Vì đâu Foodpanda phải "ngậm ngùi" rút lui khỏi Việt Nam?
Sau beyeu.com, Foodpanda là cái tên thứ 2 gây shock khi rút khỏi thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Nếu như beyeu.com ra đi vì không thể tiếp tục tham gia cuộc chơi “đốt tiền”, thì Foodpanda, tại sao với sự hậu thuẫn của Rocket Internet – công ty mẹ của Lazada và Zalora, vẫn phải ngậm ngùi rút lui?
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2012, Foodpanda và thương hiệu liên kết Hellofood được cho là đứng đầu trong thị trường đặt hàng thức ăn trực tuyến.
Tính đến giữa năm 2014, foodpanda.vn đã cung cấp dịch vụ tại 5 thành phố lớn Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng và Cần Thơ với mạng lưới lên đến 1.000 nhà hàng đối tác.
Foodpanda cũng là dịch vụ đầu tiên phủ sóng rộng khắp và quảng cáo trên các kênh truyền hình TV.
Xét trên bình diện toàn cầu, Foodpanda đã “phủ sóng” tới 40 quốc gia tại 5 châu lục. Năm 2015 có thể nói là năm tốt lành của Foodpanda toàn cầu.
Đầu năm, công ty liên tiếp ra thông báo mua lại 7 công ty đối thủ trên 8 thị trường tiềm năng gồm Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Philippines, Pakistan, Hong Kong, Thái Lan và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Foodpanda cũng đã gọi vốn thành công 210 triệu USD. Trong đó, vòng gọi vốn thứ 2 trong năm, Foodpanda cũng gọi được 100 triệu USD mà phần lớn đến từ Goldman Sachs.
Như vậy, kể từ khi ra đời vào năm 2012, Foodpanda đã huy động tổng cộng được 310 triệu USD, mà 2/3 số tiền huy động được “đến cấp tập” vào giữa năm 2015.
Trong khi đó, Foodpanda Việt Nam không còn nhiều hoạt động quảng bá rầm rộ như hồi năm 2014. Và mới đây, trong một thông báo đề ngày 2/12, Công ty TNHH MTV Gấu Trúc Food, website chính thức foodpanda.vn, thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Lý do đưa ra là vấn đề tài chính.
Lý do này được đưa ra khá giống với beyeu.com khi rút lui khỏi thị trường thương mại điện tử và không quên để lại lời nhắn đau thương cho người ở lại: "Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng".
Lỗ chồng lỗ cao gấp 11 lần
Rocket Internet là một công ty đến từ Đức, đầu tư vào nhiều mảng khác nhau. Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, Rocket Internet đang rót tiền vào 4 mảng gồm: Nội thất gia đình (Home24, Westwing), Thời trang (Zalora, Dafiti, Namshi), Hàng hóa (Lazada, Linio, Jumia) và Thực phẩm (Foodpanda).
Mặc dù luôn được nhận định là “nhiều tiềm năng”, ông lớn Rocket Internet đang lỗ trên cả 4 mặt trận nói trên.
Theo báo cáo tài chính của Rocket Internet, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả 4 mảng thương mại điện tử (E-commerce) của “ông lớn” này đang tiếp tục “đốt tiền” mạnh hơn cả cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) của riêng Foodpanda cho thấy mảng này đã lỗ 23,1 triệu Euro (tương đương 24,5 triệu USD), gấp 11 lần khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái.
“Hằng năm, vẫn có rất nhiều website thương mại điện tử được mở ra, đồng thời cũng không ít website âm thầm đóng cửa. Những ai đang làm về thương mại điện tử đều hiểu rõ những khó khăn của ngành này. Đa số các dự án thương mại điện tử đang hoạt động đều không có lãi”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối thương mại điện tử Zamba – VCCorp, cho biết.
Tuy nhiên, tài chính có phải vấn đề duy nhất của thương mại điện tử?
Kể cả khi có rất nhiều tiền, khả năng thành công vẫn có thể là dấu hỏi. Có những dự án thương mại điện tử được đầu tư rất lớn nhưng sau vài năm phát triển, vẫn khá "lận đận". Chìa khóa để thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, vẫn là một bài toán đau đầu với doanh nghiệp.
“Có những bài toán không phải cứ dùng tiền, dùng lực là có thể giải được ngay, mà cần phải có thời gian nhất định. Khi hạ tầng hỗ trợ cho hoạt động thương mại điện tử tốt lên thì lúc đó các đơn vị làm thương mại điện tử mới có thể tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu suất hoạt động. Tôi vẫn tin thương mại điện tử Việt Nam sẽ cất cánh, bởi đó là xu thế tất yếu”, ông Tuấn khẳng định.
Nhưng, trong cuộc chơi này, liệu rằng trong thời gian sắp tới, còn bao nhiêu doanh nghiệp thương mại điện tử tiếp tục gửi lời nhắn đau thương cho người ở lại?
Bảo Bảo / CafeBiz
Nguồn Trí thức trẻ