày trở thành một biểu tượng ngang tầm với chính những thần tượng của cô là các huyền thoại Etta James và Ella Fitzgerald.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 6 bài học đầy giá trị từ thương hiệu Adele:
1. Luôn là chính mình
Adele từng thừa nhận rằng ngay chính cô cũng không biết mình muốn trở thành dạng nghệ sĩ như thế nào, và album của cô được ra đời chỉ là để trút bỏ những gánh nặng cảm xúc của mình. Nhưng cũng chính cái yếu tố không đi theo khuôn mẫu nào ấy đã tạo thành phong cách riêng của nhạc Adele: một chút pop, một chút jazz & blues, một chút electro, một chút soul... Những yếu tố đó kết hợp với chất giọng Cockney đặc trưng của người dân tầng lớp lao động thành London chính là điều làm nên phong cách âm nhạc đặc biệt của Adele.
Và cũng không như những đồng nghiệp phải nhờ đến sức mạnh máy móc của công nghệ autotune, tất cả những lời ca của Adele đều đến từ chất giọng thật.
Nói về những lời mời đề nghị quảng cáo, Adele từng tuyên bố với New York Times: "Tôi từng được đề nghị tham gia mọi thứ, và tôi quyết định rằng mình không muốn đánh mất giá trị của mình. Tôi muốn làm một thứ thôi, và tôi không muốn mình trở thành một gương mặt xuất hiện mọi nơi".
2. Đừng chạy theo trào lưu nhất thời
Lấy cảm hứng từ hai huyền thoại kinh điển là Etta James và Ella Fitzgerald, không có gì ngạc nhiên khi âm nhạc của Adele đã được nhiều nhà phê bình đánh giá là "không có tuổi tác".
Giữa thời buổi mà các nữ ca sĩ nổi tiếng thường dùng đến ngoại hình và những pha gây sốc để thu hút sự chú ý thì một Adele giản dị với phong cách cổ điển vẫn tạo ra được một chỗ đứng riêng.
Cô từng nói: "Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi phải sáng tác âm nhạc cho chính mình, và tôi không hề muốn làm điều gì ngoài chuyện đó".
3. Không đi vào lối mòn của thị hiếu
Trong một thời buổi mà các chuyên gia marketing cố gắng chạy theo các phân khúc khách hàng và thị trường ngách, thì Adele là một thương hiệu cực kỳ hiếm có: không phải dành cho mọi người, nhưng cũng không nhắm vào một đối tượng nào cụ thể.
Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý và âm nhạc, trong mỗi chúng ta ai cũng đều có cảm xúc hoài niệm, và những ca khúc của Adele có đủ sức mạnh thấu cảm để chạm vào nguồn cảm xúc ấy.
Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm của nữ ca sĩ này đã thu phục được trái tim của giới trẻ lẫn người trung niên. Biên tập viên âm nhạc của Daily Telegraph đã từng gọi nhạc của cô là "vừa có đẳng cấp, vừa không có giai cấp".
4. Hiểu rõ sức mạnh của mạng xã hội
Một trong những yếu tố tạo nên thành công đầu tiên cho Adele chính là ở chỗ cô đã có mặt trên mạng xã hội từ rất sớm, khởi đầu là từ trang MySpace.
Cô giải thích: "Tôi muốn có 5 triệu người lắng nghe âm nhạc của mình hơn là kiếm được 5 triệu bảng Anh. Tôi chịu khó cập nhật tin tức và viết blog cho mọi người xem, cũng như lắng nghe ý kiến của người hâm mộ".
Ngày nay, dù Adele không còn cập nhật tin tức thường xuyên trên mạng xã hội nhưng trang Twitter của cô có tới hơn 24 triệu người theo dõi và trang Instagram của cô cũng có hơn 3,2 triệu người hâm mộ.
5. Dành ra khoảng trống để sáng tạo
Kể từ khi tung ra album "21" vào năm 2011, Adele gần như rút lui hoàn toàn khỏi ánh đèn của sân khấu và báo giới để tập trung cho đời sống gia đình, cũng như tìm kiếm ý tưởng cho album "25".
Cô không liên tục tung ra single và video mới, cũng như đi lưu diễn thường xuyên như những ngôi sao khác vẫn hay làm, mà chú trọng tới việc đầu tư trau chuốt cho từng đứa con tinh thần của mình. Và sự đầu tư đó đã nhận được lòng trung thành hiếm có của người hâm mộ: khảo sát của Nielsen cho thấy rằng nhiều người đã không mua album nào khác trong suốt 4 - 5 năm liền, ngoại trừ những album của Adele.
6. Tôn trọng ý nghĩa của di sản
Adele đã nói về khoảnh khắc phát hiện ra âm nhạc của Etta James và Ella Fitzgerald như sau: "Trước đó, tôi chỉ biết về mấy thứ nhạc pop thời thượng. Việc khám phá ra Etta và Ella là một sự thức tỉnh, và khiến tôi nhận ra sự trường tồn của những huyền thoại. Tôi nhận ra là một đứa trẻ 15 tuổi như tôi lúc đó vẫn thưởng thức được các bài ca từ những năm 1940, và bắt đầu cảm thấy thôi thúc muốn tạo ra một tác phẩm mà 50 năm sau người ta vẫn muốn lắng nghe".
Tuấn Minh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư