Smartphone Việt "teo tóp"
Tính đến quý II/2015, tổng thị phần của các hãng điện thoại thương hiệu Việt còn chưa tới 10%, và được IDC dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tháng 5.2015, Bkav đã chi 10 tỉ đồng cho lễ công bố Bphone, dòng điện thoại cao cấp do họ tự phát triển. Bphone được Bkav so sánh tốt hơn iPhone 6, nhưng đến nay, hãng này vẫn chưa công bố lượng Bphone bán ra trên thị trường. Cùng lúc, các thương hiệu smartphone Việt ở phân khúc thấp lại đang loay hoay tìm chỗ đứng ngay tại thị trường trong nước.
Smartphone Việt teo tóp
Theo IDC Việt Nam, năm 2010, tổng thị phần của các hãng điện thoại thương hiệu Việt là 24%. Nhưng tính đến quý II/2015, con số này đã giảm hơn 3 lần và được IDC dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Có thể kể đến hàng loạt thương hiệu smartphone Việt mất hút như Avio, Viettel hay Hanel Mobile. Còn những dòng sản phẩm phân khúc giá dưới 3 triệu đồng của Q-Mobile, FPT Mobile hay Mobiistar cũng đang chịu sức ép không nhỏ từ các thương hiệu quốc tế đang dồn sức đánh chiếm thị trường.
Theo một chuyên gia công nghệ, đây là hệ quả tất yếu khi các thương hiệu Việt chọn chiến lược sản phẩm giá thấp. Chính sự đa dạng hóa sản phẩm về mức giá thấp hơn của Samsung, Oppo, Huawei, hay Lenovo đã khiến ưu thế giá rẻ của điện thoại thương hiệu Việt bị mất đi. Ở khâu quảng cáo, thương hiệu Việt cũng khó lòng cạnh tranh do hạn chế tài chính. Khả năng phân phối cũng bị hạn chế bởi sản phẩm kén khách và phụ thuộc quá nhiều vào nhà bán lẻ.
Trong khi đó, tiềm năng của thị trường smartphone Việt Nam vẫn còn hấp dẫn. IDC cho biết năm 2015, Việt Nam sẽ tiêu thụ 15 triệu smartphone. So với doanh thu 2,2 tỉ USD trong năm 2014, tỉ lệ tăng trưởng của thị trường smartphone Việt năm 2015 sẽ là 10% và hơn 60% từ đây cho đến hết năm 2019. Ðây rõ ràng là con số hấp dẫn, tạo nên làn sóng đổ bộ của các thương hiệu ngoại trong năm nay.
Ví dụ, cuối tháng 11.2015, hãng Motorola bất ngờ quay lại thị trường Việt Nam sau một thời gian dài vắng bóng. Lần này, họ mang đến 5 dòng điện thoại thông minh có mức giá chỉ từ 2,5 triệu đồng. Hãng điện thoại Wiko cũng giới thiệu 3 dòng điện thoại giá thấp. Năm 2014, hãng này đã đưa vào Việt Nam 6 dòng tầm trung.
Sân chơi của nước ngoài
Tính đến hiện tại, Việt Nam có hơn 17 thương hiệu smartphone ngoại đang chiếm lĩnh thị trường. Vẫn giữ ngôi vương ở phân khúc cao cấp, nhưng Apple đã có bước thay đổi đáng đối với thị trường Việt Nam. Tháng 9.2015, họ quyết định chọn Digiworld là nhà nhập khẩu và phân phối iPhone và các phụ kiện chính thức. Đây là một bước tiến để Apple tiếp cận khách hàng Việt Nam nhanh nhạy và sát sao hơn.
Trong khi đó, Samsung cũng chăm chỉ cải tiến sản phẩm từ hình ảnh, chất lượng cho đến giá của từng dòng điện thoại. Nếu như trước đây, Samsung chỉ tổ chức sự kiện vài lần trong năm thì trong năm 2015, tháng nào họ cũng chạy sự kiện và tích cực đổ tiền vào marketing.
Ðáng chú ý, sự tung hoành của Oppo trong chiến lược tiếp thị đến giới trẻ khi tiếp cận thị trường Việt Nam đã giúp hãng này chiếm 8% thị phần trong năm 2014, theo IDC. Ðó là nhờ Oppo sở hữu loạt sản phẩm cạnh tranh về mẫu mã cùng với các mức giá phù hợp, kèm theo khả năng chi mạnh tay vào hoạt động marketing.
Thống kê của IDC trong quý I/2015 cho thấy, Oppo đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các hãng smartphone bán nhiều sản phẩm nhất ở Việt Nam. Trong doanh thu của Oppo, 70% đến từ các sản phẩm có giá dưới 5 triệu đồng và 30% là các sản phẩm giá từ 8-10 triệu đồng. Có thể nói, khi các thương hiệu ngoại thay đổi chiến lược nhằm chiếm trọn nhu cầu thị trường, việc một số thương hiệu trong nước phải ra đi là điều tất yếu.
Trần Nghĩa
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư