Yahoo như bộ phim truyền hình kịch tính không hồi kết

Có rất nhiều điều để nói về Yahoo của năm 2015, dưới triều đại của bà Marissa Mayer. Công ty gặp nhiều khó khăn, CEO bị chỉ trích vì không có năng lực và có nguy cơ phải bán mảng kinh doanh cốt lõi của mình để tiếp tục tồn tại.

Đó là những rắc rối vô cùng lớn mà một công ty phải đối mặt, tuy nhiên đối với một Yahoo đã 20 năm tuổi thì những rắc rối này cũng chỉ giống như một trong những khó khăn mà công ty đã vượt qua trong quá khứ.

Hơn bất kỳ công ty internet nào khác, chặng đường phát triển của Yahoo phải trải qua vô vàn khó khăn giống như một bộ phim truyền hình kịch tính không có hồi kết. Nội bộ của công ty đã có rất nhiều lần phải thay thế vị trí CEO, tuy nhiên vẫn không thể giúp cho công ty tìm lại được thời hoàng kim trước thời kỳ bong bóng dotcom (1995-2000).

Giai đoạn sau bong bóng dotcom, Yahoo mắc kẹt trong một mỡ hỗn độn mà không bao giờ kết thúc. Và đây là những khoảng thời gian khó khăn đỉnh điểm của công ty, nó cho thấy Yahoo đã phải trải qua những gì để có thể là một trong số ít công ty internet trước năm 2000 vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Jerry Yang và Microsoft: 2007 - 2008

Sau một chuỗi thời gian đầy ảm đạm, nhà đồng sáng lập Yahoo là Jerry Yang đã quyết định để trở thành CEO của công ty vào năm 2007. Ông thay thế cho cựu CEO Terry Semel, người đã không thể giúp vực dậy Yahoo khỏi sự suy tàn trong suốt 6 năm trước đó.

Jerry Yang

Đồng sáng lập Yahoo, ông Jerry Yang.

Tuy nhiên sự trở lại của nhà đồng sáng lập Jerry Yang có vẻ như đã không giúp Yahoo có được những quyết định đúng đắn trong sự phát triển của công ty. Vào tháng 1 năm 2008, Microsoft đã đưa ra lời đề nghị 44,6 tỷ USD mua lại hoàn toàn Yahoo.

Đó là một lời đề nghị vô cùng hấp dẫn đối với Yahoo vào thời điểm đó, thậm chí Microsoft còn hào phóng tặng thêm 5 tỷ USD. Tuy nhiên Jerry Yang đã từ chối lời đề nghị đó vì nghĩ rằng mức giá đó là quá thấp với giá trị của Yahoo.

Cuối năm đó, bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, gây ra cuộc suy thoái sâu nhất tại Mỹ kể từ sau cuộc Đại suy thoái hàng hóa năm 1930. Cổ phiếu của Yahoo đã bị rớt thê thảm và đến cuối năm, giá trị của Yahoo chỉ còn lại một nửa so với lời đề nghị của Microsoft. CEO Steve Ballmer của Microsoft lúc đó nói rằng: “Đôi khi bạn gặp may mắn”.

Ông Carl Icahn và cuộc chiến chống lại ban giám đốc công ty: 2008 - 2009

Nhà đầu tư Carl Icahn đã tích lũy được số cổ phần khoảng 4,3% của Yahoo và ông cũng là một thành viên của hội đồng quản trị, một người có tiếng nói. Sau khi Yahoo từ chối lời đề nghị mua lại của Microsoft, chính ông Carl Icahn là người cáo buộc ban giám đốc công ty mà trong đó có CEO Jerry Yang đã không làm những điều đúng đắn.

Carl Icahn

Nhà đầu tư Carl Icahn là người bắt đầu cuộc nội chiến tại Yahoo.

Một số cổ đông của Yahoo mà người đứng đầu chính là ông Carl Icahn thậm chí đã đệ đơn kiện lên tòa án Delaware, với cáo buộc CEO Jerry Yang đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của các cổ đông để từ chối lới đề nghị mua lại Yahoo của Microsoft. Ngoài ra, Yahoo còn hủy bỏ một thỏa thuận hợp tác tìm kiếm và quảng cáo với Google, vì sợ mối đe dọa từ Microsoft.

Chính ông Icahn cũng tuyên bố rằng sẽ tìm cách loại bỏ CEO Jerry Yang nếu nhận được sự ủng hộ từ phía các cổ đông của công ty. Ông này tin rằng chỉ bằng cách loại bỏ vị CEO của Yahoo mới khiến cho Microsoft nguôi giận và quay trở lại với một lời đề nghị mới.

Đó có thể xem là cuộc nội chiến lớn nhất của Yahoo, tuy nhiên mục đích cuối cùng của một nhà đầu tư vẫn chỉ là lợi nhuận. Và đương nhiên việc Microsoft mua lại Yahoo sẽ khiến cho các cổ đông thu được một khoản tiền rất lớn do giá mà gã khổng lồ tìm kiếm chịu bỏ ra là 40 USD/cổ phiếu, trong khi giá trị của Yahoo lúc đó chỉ là 26-29 USD/cổ phiếu.

Carol Bartz thay thế Jerry Yang: 2009 - 2011

Việc CEO Jerry Yang từ chối lời đề nghị mua lại của Microsoft đã biến ông trở thành kẻ thù của cả Wall Street. Và không lâu sau đó, ông đã bị thay thế bởi Carol Bartz trên chức vị giám đốc điều hành của Yahoo. Carol Bartz là người phụ nữ thành công khi điều hành công ty phần mềm Autodesk, tuy nhiên bà lại không có nhiều kinh nghiệm đối với một công ty internet.

Carol Bartz

Cựu CEO Carol Bartz bị sa thải sau chỉ một cú điện thoại.

Vị CEO mới của Yahoo đã cố gắng trong việc cải thiện lợi nhuận nhờ cắt giảm chi phí, tuy nhiên bà chưa từng khiến cho các cổ đông của công ty hài lòng. Vì doanh thu và giá cổ phiếu của Yahoo vẫn dậm chân tại chỗ, khiến cho các nhà đầu tư vô cùng lo lắng.

Tuy nhiên sai lầm lớn nhất của Carol Bartz đó là quan hệ với Jack Ma, người đứng đầu Alibaba mà Yahoo đang sở hữu một lượng lớn cổ phần. Mối quan hệ không tốt giữa CEO và các cổ đông tiếp tục khiến cho nội bộ của Yahoo bị rối loạn.

Tháng 9 năm 2011, CEO Carol Bartz bị sa thải chỉ với một cú gọi điện thoại và được thay thế tạm thời bởi Giám đốc tài chính Tim Morse. Yahoo tiếp tục rơi vào vòng xoáy không có hồi kết.

CEO Scott Thompson và scandal gian lận: Tháng 1 - tháng 5 năm 2012

Trong series truyền hình dài kỳ của Yahoo, có lẽ tập phim của vị CEO Scott Thompson là ngắn nhất. Khoảng thời gian mà vị Chủ tịch của eBay đảm nhiệm vị trí CEO tại Yahoo chỉ kéo dài có 4 tháng. Ông đã có nhiều ý tưởng để có thể làm thay đổi tình hình kinh doanh của Yahoo, tuy nhiên ông đã không có thời gian để làm điều đó.

Scott Thompson

Cựu CEO Scott Thompson dính phải scandal gian lận và cũng là người đưa ra một quyết định sai lầm nhất trong lịch sử Yahoo.

Sự việc này lại tiếp tục xuất phát từ nội bộ của công ty, khi mà Dan Loeb của quỹ đầu tư Third Point (quỹ đầu tư sở hữu một lượng cổ phần lớn của Yahoo) cáo buộc Thompson đã gian lận trong hồ sơ của mình về trình độ học vấn.

Trên thực tế CEO Thompson chỉ có bằng cử nhân kinh tế chứ không có bằng chứng nhận trình độ khoa học máy tính như những gì ông đã khai trong hồ sơ cá nhân của mình. Trong vòng chưa đầy 2 tuần sau khi thông tin này được công bố, ông đã bị sa thải và ngay lập tức Dan Loeb có ngay 3 ghế trong ban giám đốc của Yahoo.

Một trong những quyết định mang tính định mệnh của CEO Thompson chỉ trong 4 tháng điều hành Yahoo đó là bán đi 20% cổ phần của Yahoo tại Alibaba. Thương vụ này khiến cho Yahoo lỗ tới 54 tỷ USD, khi mà giá trị của Alibaba hiện nay đã tăng gấp 10 lần. Đây được xem là một trong những quyết định vô cùng sai lầm của vị CEO này. Số tiền 54 tỷ USD là cao hơn cả giá trị Yahoo hiện nay.

Và khi người đàn bà đẹp Marissa Mayer nắm quyền: Tháng 7 năm 2012 đến nay

Động thái tiếp theo của Dan Loeb đó là thuê Marissa Mayer, một trong những kỹ sư đầu tiên của Google, về làm CEO tại Yahoo. “Người đàn bà đẹp” này nhanh chóng định hướng Yahoo tập trung vào mảng di động, thị trường mà Yahoo còn bỏ ngỏ.

Marissa Mayer

Niềm tin đang được đặt vào người đàn bà đẹp Marissa Mayer.

Tuy nhiên chiến lược của Mayer tiếp tục vấp phải những chỉ chích vì không đem lại bất kỳ sự chuyển biến lớn nào cho Yahoo. Mặc dù Yahoo dưới thời Marissa Mayer đã thực hiện rất nhiều thương vụ thâu tóm lớn như nền tảng xã hội Tumblr (1,1 tỷ USD) và công ty công nghệ video Brightroll (650 USD).

Và một lần nữa, Yahoo lại phải đối mặt với những vấn đề nội bộ. Lần này là Starboard Value, quỹ đầu tư này chính là người muốn Yahoo không được thực hiện kế hoạch tách cổ phần Alibaba thành một doanh nghiệp riêng và phải bán mảng kinh doanh cốt lõi của công ty. Trong khi đó CEO Mayer và hội đồng quản trị đang phải cân nhắc để đưa ra quyết định.

Cuộc họp cuối cùng của ban lãnh đạo và hội đồng quản trị Yahoo vừa kết thúc, và quyết định vận mệnh tương lai của Yahoo sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.

TVD
Nguồn Trí thức trẻ